"Gã khùng" Cà Mau trồng thanh long kiểu không giống ai nhưng kết quả lại khiến nhiều người nể phục

Chúc Ly Thứ tư, ngày 08/07/2020 06:30 AM (GMT+7)
Tại Cà Mau, có một nông dân đã nghiên cứu và ứng dụng thành công mô hình trồng cây thanh long trên cây mắm ngay giữa vùng nước ngập mặn. Mô hình độc lạ này là của ông Mai Lam Phương (54 tuổi, ngụ ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
Bình luận 0

Chật vật lập nghiệp

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng thanh long trên cây mắm giữa vùng nước mặn, ông Phương cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học năm 1986, ông đã có hơn 10 năm kiếm sống ở TP.HCM. Sau đó, ông trở về quê làm đủ nghề, rồi đến nuôi tôm, nhưng càng làm càng thấy thất bại.  

Sau đó, ông Phương lao vào vòng xoay trồng – chặt khi nuôi trồng đủ thứ cây con, nhưng đều không mang lại hiệu quả. Nhiều lần nếm trải thất bại, ông Phương đã nhờ người thân bên vợ ở Bình Thuận gửi giống thanh long vào để ông trồng thử. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn.

Lạ đời: Trồng thanh long trên cây mắm giữa vuông nước mặn vẫn sống tốt - Ảnh 1.

Trước khi trồng thanh long trên cây mắm giữa vuông nước mặn, ông Phương đã nuôi trồng đủ thứ cây con.

Lạ đời: Trồng thanh long trên cây mắm giữa vuông nước mặn vẫn sống tốt - Ảnh 2.

Những gốc thanh long trên cây mắm cho trái vào năm 2017.

"Lúc đó, tôi rất nản, suốt ngày cứ lang thang mà không biết phải làm gì. Vào năm 2009, trong một lần đi trên đường tôi vô tình phát hiện một cây thanh long (giống của địa phương) nằm dưới mương nước mặn nhưng vẫn sống tốt. Thấy vậy, tôi đem về nhà chiết ra trồng hơn 400 gốc thanh long trên những cây tạp ở bờ vuông tôm để cầu may. Sau đó những cây thanh long này cho trái, nhưng chỉ cho có 1 trái", ông Phương nhớ lại.

Ông Phương cho hay: "Ở những vụ sau đó, hơn 400 gốc thanh long này cho trái tốt, mỗi vụ được hơn 3 tấn. Đến khoảng năm 2015, tôi bán rất có giá, có khi được 15.000 đồng/kg, trong khi thanh long ở nơi khác chỉ có vài ngàn đồng".

Lạ đời: Trồng thanh long trên cây mắm giữa vuông nước mặn vẫn sống tốt - Ảnh 3.

Để trồng thành công cây thanh long trên cây mắm giữa vuông nước mặn, ông Phương đã mày mò nghiên cứu trong nhiều năm.

Về sau, nhiều thương lái đã tìm đến đến thu mua với giá giao động từ 7.000 – 20.000 đồng/kg. Sau đó, ông Phương làm các thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ với thương hiệu Mai Gia.

Thương hiệu thanh long đặc biệt

Khi sản lượng thanh long đã ổn định thì một lượng lớn cây trâm bầu, cây tra…bị chết do mất sức, giàn thanh long đổ sụp do mất trụ. May mắn là cũng từ đó ông Phương nhận ra rằng, chỉ riêng cây mắm dù bị thanh long sống ký gởi nhưng vẫn phát triển xanh tốt.

Ông Phương lý giải, cây mắm ngoài lớp vỏ thì trong thân còn có nhiều lớp vân, lõi, cho nên khi rễ thanh long hút chất dinh dưỡng từ cây mắm, lớp vỏ bên ngoài bị hư thì các lớp vân lõi bên trong vẫn có thể cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi thanh long. Nắm được đặc tính đó, ông đã đem một số cây thanh long đã ra rễ buộc vào cây mắm mọc giữa vuông tôm để trồng thử nghiệm.

Lạ đời: Trồng thanh long trên cây mắm giữa vuông nước mặn vẫn sống tốt - Ảnh 4.

Hiện vườn thanh long trên cây mắm giữa vuông nước mặn của ông Phương đang phát triển tốt, chuẩn bị cho trái.

Sau một thời gian trồng thử nghiệm kết quả đạt được thành công ngoài mong đợi. Cây thanh long không những phát triển tốt trên cây mắm ở vùng ngập mặn mà còn cho trái với mùi vị đặc biệt. Trái thanh long trồng trên đất mặn có độ giòn, ngọt và có mùi hương nhẹ giống mùi hương nhãn.

Theo ông Phương, để thực hiện ý tưởng của mình, ông đã trồng và cải tạo lại cây mắm trên vuông tôm. Sau khi cây mắm trong được 2 năm tuổi, ông tiến hành trồng gởi 1.000 gốc thanh long. Đến nay, thanh long phát triển xanh tốt và một số cây đã cho hoa, trái nhỏ.

Lạ đời: Trồng thanh long trên cây mắm giữa vuông nước mặn vẫn sống tốt - Ảnh 5.

Để giảm tỷ lệ hao hụt, ông Phương bổ sung một chậu đất nhỏ cho cây thanh long.

 Nói về kỹ thuật trồng thanh long trên cây mắm dưới nước mặn, ông Phương cho biết, chỉ cần buộc nhánh thanh long đã ra rễ vào cây mắm là cây vẫn sống tốt và cho trái. Để giảm hao hụt, khi trồng 1.000 gốc thanh long sau ông bổ sung dưới gốc 1 chậu đất nhỏ để cung cấp chất dinh dưỡng nuôi dây thanh long khi bộ rễ còn yếu.

Khi rễ thanh long bám vào cây mắm được từ 3-6 tháng, dù nước mặn có ngập đến gốc trong 5-6 ngày thanh long vẫn có thể phát triển bình thường.

"Thông qua mô hình, tôi mong muốn sẽ giúp nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân sinh sống ở vùng đất nhiễm mặn. Khi nông dân thích nghi được với điều kiện tự nhiên và làm giàu trên chính vùng đất của mình, thì sinh kế sẽ ổn định hơn", ông Phương chia sẻ.

Vừa qua, ông Mai Lam Phương cùng con trai là Mai Trúc Lâm đã đạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2019 với dự án "thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem