Dân Việt

Trồng hoa cúc họa mi giúp thiên hạ "sống ảo" cuối tuần, dân làng Nam Định kiếm bộn tiền

Hồng Minh 11/06/2022 13:42 GMT+7
Vào những ngày nghỉ lễ hay dịp cuối tuần, nhiều người yêu thiên nhiên có xu hướng tìm đến những nơi có phong cảnh đẹp để thư giãn và lưu lại các bức ảnh kỷ niệm. Nắm bắt thị hiếu đó, nhiều người dân trong tỉnh Nam Định đã xây dựng mô hình trồng hoa làm dịch vụ...

Mô hình trồng hoa làm dịch vụ ở Nam Định đã thu hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh, vừa phát triển nông nghiệp, vừa có thêm thu nhập.

Những ngày này, ruộng hoa hướng dương, hoa cánh bướm diện tích hơn 2ha của anh Trần Văn Đạt ở thôn Vân Đồn, xã Nghĩa An (huyện Nam Trực, Nam Định) nở rộ rực rỡ sắc màu thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày đến tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm không gian đồng quê trong lành. 

Những bông hoa hướng dương bắt đầu nở từ dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5, nay khá to, vàng rực rỡ. Đây là giống hoa hướng dương được anh Đạt nhập từ Thái Lan kết hợp với kỹ thuật trồng nên cây vươn cao, to khỏe, hoa bền màu. 

Trồng hoa cúc họa mi giúp thiên hạ "sống ảo" cuối tuần, dân làng Nam Định kiếm bộn tiền - Ảnh 1.

Vườn hoa cánh bướm của anh Trần Văn Đạt ở thôn Vân Đồn, xã Nghĩa An (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thu hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh.

Những luống hoa được trồng theo khoảng cách và bố trí những chiếc ghế đứng, ghế ngồi để khách có thể chụp được toàn cảnh cánh đồng hoa hoặc lưu lại khuôn hình cá nhân. 

Anh Đạt cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 khách đến tham quan, ngày cao điểm có thể lên đến 2.000-3.000 người. Tuy đông nhưng mọi người đều có ý thức cao trong việc xếp hàng để đến lượt check-in và không có hiện tượng bẻ hoa, ngắt cành. 

Nói về “cơ duyên” để anh đến với nghề trồng hoa dịch vụ, anh Đạt tâm sự: Thời gian đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc, được ngắm cảnh đẹp thơ mộng nên anh ấp ủ khi hết thời hạn làm việc sẽ trở về quê để trồng hoa. Trở về quê hương năm 2019, anh tìm mua giống cúc họa mi về trồng thử nghiệm trên diện tích 1 sào ruộng của gia đình. 

Trong một lần chia sẻ hình ảnh vườn hoa lên mạng xã hội, nhận được sự quan tâm của nhiều người, anh đã nảy ra ý định trồng hoa quy mô hơn để người dân, du khách tham quan. Anh đã dồn đổi đất ruộng với các hộ liền kề, đầu tư trồng 7 sào cúc họa mi. 

Khi cúc họa mi nở rộ, vườn hoa của anh nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội facebook, zalo…, mỗi ngày có khoảng 200 du khách ghé thăm ngắm hoa, chụp ảnh. Với giá vé vào vườn hoa 20 nghìn đồng/người, mang lại doanh thu cho chủ vườn khoảng 3-4 triệu đồng/ngày. 

Bên cạnh trồng hoa, anh đầu tư thêm cơ sở vật chất như: cổng chào, phòng thay đồ, các tiểu cảnh nghệ thuật, bàn ghế, trang phục, phụ kiện... để phục vụ tốt hơn việc ngắm hoa, chụp ảnh. Tuy nhiên, năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên cánh đồng hoa của anh dù lên rực rỡ nhưng không thể đón khách. 

Năm nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, anh quyết định mở rộng diện tích lên gấp 3 lần và đã thành công. Mùa nào hoa ấy, anh Đạt dự định biến vườn hoa của mình thành địa chỉ luôn hấp dẫn khách du lịch thích không gian đồng quê và có một bộ ảnh đẹp với hoa.

Nhận thấy mô hình trồng hoa cho khách tham quan được nhiều địa phương thực hiện và rất thành công, chị Bùi Thị Mơ ở xã Mỹ Phúc (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) quyết định thử sức. Chị thuê 5,6ha tại làng Mai, xã Mỹ Thắng để trồng các loại hoa theo mùa và đặt tên cho địa điểm tham quan, chụp ảnh của mình là Thành Nam Farm. 

Song song với việc chăm sóc cây, chị tiến hành cải tạo cảnh quan tạo nên những điểm nhấn giúp du khách có vị trí đẹp để thỏa sức ngắm hoa, chụp ảnh. Không quá cầu kỳ, chỉ là một lối đi với hàng cây dừa thẳng tắp, những đống rơm, rãnh nước, nhà rơm… và dịch vụ cho thuê áo dài, áo tứ thân, áo bà ba, chụp ảnh flycam… cho khách tham quan, chụp ảnh. 

Với diện tích khá rộng nên vườn hoa của chị trải dài rực rỡ với các loại hoa theo mùa như: cánh bướm, tam giác mạch, cúc họa mi, hướng dương, cải vàng và một số giống hoa ngoại nhập xen kẽ những vườn thực phẩm sạch, cây dược liệu… 

Thời điểm rộ hoa của vườn là mùa đông, vào dịp giáp Tết nên thu hút rất nhiều người đến tham quan, mỗi lượt khách chị Mơ thu 30 nghìn đồng. Những ngày cao điểm, cánh đồng hoa của gia đình có tới hàng trăm lượt khách đến chụp ảnh. Riêng với loại hoa cải, được nhiều khách yêu thích, chị Mơ kết hợp vừa lấy rau bán, vừa để cho cây cải già ra hoa để làm du lịch. 

Để cải ra hoa rực rỡ, chị tìm hiểu kiến thức, hiểu được cách chăm sóc, chu kỳ phát triển của cây rau. Chị Mơ cho biết: Không đơn thuần chỉ là việc chăm sóc cây, mỗi năm tôi còn phải tính toán, tìm tòi, lên ý tưởng và đầu tư làm mới khu vườn, tạo nên nhiều vị trí đẹp vừa giúp thợ ảnh có những góc chụp đẹp, độc, lạ vừa tạo nên nhiều cảm hứng cho khách hàng tạo dáng. 

Thời gian khai thác dịch vụ trong năm chỉ diễn ra vài tháng ngắn ngủi nhưng công việc trồng, chăm sóc thường xuyên, liên tục. Để có được những bông hoa tươi tắn nở đúng thời điểm, bền lâu, ngoài kinh nghiệm có được từ quá trình chăm sóc tích trữ mỗi năm, tôi thường xuyên đi đến các mô hình trồng hoa làm dịch vụ ở nhiều tỉnh phía Bắc để học hỏi. 

Từ bàn tay thuần thục của người nông dân kết hợp với niềm yêu hoa, sự say mê sáng tạo giàu ý tưởng kinh doanh, mô hình dịch vụ hoa của chị Mơ đã trở thành điểm đến của nhiều người có sở thích check-in, chụp ảnh, giúp họ không chỉ có cảm giác được lạc vào rừng hoa, hòa mình với thiên nhiên cây cỏ mà còn lưu lại nhiều tấm hình đẹp, đầy màu sắc.

Nhanh nhẹn, nhạy bén trong nắm bắt như cầu, sở thích của người dân, cộng với ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chuyển đổi, bước đầu mô hình trồng hoa du lịch của nhiều hộ gia đình trong tỉnh đã thành công, góp phần giải quyết việc làm, nâng mức thu nhập cũng như hình thành địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách.