Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: Để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, trước hết cần thay đổi tư duy sản xuất

Thu Hà Chủ nhật, ngày 29/05/2022 12:00 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để giải quyết việc xuất khẩu nông sản sang chính ngạch Trung Quốc, điều trước hết cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Đó là chuyển đổi từ tư duy sản xuất tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Bình luận 0

Sáng nay 29/5, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 năm 2022.

Là đại biểu nông dân đặt câu hỏi tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, anh Trần Như Kiên đến từ huyện Yên Châu, Sơn La chia sẻ: "Thời gian qua, người nông dân Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, đã được xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: Thay đổi tư duy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Nông dân Trần Như Kiên- Giám đốc HTX Phương Nam (Yên Châu, Sơn La) đặt câu hỏi tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

Bên cạnh đó, trái cây tươi của tỉnh khi xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chiếu xạ thường phải chuyển vào các tỉnh phía Nam xử lý nên tăng thời gian vận chuyển, dẫn tới thương nhân thu gom thường giảm giá mua tại vườn của người dân.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp gì để hỗ trợ hoạt động thông quan, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc?".

Được biết anh Trần Như Kiên hiện đang là Giám đốc HTX Phương Nam ở huyện Yên Châu. Hiện, HTX Phương Nam đang trồng hơn 100ha cây ăn quả, trong đó có 65ha cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng. Nhãn chín muộn là cây trồng chủ lực của HTX Phương Nam. Nhờ trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP nên những năm gần đây, sản phẩm nhãn chín muộn của HTX không chỉ được bán trong các hệ thống siêu thị trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: Thay đổi tư duy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Anh Trần Như Kiên (ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiên, huyện Yên Châu) chăm sóc vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Tuệ Linh

"Từ 3 năm nay, HTX Phương Nam đã xuất khẩu nhãn tươi sang thị trường các nước như Mỹ, Singapore. Tuy nhiên số lượng nông sản xuất khẩu còn ít"- anh Kiên cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Như Kiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Hai năm vừa rồi, Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid nên việc thông quan nông sản gặp nhiều khó khăn. Mặt khác nữa, một số mặt hàng nông sản của chúng ta, trong đó có trái cây chưa ký được hiệp định hiệp thư với phía Trung Quốc.

Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản của chúng ta chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng nên còn ách tắc.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: Thay đổi tư duy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời câu hỏi của nông dân Trần Như Kiên đến từ Sơn La.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương duy trì chính sách giao thiệp với Trung Quốc để thống nhất với nhau về cách thông quan hàng hoá. Đồng thời, tiếp cận việc ký Nghị định thư về xuất khẩu nông sản. Việc ký Nghị định thư này trách nhiệm thuộc về Bộ NNPTNT, tuy nhiên Bộ Công thương đã hết sức phối hợp cùng với để thực hiện.

Trong thời gian tới để giải quyết việc xuất khẩu nông sản sang chính ngạch Trung Quốc, điều trước hết cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từ tư duy sản xuất tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. Điều này, các địa phương cần có chiến lược rõ ràng, quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và có hướng dẫn rất cụ thể về quy trình canh tác, quy trình sản xuất đảm bảo được chất lượng sản phẩm của chúng ta đạt tiêu chuẩn.

Thứ 2 nữa là, mặc dù chúng ta thống nhất với nhau là không nên quá phụ thuộc vào một thị trường, nhưng phải khẳng định rằng Trung Quốc là thị trường lớn, và thị trường ấy phù hợp với nền sản xuất của chúng ta. Có điều thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây.

Phía Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn về hàng hoá. Đặc biệt, từ đầu năm 2022, Trung Quốc đã tham gia hiệp định RCEP với cùng với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN. 

Đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất nên sản xuất theo tín hiệu thị trường, sản xuất theo xuất khẩu chính ngạch, sản xuất theo tiêu chuẩn và đáp ứng được tiêu chuẩn.

Việc nữa đó là thuận lợi hoá cho việc đưa hàng vào sâu nội địa thị trường Trung Quốc. Việc chiếu xạ như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói "có cầu mới có cung" nhưng trên thực tế 85-90% sản phẩm nông sản của chúng ta, đặc biệt là mặt hàng đang bán theo kiểu trao đổi cư dân, hay nói cách khác là tiểu ngạch.

Trả lời câu hỏi của nông dân Trần Như Kiên, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: "Cách đây mấy ngày, tôi thăm trung tâm chiếu xạ ở Hà Nội để chuẩn bị chiếu xạ chuyển lô hàng nông sản đầu tiên đi Mỹ. Nông sản miền Bắc không cần chuyển vào miền Nam để chiếu xạ. Trung tâm chiếu xạ ở Hà Nội họ nói với tôi là mỗi lần chiếu xạ do có quá ít sản phẩm nên chi phí khá cao.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: Thay đổi tư duy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan trả lời câu hỏi của nông dân Trần Như Kiên về đầu tư nhà máy chiếu xạ nông sản trước khi xuất khẩu.

Chuyển vào miền Nam thì chi phí chiếu xạ rẻ hơn, bởi trong đó họ chiếu xạ hoa quả quanh năm. Để chi phí chiếu xạ thấp, các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Bắc Giang xem lại để chúng ta chiếu xạ một lần với số lượng lớn để giả giảm chi phí. 

Để chiếu xạ phải thuê chuyên gia người Mỹ để giám định, kiểm soát quá trình với chi phí rất đắt vì vậy cần phải chiếu xạ nông sản với số lượng lớn và thường xuyên để giảm chi phí.

Chúng tôi đã cùng với Bộ KHCN kiến nghị quy trình với phía đối tác Mỹ để giảm chi phí. Nhưng tôi phải nhấn mạnh lại, nếu chúng ta với tinh thần đi buôn chuyến, lâu lâu có một hai chuyến sẽ đội chi phí lên rất cao.

Riêng câu hỏi xuất khẩu về thị trường Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Công thương trả lời kỹ hơn.

Bộ NNPTNT chỉ muốn nói rằng xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch là cả một quá trình. Chúng ta phải chuẩn bị xây dựng quá trình đó. Chúng ta không chỉ bán ở tiểu ngạch ở cửa khẩu biên giới mà cần phải bán sâu vài nội địa phía Bắc của Trung Quốc thì mới đảm bảo tính an toàn. Thực tế có rất nhiều địa phương đàm phán với các thương nhân Trung Quốc đưa nông sản vào sâu nội địa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem