Xăng dầu nhập tăng 10 triệu đồng mỗi tấn, Bộ Công Thương "thúc" Nghi Sơn báo cáo nguồn cung
Xăng dầu nhập tăng 10 triệu đồng mỗi tấn, Bộ Công Thương "thúc" Nghi Sơn báo cáo nguồn cung
An Linh
Thứ năm, ngày 02/06/2022 11:49 AM (GMT+7)
Bộ Công Thương cho biết nguồn cung xăng dầu khó khăn, giá tăng, Bộ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) yêu cầu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và các bên liên quan báo cáo nguồn cung để thuận lợi cho việc điều hành giá xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, nguồn xăng dầu nhập khẩu khó khăn do giá tăng mạnh, gián đoạn do xung đột Nga và Ucraine. Bộ yêu cầu PVN đốc thúc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn báo cáo việc cam kết cung ứng xăng dầu thời gian tới.
Trong báo cáo mới nhất về nguồn cung xăng dầu trong nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương cho biết, nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất (trong tháng 1 và tháng 2 đã giảm công suất xuống mức 85%, 60% và 55%) và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, hiện nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Theo Bộ Công Thương, tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3, dự kiến nhu cầu mỗi quý khoảng 5,2 triệu m3. Trong quý II, dự kiến nguồn cung khoảng 7,2 triệu m3 (gồm sản xuất trong nước là 3,2 triệu m3, nhập khẩu khoảng 2,5 triệu m3, tồn kho quý trước chuyển sang là 1,5 triệu m3). Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 2 triệu m3.
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phải thực hiện cam kết bao tiêu và bù lỗ (nếu có) tại dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đến hết tháng 5 để Nghi Sơn đủ điều kiện hoạt động ổn định đến cuối quý II/2022.
Vì vậy, Bộ Công Thương đang yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc tiếp với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để có cam kết rõ ràng về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước trong quý III và cả năm 2022 (báo cáo Bộ Công Thương trong quý II).
Theo Bộ Công Thương, việc lọc dầu Nghi Sơn báo cáo về cung ứng xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến kịch bản điều hành và chỉ đạo nhập khẩu (bổ sung giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu) thay thế nguồn trong nước bị sụt giảm do sản xuất không ổn định nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Hiện cung ứng xăng dầu trong nước đang ở giai đoạn hết sức nhạy cảm do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, xăng dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước như Nghi Sơn bị thiếu hụt nguồn cung.
Ngày 24/2, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, giải pháp tình thế này cũng rất khó khăn.
Giá xăng dầu nhập tăng thêm trên 10 triệu đồng/tấn so với năm trước
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, trong tháng 4/2022, xăng dầu các loại nhập về chỉ đạt trên 789.000 tấn, giảm trên 39% về lượng. Tính từ ngày 01 đến 15/5, xăng dầu thành phẩm nhập khẩu cũng chỉ đạt hơn 416.000 tấn, giảm gần 40.000 tấn so với cùng kỳ tháng 4. Tính từ 1/1 đến hết 15/5, xăng dầu thành phẩm nhập khẩu đạt 3 triệu tấn, kim ngạch 2,9 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm 2021, xăng dầu nhập khẩu đến ngày 15/5/2022 bị giảm 100.000 tấn. Giá nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam năm trước là 12,2 triệu đồng/tấn, nhưng hiện tại đã tăng lên 22,2 triệu đồng/tấn, như vậy mỗi tấn xăng dầu, giá nhập về đã tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/tấn.
Trong bối cảnh xăng dầu nhập khẩu khó khăn, suy giảm, cung ứng trong nước gặp nhiều bất lợi, giá xăng dầu trong tháng qua liên tục tăng. Tính đến thời điểm kỳ điều chỉnh ngày 1/6, giá xăng dầu tăng lần thứ 5, xăng khoáng RON 95 tăng gần 1.000 đồng/lít, cán mốc trên 31.500 đồng/lít; xăng E5 RON92 tăng hơn 600 đồng/lít, đạt hơn 30.230 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng từ 310-940 đồng/lít/kg.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ này cho biết, sắp tới có thể phải sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG để điều hành bình ổn giá xăng dầu. Phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ khác như thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu như xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… trong cơ cấu giá xăng dầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.