Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang là những địa phương có nghề khai thác thủy sản phát triển mạnh. Đánh bắt, khai thác thủy sản được xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, do giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến hoạt động đánh bắt của ngư dân vốn đã khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lại chồng chất khó khăn.
Ghi nhận của phóng viên tại cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải, nơi có hoạt động khai thác thủy sản sôi động nhất tỉnh Bạc Liêu, nhiều ngư dân cho biết họ đang lâm vào cảnh thua lỗ khi giá nhiên liệu liên tục tăng cao thời gian qua.
Toàn huyện có số lượng tàu cá khoảng 600 chiếc. Nhưng theo Phòng NNPTNT huyện Đông Hải, qua khảo sát có gần 50% phương tiện khai thác trên địa bàn tạm nghỉ chờ xăng dầu hạ nhiệt.
Một số ngư dân cố gắng duy trì ra khơi, họ chấp nhận rủi ro thua lỗ vì nếu không đi biển thì cũng không có cách nào khác để duy trì cuộc sống.
Ngư dân Liên Văn Lợi (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải), cho hay: "Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động khai thác thủy sản. Trong khi đó, nguồn lợi thủy sản thì ngày một cạn kiệt".
Cùng quan điểm, ngư dân Đặng Quốc Thùy (thị trấn Gành Hào) cho biết: "Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ghe tàu. Giả sử lúc trước chi phí khoảng 100 triệu đồng thì bây giờ phải đến 200 triệu đồng, lên gần gấp đôi. Việc khai thác cũng không hề dễ dàng, cá tôm ít hơn trước đây. Hy vọng ngành chức năng sớm có phương án hỗ trợ để ngư dân yên tâm bám biển".
Trong khi đó, anh Lê Văn Lâm (ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: "Bình thường mỗi ngày đánh bắt ghe anh cần khoảng 120 lít dầu để hoạt động. Ở thời điểm giá dầu tăng lên khoảng 21.000 đồng/lít, tuy không nhiều nhưng tôi vẫn còn lời. Nhưng đến khi giá dầu tăng cao hơn 25.000 đồng/lít, thì ngư dân cầm chắc thua lỗ. Nhiều tàu cá vẫn cố gắng ra khơi dù biết khả năng thua lỗ rất cao, vì không đi biển thì còn biết làm gì".
Cố gắng duy trì khai thác thủy sản
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Hoàng Vũ – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, thông tin: Hiện đơn vị đang cho cán bộ khảo sát số liệu cụ thể tại các cửa biển lớn trong tỉnh đối với tình hình tàu cá ảnh hưởng khi giá nhiên liệu tăng cao.
"Qua nắm thông tin ở các đơn vị trực thuộc thì tàu cá Cà Mau có nằm bờ do ảnh hưởng giá xăng dầu tăng, nhưng số lượng ít. Bởi khi tàu nằm bờ thì ngư phủ sẽ đi chỗ khác, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của các chủ tàu cá sau này. Hiện để tìm ngư phủ đi theo các tàu thì rất khó, nên nhiều chủ tàu cố gắng khai thác dù khả năng thua lỗ cao", ông Vũ cho hay.
Hiện, tỉnh Cà Mau có khoảng 4.500 chiếc tàu khai thác thủy sản. Theo đánh giá của ngành chức năng, đa số các tàu cá có khả năng nằm bờ là các tàu cá nhỏ.
"Đối với các tàu nhỏ việc khai thác thủy sản trong thời gian ngắn, sản lượng không cao, nên khi giá nhiên liệu tăng cao thì sẽ có tác động lớn hơn. Hiện Cà Mau đã có chính sách hỗ trợ chi phí cước thuê bao của thiết bị giám sát hành trình, đây cũng là hình thức để hỗ trợ cho ngư dân", ông Vũ cho biết thêm.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở NNPTNN tỉnh Kiên Giang, từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, số lượng tàu cá nằm bờ có xu hướng tăng từ 1.000 đến gần 2.000 chiếc, chiếm gần 20% tổng số tàu cá của tỉnh.
Theo nhận định của ngành chức năng, tàu cá nằm bờ thời gian gần đây phần lớn là tàu khai thác thủy sản hoạt động ở vùng khơi làm nghề lưới kéo, vì đây là nghề khai thác thủy sản có mức tiêu hao nhiên liệu lớn trong thời gian khai thác thủy sản so với các nghề khác.
Trước mắt, Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét có phương án khoanh nợ, giãn nợ vay cho các tàu cá; khẩn trương phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân.