Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) là vùng đất duy nhất ở phía Nam chứa đựng đầy đủ 3 loại hình của sơn mài truyền thống: Sơn mài trang trí, sơn mài ứng dụng và tranh sơn mài nghệ thuật. Tất cả nằm trong một không gian thống nhất nhưng lại rất riêng biệt về ngôn ngữ tạo hình và nghệ thuật.
Trong trí nhớ của nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài, Điêu khắc Bình Dương, ngày trước, ở làng nghề Tương Bình Hiệp, nhà nhà làm sơn mài, người người làm sơn mài. Mọi người hăng say sản xuất, uy tín làng nghề vang xa, nhiều gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả.
Thế mà hơn 10 năm trở lại đây, nghề sơn mài đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Với số dân ở Tương Bình Hiệp khoảng hơn 13.600 người, làng nghề chỉ còn 36 hộ và cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh sơn mài. Trong đó có 9 doanh nghiệp và 27 hộ, cơ sở nhỏ lẻ.
"TP.Thủ Dầu Một cần có sự đầu tư kỹ, nhất là việc phác thảo quy hoạch phải phù hợp thực tế; công trình cần có tính tổng thể, hài hòa. Đồng thời TP.Thủ Dầu Một phải quyết tâm rút ngắn giai đoạn thực hiện hoàn thiện công trình".
Ông Nguyễn Hoàng Thao -
Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương
Người làm nghề sơn mài ngày càng ít. Đầu ra sản phẩm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp dù được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhưng lại đang có nguy cơ bị mai một.
Theo ông Linh, việc bảo tồn phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là cần thiết nhưng phải có hướng đi và chính sách cụ thể. "Du lịch là hình thức kết nối quan trọng để lôi kéo khách đến với làng nghề" - ông Linh nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan (Bảo tàng tỉnh Bình Dương) cũng cho rằng, Bình Dương cần đẩy nhanh việc phát triển làng nghề gắn với du lịch. Chương trình quy hoạch phát triển du lịch làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp nằm trong quy hoạch phát triển ngành du lịch chung của tỉnh. Trên cơ sở đó, Hội sơn mài điêu khắc, các cơ sở sản xuất mới có định hướng vận dụng, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm...
Từ nhiều năm nay, Bình Dương đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề. Làng nghề Tương Bình Hiệp là 1 trong 9 khu, điểm có lợi thế tài nguyên tự nhiên và nhân văn, đang được khai thác du lịch. Thế nhưng, hoạt động du lịch ở Tương Bình Hiệp còn rất đơn điệu.
Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn của nghệ nhân Lê Bá Linh là một trong số ít nhưng cơ sở có tổ chức hoạt động tham quan nghề sơn mài. Theo ông Linh, chưa có nhiều cơ sở tham gia cung cấp dịch vụ du lịch song song hoạt động sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Nữ - chủ một cơ sở sơn mài ở Tương Bình Hiệp kể, nhiều khi cũng muốn dẫn khách về nhưng do không thuận đường đi. Hoặc du khách có nhu cầu đến thăm làng nghề thì các tour mới thiết kế đưa khách xuống...
Bà Nữ cho rằng, các doanh nghiệp làm du lịch cần hỗ trợ đưa khách tới địa phương. "Và chính quyền địa phương cũng hỗ trợ vốn để người dân đầu tư làm du lịch" - bà Nữ chia sẻ.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Lan, các cơ sở sản xuất sơn mài muốn tham dự vào hoạt động du lịch làng nghề cần thay đổi về tổ chức sản xuất. Bởi vì khách hàng tham quan không phải mua vé, thu nhập cơ sở có được chỉ là việc bán các sản phẩm lưu niệm. Việc chủ động sản xuất, phân phối, nếu một cơ sở chỉ gia công một công đoạn thì khó có thể tham gia hoạt động du lịch. Việc tiếp theo là Bình Dương phải xây dựng Cổng làng nghề và Bảo tàng nghề sơn mài.
"Đây không chỉ là công trình riêng cho cộng đồng cư dân Tương Bình Hiệp mà còn là điểm nhấn cho du lịch Bình Dương" – thạc sĩ Lan nói.
Từ năm 2020, đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt. TP.Thủ Dầu Một đang triển khai xây dựng Ðề án với tổng kinh phí 219 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 5,4ha tại phường Tương Bình Hiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, với tính cấp bách của việc bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, đề án cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai.