Tài hoa của người thợ vẽ ngược dòng tranh kiếng hồn quê Nam bộ nơi vùng đất phương Nam

Chúc Ly – Mai Anh Thứ bảy, ngày 25/06/2022 14:54 PM (GMT+7)
Làng nghề làm tranh kiếng Bà Vệ ở An Giang tồn tại hàng trăm năm đang bước vào giai đoạn thoái trào và có nguy cơ thất truyền. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn còn đó những người thợ tài hoa lưu giữ hồn quê qua từng bức tranh.
Bình luận 0

Làng tranh kiếng vang bóng một thời

Tranh kiếng Nam Bộ là loại hình nghệ thuật nổi tiếng có từ lâu đời, xuất hiện trong cung đình Huế từ thời nhà Nguyễn. Ở miền Tây, tranh kiếng bắt nguồn từ chợ Bà Vệ nằm trên cù lao Ông Chưởng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Cho đến nay, nghề làm tranh kiếng đã tồn tại hơn một thế kỷ.

Đối với người dân Nam Bộ, tranh kiếng không chỉ được dùng để trang trí nhà cửa mà còn làm tranh thờ phụng trên bàn thờ gia tiên. Thường bà con hay có thói quen thay những bức tranh kiếng cũ bằng tranh mới trên bàn thờ mỗi dịp Tết đến, với mong muốn cầu bình an, mạnh khỏe cho gia đình.

Khi cuộc sống ngày càng phát triển, thói quen đổi tranh kiếng cũng dần được thay thế. Đối với những gia đình còn lưu giữ nề xưa nếp cũ, những bức tranh kiếng với tuổi đời vài chục năm vẫn còn được giữ gìn cẩn thận. 

Clip: Độc đáo dòng tranh kiếng Nam bộ. 

Đây không chỉ là nét văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ xưa, mà còn xem như kỷ vật gắn bó một thời với ông bà ở giai đoạn kham khổ.

Tranh kiếng – hồn quê được lưu giữ qua tài hoa của người thợ vẽ ngược - Ảnh 3.

Tranh kiếng Nam Bộ là một phần Tranh kiếng – hồn quê được lưu giữ qua tài hoa của người thợ vẽ ngược. Ảnh: Mai Anh.

Theo những người lớn tuổi ở địa phương, Bà Vệ vốn là nơi gắn liền với xuất xứ của loại tranh kiếng đã có thời phổ biến bậc nhất ở miền Tây. Ngày trước chỉ có những gia đình khá giả mới có tiền mua tranh kiếng. Từ đó, đội quân bán tranh kiếng trên bộ, dưới sông rất tấp nập, nhất là vào các dịp Tết Nguyên đán.

Ngày nay, tranh kiếng được vẽ thủ công có phần hiếm do còn ít thợ theo nghề. Số khác tranh kiếng được in bằng công nghệ kỹ thuật số với mẫu mã đa dạng. Hơn nữa giá thành lại phải chăng nên được phần nhiều bà con ưa chuộng.

Chập chững theo nghề từ khi chưa lên 10, đến năm 15 tuổi ông Nguyễn Thế Vinh (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã có thể nuôi sống gia đình bằng nghề vẽ tranh kiếng. Nơi ông ở, bà con vẫn quen gọi với cái tên xóm tranh Bà Vệ. 

Dù không được đào tạo qua trường lớp, nhưng bằng kinh nghiệm cha ông truyền lại, cộng với sự khéo léo sẵn có, ông đã tạo nên những bức tranh đẹp mắt.

Cha truyền con nối, ông Vinh vẫn tiếp tục giữ nghề trước sự thay đổi của thị trường tranh kiếng. Giờ đây, dù đã 55 tuổi nhưng hàng ngày, ông vẫn miệt mài với từng đường cọ, nét vẽ. Với ông, đó không chỉ là niềm đam mê mà còn là cách để ông giữ vẹn hồn nghề trên khuôn kiếng.

Tranh kiếng – hồn quê được lưu giữ qua tài hoa của người thợ vẽ ngược - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thế Vinh miệt mài vẽ tranh kiếng. Ảnh: Mai Anh.

Cầm cây bút vừa thấm mực chưa khô, ông Vinh kể: "Gia đình tôi theo nghề làm tranh kiếng này từ hồi năm 1957. Lúc đó, cha tôi từ Cần Thơ về đây sinh sống rồi mang nghề vẽ tranh kiếng này chỉ lại cho mọi người ở xứ này. Từ 1-2 người biết nghề, dần dà nhiều người theo nghiệp của ông luôn. Giờ cha tôi mất đến tôi cũng là thế hệ thứ 2 bám trụ nghề này".

Giữ gìn hồn quê Nam bộ qua những bức tranh kiếng

Theo ông Vinh, khác với những loại tranh vẽ khác, tranh kiếng phải vẽ từ phía sau mặt kiếng. Khi vẽ xong phía không có nét vẽ mới là mặt chính của tranh. Chính điều này làm nên nét độc đáo của tranh kiếng. Những bức tranh hoàn thành phải qua nhiều khâu tỉ mỉ và công phu. 

Điều này đòi hỏi óc thẩm mĩ, sự khéo léo của nghệ nhân và chỉ cần sai dù là một chi tiết nhỏ cũng xem như bỏ cả bức tranh. Cũng vì vậy, những người trẻ tuổi ít ai theo nghề.

Tranh kiếng – hồn quê được lưu giữ qua tài hoa của người thợ vẽ ngược - Ảnh 5.

Những bức tranh kiếng tuy mộc mạc nhưng là cả một nét văn hóa độc đáo. Ảnh: Mai Anh.

"Tranh kiếng làm thủ công bằng tay có độ bền, đẹp rất riêng, mang trong mình nét hoài cổ. Dù nét vẽ không thể sắc sảo, chính xác từng ly từng tí như kỹ thuật in vi tính bây giờ, nhưng mỗi 1 tác phẩm làm ra được xem là độc nhất, dù là cùng một thợ vẽ ra cũng khó tìm được cái hồn như vậy", ông Vĩnh bộc bạch.

Thông thường, tranh kiếng được khách hàng ưa chuộng thường là tranh phong cảnh, tranh sự tích, đặc biệt là tranh thờ,… với nét bút tài hoa của nghệ nhân, những bức tranh kiếng càng thêm sống động và gần gũi với đời sống người dân Nam Bộ.

Ông Vinh cho biết: "Khách hàng vẫn thích tranh vẽ tay nhiều hơn. Bộ tranh vẽ trên kiếng mà vẽ tay thì nhìn sắc sảo và bộ tranh bóng hơn".

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ xưởng tranh Thanh Hòa, vẫn còn người say mê thưởng thức tranh thì những người thợ làm tranh tại xứ Bà Vệ vẫn miệt mài sáng tạo. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, hiện nay nghề làm tranh kiếng Bà Vệ đang dần bị mai một, người theo nghề không còn nhiều.

Tranh kiếng – hồn quê được lưu giữ qua tài hoa của người thợ vẽ ngược - Ảnh 6.

Những người thợ gắn với nghề vẽ tranh kiếng luôn mong muốn được giữ nghề, như giữ hồn cốt xứ sở. Ảnh: Mai Anh.

"Từ khoảng năm 2000, thợ vẽ trong vùng bắt đầu bỏ nghề đi tìm công việc mới. Trước đây, người dân không ngần ngại chi tiền mua một bức tranh kiếng ưng ý để treo trong nhà. Còn bây giờ, thị hiếu của họ là thể loại tranh đá, tranh thêu, tranh sơn dầu. Xu hướng thay đổi khiến những bức tranh kiếng dần bị quên lãng", ông Hòa cho hay.

Với ông Hòa, tranh kiếng không chỉ là kế sinh nhai mà còn là nghề truyền thống của gia đình, là di sản cần được bảo tồn. Ông và gia đình quyết tâm bám nghề và không ngừng sáng tạo để duy trì loại hình nghệ thuật dân gian này.

Để giữ nghề, bên cạnh những sản phẩm tranh kiếng được vẽ thủ công, xưởng trang Thanh Hòa cũng cập nhật những kỹ thuật mới để làm phong phú và đa dạng thêm các sản phẩm tranh kiếng. Đáng chú ý nhất là những họa tiết hoa văn được sự hỗ trợ của máy móc, phần nào có được nét hiện đại bắt kịp thị hiếu; giá thành cũng phải chăng nên giữ chân được khách hàng.

Chỉ tay về những chiếc máy in kỹ thuật số đang làm việc liên tục để tạo ra những bức tranh kiếng, ông Hòa tâm sự: "Khi áp dụng máy móc vào mình vẫn giữ được những nét riêng của tranh kiếng. Đi đôi với số lượng, những người thợ làm tranh kiếng cũng làm mới sản phẩm đáp ứng theo thị hiếu khách hàng. Không chỉ kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại vào trong tranh mà nội dung tranh phải phong phú và đa dạng".

Dù đã có nhiều đổi thay, nhưng hồn nghề trên khuôn kiếng vẫn vẹn nguyên. Đó cũng là cách giúp làng nghề tranh kiếng ở đây phát triển. Và cứ thế, hàng ngày những người thợ vẫn miệt mài để tạo nên những bức tranh lưu giữ hồn quê, hồn dân tộc, dẫu còn đó lắm thăng trầm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem