Theo chương trình, 14h chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với các nội dung chính:
Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.
Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Lê Minh Hoan ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Các nội dung chất vấn cũng chính là những vấn đề "nóng" của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thời gian qua.
Đối với công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản, Bộ NNPTNT cho biết đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các bộ ngành tổ chức nhiều đoàn xúc tiến, giao thương, phát triển thị trường nông sản tại các thị trường có tiềm năng, thị trường ngách; ứng phó với tác động của dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu...
Nhờ đó, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%, thặng dư thương mại đạt 5,1 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ.
Trong đó nhóm nông sản chính đạt kim ngạch trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%...
Đã có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất). Trong đó, rau quả đạt 1,5 tỷ USD, gạo 1,4 tỷ USD (2,9 triệu tấn), cá tra 1,2 tỷ USD, tôm 1,9 tỷ USD.
Đáng chú ý, các nước Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Đặc biệt, trước tình hình giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng "nóng", khiến việc sản xuất và đời sống của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn, Bộ NNPTNT đã chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhóm giải pháp chính:
Hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch tổ chức sản xuất, mùa vụ phù hợp với điều kiện thời tiết và theo tín hiệu thị trường, giúp người nông dân có thu nhập ổn định và có lãi.
Chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, đa ngành; phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Tổ chức lại sản xuất, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng để giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh; tăng cường chế biến, nhất là chế biến sâu.
Phát huy công tác khuyến nông cộng đồng hướng đến "giảm chi phí - tăng chất lượng"; hướng dẫn người dân canh tác hiệu quả, giảm vật tư đầu vào, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.
Tăng cường minh bạch hóa thông tin giá cả, thị trường; truyền thông nâng cao nhận thức, khuyến cáo về sản xuất nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, hạn chế tình trạng dư thừa hàng hóa trên thị trường...