Giá xăng dầu hôm nay 1/6: Giá xăng trong nước sắp tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng thấy

P.V Thứ tư, ngày 01/06/2022 08:33 AM (GMT+7)
Giá dầu thế giới hôm nay (1/6) lấy lại đà tăng mạnh khi áp lực thiếu hụt nguồn cung gia tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo cải thiện mạnh. Trong nước, giá xăng hôm nay được dự báo sẽ được điều chỉnh tăng mạnh, đưa giá xăng cao kỷ lục, hơn 31.000 đồng/lít.
Bình luận 0

Giá xăng dầu hôm nay 1/6: Dầu lấy lại đà tăng, xăng trong nước sắp tăng lên mức kỷ lục mới

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 1/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 115,17 USD/thùng, tăng 0,50 USD/thùng trong phiên.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 121,16 USD/thùng, tăng 0,33 USD/thùng trong phiên.

Giá xăng dầu hôm nay 1/6: Giá xăng trong nước sắp tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng thấy - Ảnh 1.

Áp lực thiếu hụt nguồn cung gia tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo cải thiện mạnh đã hỗ trợ giá dầu hôm nay lấy lại đà tăng mạnh.

Giá dầu ngày 1/6 tăng trong bối cảnh EU thông báo về việc sẽ thực hiện cấm vận với 2/3 sản lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga. Sản lượng dầu cấm vận dự kiến vào khoảng 2 triệu thùng/ngày.

Giới phân tích cho rằng, để bù lắp sản lượng thiếu hụt này, EU sẽ phải tìm kiếm nguồn cung mới từ OPEC+, Tây Phi và Mỹ. Tuy nhiên, có một thực tế là sản lượng khai thác của OPEC+ cũng đang rất hạn chế, thấp hơn nhiều so với sản lượng mục tiêu được đặt ra. Còn với dầu đá phiến Mỹ, các dữ liệu gần đây cho thấy, sản lượng trong năm 2022 sẽ chỉ tăng được khoảng 900.000 thùng/ngày và chỉ có thể trở lại mức sản lượng trước khi dịch Covid-19 diễn ra vào năm 2023.

Còn với Nga, với lệnh cấm vận của EU, Nga sẽ buộc phải tìm kiếm các khách hàng mới, chủ yếu là ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ. Tuy nhiên, việc vận chuyển dầu thô từ Nga sang Ấn Độ sẽ rất khó khăn và đẩy chi phí tăng cao.

Ngoài ra, việc bán dầu thô Nga cũng gặp nhiều trở ngại bởi các lệnh cấm vận các mà EU, Mỹ và các nước đồng minh đang áp dụng, đặc biệt trong vấn đề thanh toán, vận chuyển.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng khi các thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh… trở lại trạng thái bình thường.

Các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hoá, hoạt động du lịch, hàng không… được nối lại cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu tăng cao.

Vào cuối phiên giao dịch ngày 31/5, giá dầu thô có xu hướng giảm mạnh khi thị trường ghi nhận thông tin lạm phát của khu vực kinh tế Eurozone tăng cao kỷ lục, lên mức 8,1%, gấp 4 lần mức lạm phát mục tiêu 2%.

Về mặt lý thuyết, các thành viên EU đã thống nhất với nhau để cho đến cuối năm khối sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Tuy vậy các chi tiết của kế hoạch cũng như các miễn giảm cụ thể cho các thành viên sẽ được trao đổi vào hôm nay. 

Như đã phân tích trước đó, sản lượng dầu từ Nga sẽ giảm trên 2 triệu thùng/ngày, tuy nhiên với sự “trợ giúp” từ lượng dầu trong các kho dự trữ chiến lược, thị trường trước mắt sẽ chỉ thiếu hụt khoảng 700,000 thùng/ngày. Tuy vậy, rủi ro giá tiếp tục tăng cao hơn là rất lớn, nếu EU có thể tìm ra con đường để cấm vận cả lượng dầu di chuyển qua các đường ống dẫn, với tổng số lượng hàng ngày qua các cung đường chính có thể lên đến hơn 1,1 triệu thùng/ngày. Kịch bản này có thể giúp cho giá dầu dễ dàng vượt qua vùng 129 USD/thùng hồi tháng 3.

Mặt khác, cũng có khả năng là Nga có thể tìm cách trả đũa hoặc gây sức ép trở lại cho EU, khiến cho nhóm phải cân nhắc lại thời gian áp dụng các gói trừng phạt. Bên cạnh đó, cũng sẽ cần thời gian để các thành viên EU có thể tích trữ dầu hoặc tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Đối với lệnh cấm vận than trước đây EU cũng đã phải dời thời gian áp dụng vài tháng, cho đến khi đã chuẩn bị đầy đủ. Trong trường hợp này, giá dầu có thể quay trở lại vùng 100-114 USD/thùng. Tuy nhiên, xác suất cho kịch bản này là không quá lớn.

Trong nước, các doanh nghiệp đầu mối dự báo giá xăng hôm nay có thể được điều chỉnh tăng, lên hơn 31.000 đồng/lít.

Theo quy định, kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo là vào ngày hôm nay (1/6). Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26/5 với RON 92 là 139,75 USD/thùng, còn RON 95 là 147,93 USD/thùng, tăng so với chu kỳ trước.

Theo các doanh nghiệp, tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent đã tăng tới 6%, chạm mức cao nhất 2 tháng qua và giá dầu thô WTI tăng 1,5%. Do đó, kỳ điều hành này giá xăng và dầu sẽ điều chỉnh tăng. Nếu không sử dụng và trích thêm Quỹ bình ổn, xăng có thể tăng trong khoảng 200-700 đồng/lít, còn dầu tăng khoảng 400 đồng.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước

Ngày 23/5, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành giá từ ngày 24/5.

Theo đó, tại kỳ điều hành ngày 23/5, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định ngừng trích lập và thực hiện chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với các loại xăng để giá xăng trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng thế giới. Bên cạnh đó, liên Bộ quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với các loại dầu nhằm duy trì Quỹ BOG để có công cụ điều hành trong thời gian tới.

Cụ thể, thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít) và xăng RON 95 ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa là 300 đồng/lít và dầu mazut là 400 đồng/kg. Thực hiện chi Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi), các mặt hàng dầu không chi.

Giá xăng dầu hôm nay 1/6: Giá xăng trong nước sắp tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng thấy - Ảnh 3.

Ngày 1/6, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể như sau: Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 29.633 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 30.657 đồng/lít; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 25.553 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 24.405 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.598 đồng/kg.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng "nóng", quỹ bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp khả thi hơn cả để điều tiết giá là giảm thuế, phí. Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng chắc chắn giúp “hạ nhiệt” giá bán mặt hàng này, giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp.

Câu chuyện giá xăng dầu cũng được bàn thảo nhiều tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Theo đó, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022. Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cần đặc biệt chú ý về nguy cơ lạm phát từ bên ngoài, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem