Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày cách giúp nông dân giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, phân bón...

Trần Quang Chủ nhật, ngày 29/05/2022 10:36 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, để giảm chi phí đầu vào, nông dân nên lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp, thì đó cũng là cách giảm chi phí...
Bình luận 0
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày cách giúp nông dân giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, phân bón... - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải đáp câu hỏi của ông đại biểu nông dân Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Chương

Đặt câu hỏi gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan tại Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam", đại biểu nông dân Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao, hầu hết các mặt hàng tăng rất cao so với trước dịch Covid-19, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải treo ao, treo chuồng.

Xin hỏi Thủ tướng Chính phủ có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?       

Trực tiếp nhận câu hỏi của nông dân xuất sắc ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải đáp ngay vướng mắc của nông dân.

 Lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay: Qua công tác theo dõi tình hình thị trường, giá cả một số mặt hàng thiết yếu nhận thấy, giá mặt hàng phân bón trong thời gian vừa qua có xu hướng tăng cao, một số nguyên nhân chính gây tăng giá như: Giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều tăng cao như lưu huỳnh tăng 133% (từ 95 USD/tấn lên 221 USD/tấn); amoniac tăng 105% (từ 326 USD/tấn lên 676 USD/tấn); axít sulfuric tăng 132%. 

Trong khi đó, mặt hàng phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT nên các nguyên, vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế cũng làm tăng giá thành sản phẩm; (Nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới có xu hướng giảm (do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020) nên chưa kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi của các nền kinh tế sau đại dịch Covid-19;  Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới tăng cao do đứt gẫy chuỗi cung ứng. 

Tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine cũng gây nguy cơ gián đoạn nguồn cung do Nga hiện là một trong những nước xuất khẩu các sản phẩm nitơ và phân bón (Ure, NKP) lớn nhất thế giới, sản lượng phân bón của Nga chiếm tới 13% tổng nguồn cung toàn cầu. Do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới, từ cuối năm 2020 đến nay, giá phân bón trong nước đã có những biến động tăng, giảm đan xen, nhưng xu hướng chủ yếu là tăng giá (giá phân bón đã tăng khoảng 50-70% tùy loại và địa phương).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày cách giúp nông dân giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, phân bón... - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chăm sóc đàn lợn tại đơn vị. Ảnh: Trần Quang

Theo tư lệnh ngành Công thương, vấn đề giá cả các mặt hàng tăng cao trong thời gian qua thì Chính phủ, các bộ ngành cũng đã nỗ lực kiểm soát tăng giá, đặc biệt là những mặt hàng có tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấu thành giá thành sản phẩm. 

Theo đó, Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu chính sách bảo đảm về thuế, phí và trong trường hợp giá cả tiếp tục leo thang sẽ có đề xuất trợ giá để hỗ trợ nông dân.

"Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh: Vấn đề trượt giá là vấn đề mang tính chất toàn cầu, không riêng quốc gia nào. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào, cụ thể:

Thứ nhất, sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán – người mua. Theo tính toán thì vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm, nên nếu tính toán tỉ mỉ thì hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu. Đây cũng chính là cách các doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân, chia sẻ với Chính phủ.

Thứ hai, tiếp tục kiểm tra kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng. Thứ ba, điều chỉnh thuế đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế… để các mặt hàng, vật tư thiết yếu như phân bón có thể giảm xuống, bớt khó khăn cho nông dân", ông Diên khẳng định.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày cách giúp nông dân giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, phân bón... - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, về tiết kiệm chi phí đầu vào, tôi nghĩ có nhiều cách. Tôi có đi thị sát các mô hình ở nhiều địa phương, thì nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Chương

Trả lời thêm câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thanh, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, về tiết kiệm chi phí đầu vào, tôi nghĩ có nhiều cách. Tôi có đi thị sát các mô hình ở nhiều địa phương, thì nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp, thì đó cũng là cách giảm chi phí.

"Theo tôi, giá thành sản phẩm được quyết định bởi 2 yếu tố cầu thành là lượng và giá. Vì vậy, mô hình nông nghiệp mới tại đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long đã chứng minh chúng ta có thể tiết giảm lượng trong quy trình sản xuất để tiết kiệm vật tư đầu vào. Ngân hàng Thế giới đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư đầu vào", ông Hoan nói và khuyến cáo đến bà con nông dân: Trong sản xuất làm sao để chi phí đầu vào thấp hơn để được đầu ra cao hơn. Doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu các mô hình mới để đạt mục tiêu bắt buộc là tiết giảm chi phí. Giải pháp thứ hai là vào hợp tác xã để mua chung vật tư, mua sỉ thì giá sẽ rẻ hơn.

Hoặc chúng ta có thể vào HTX mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất.

Tiếp đó, chúng ta cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Giảm chi phí là mệnh lệnh và làm được nếu chúng ta quyết tâm. Quan trọng nhất là giải pháp phù hợp.

Cùng với đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta cần nỗ lực để dần tự chủ một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản. Nếu quyết tâm và cùng nhau nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, tôi tin rằng chúng ta sẽ kiểm soát tốt vấn đề này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem