Khi đời sống người dân ngày càng phát triển, nhu cầu thưởng thức cái đẹp, thú vui từ cây cảnh ngày càng cao. Về huyện Thới Bình, nhu cầu ấy đang được hiện thực hoá bằng phong trào sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Vì vậy, nghề trồng hoa, cây cảnh cũng đang phát triển mạnh tại địa phương này.
Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau)-Phùng Hải Âu phấn khởi: “Khi mới thành lập, hội chỉ có vài chục hội viên, nay đã có 218 người tham gia 5 CLB gồm: 3 CLB hoa kiểng, 1 CLB chim kiểng và 1 CLB cá kiểng. Trong đó, nổi bật nhất là các CLB hoa kiểng, có nhiều hội viên phát triển kinh tế từ những vườn cây có giá trị cao”.
Buổi chiều, con cháu quây quần, cùng ông Út Sử chăm sóc vườn trồng cây cảnh của gia đình tại ấp 3, xã Trí Phải, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau).
Điển hình như ông Út Sử (Nguyễn Thanh Sử, Ấp 3, xã Trí Phải, huyện Thới Bình). Ở tuổi ngũ tuần, gia đình đủ đầy, sung túc, vậy mà ông đã đem lòng “yêu” cây kiểng hơn 20 năm nay. Công việc đồng áng quanh năm, với 5 công đất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm. Nhờ giỏi giang, tháo vát nên mỗi năm ông Út dư dả hơn trăm triệu.
Cuộc sống không phải bon chen, ông có nhiều thời gian dành cho gia đình và vườn kiểng. Ông tự tay ươm, chiết cây để trồng, tự mày mò học tạo dáng cho cây cảnh. Tính sơ qua trước sân và bên hông nhà có trên 150 cây cảnh với hơn 20 loại khác nhau như cây si, sung, mai chiếu thuỷ, mai vàng, khế, lộc vừng, hoa giấy, hoa mua…
Qua nhiều khoá học, ông Út cho rằng, tạo hình, thế cây kiểng là mục tiêu của nghệ thuật uốn kiểng. Có 2 cách tạo hình: Mô phỏng (như mô phỏng con nai, con lân, con nghê, con công...) và tạo hình thể tượng trưng (như sơn thuỷ, tam đa, ngũ phúc, bạc phong, thác đổ, long thăng, phu thê, phụ tử, bằng hữu...). Cách tạo hình thể thứ hai mới khó, vì cần óc thẩm mỹ và trí tưởng tượng tao nhã của người chơi kiểng. Và đây cũng chính là cách tạo hình thể của kiểng bonsai.
Ông Út chỉ ra chậu bonsai mai chiếu thuỷ, cười: “Có những cây tuổi đời còn lớn hơn mấy đứa con của tui nữa, mất cả vài năm uốn tỉa mới ra dáng, đúng thế cây. Thường có 4 dáng cây cơ bản gồm dáng trực, dáng nghiêng, dáng hoành và dáng huyền với 35 thế khác nhau. 3 năm trước đây, tham gia vào hội cây cảnh của huyện, được đi tham quan, học hỏi ở các vườn tỉnh bạn như Bến Tre, Cần Thơ mới thấy, đam mê cây cảnh không chỉ là nét đẹp có giá trị văn hoá mà còn mang đến giá trị kinh tế rất cao. Tháng rồi, tôi bán được chậu mai chiếu thuỷ giá 8 triệu đồng, còn cây mai vàng 26 năm tuổi được 28 triệu đồng”.
Còn đối với anh Nguyễn Chí Hiếu (ấp Tấn Công, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), cây cảnh là niềm đam mê sau thời gian bận rộn với công việc kinh doanh. Thuộc diện khá giả, anh Hiếu thích sưu tầm những cây phôi lâu năm để tạo dáng. Anh Hiếu là hội viên của CLB hoa kiểng Cảnh Tân. Được tham gia các lớp học kỹ thuật uốn kiểng bonsai, kiểng cổ và thiết kế hoa viên, anh tự uốn các dáng cây cơ bản trong vườn, những dáng khó thì thuê nghệ nhân về làm.
Những cây mai vàng trên 50 năm tuổi trị giá hơn 100 triệu đồng trong vườn của Nguyễn Hoài Vẹn.
Anh Hiếu còn tạo hẳn tiểu cảnh như một khuôn viên nhỏ trong vườn nhà. Hiện nay, anh đang sở hữu hơn 100 gốc cây cảnh, chủ yếu là mai vàng, bông trang.
Đa phần những cây cảnh này có tuổi thọ từ 20-40 năm, vì vậy mà giá trị cũng từ 30-60 triệu đồng/cây. Đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị vườn cây của anh Hiếu hơn 1 tỷ đồng. Có lẽ niềm đam mê thưởng thức cây cảnh lớn hơn kinh doanh nên hơn 15 năm nay, anh Hiếu chỉ chăm sưu tầm chứ chưa bán cây nào trong vườn.
“Đa số các giống lá cảnh tôi trồng đều là các loại sống lâu năm, dễ chăm sóc và chịu hạn tốt. Lúc đầu, tôi chỉ chơi vài cây cảnh cho thư giãn và có dịp kết giao với bạn bè; Không ngờ cây kiểng lại có sức hút kỳ lạ, càng chơi càng say mê. Ngoài thư giãn tinh thần, nó còn giúp mình gần gũi với thiên nhiên và yêu cuộc sống nhiều hơn”, anh Hiếu chia sẻ.
Là hội viên và nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh trẻ tuổi nhất, em Nguyễn Hoài Vẹn (23 tuổi, ở ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch) đã có niềm đam mê cây kiểng từ khi mới 17 tuổi. Không theo con đường học vấn, vào đời với hai bàn tay trắng, từ số vốn ít ỏi khi đi làm thêm, Vẹn theo học nghề từ các bác, các ông là nghệ nhân trong nghệ thuật uốn kiểng bonsai.
Có được kinh nghiệm, Vẹn bắt đầu khởi nghiệp bằng việc đi “săn” cây phôi từ các tỉnh về bán lại cho những ai có nhu cầu và đam mê cây cảnh để kiếm lời. Có vốn, Vẹn đầu tư vườn cây bonsai, kiểng cổ, chủ yếu là mai vàng, mai chiếu thuỷ. Đến nay, vườn cây của Vẹn có hơn 500 gốc với giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Ông chủ trẻ tuổi này còn tận dụng mạng xã hội để kinh doanh cây cảnh rất hiệu quả và tiện lợi. 1 tháng thì hết 20 ngày, Vẹn cùng chiếc xe tải đi khắp các tỉnh tìm mua cây phôi vận chuyển về vườn.
Cây mai vàng hơn 60 năm tuổi hiếm hoi được anh Hiếu sưu tầm vào vườn cảnh nhà mình.
Vẹn kể: “Đi mua cây phôi phải có kinh nghiệm, nhất là trong việc cắt cành để cây ra đúng dáng theo yêu cầu, nếu cắt nhầm cây đó sẽ mất giá trị. Những người tìm đến mua thường sẽ có mắt nhìn cây như thế nào là đẹp, nên việc bán cũng dễ dàng hơn. Tuỳ loại cây, dáng, độ tuổi, giá thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất hơn 100 triệu đồng. Ngoài kinh doanh, anh em còn tham gia trưng bày trong các buổi triển lãm chợ hoa để giao lưu với những nghệ nhân và những người có cùng đam mê, đồng thời mở rộng thị trường cây cảnh”.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu và kinh tế thị trường như hiện nay, việc trồng cây cảnh của người dân cũng là hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân ở vùng quê.