Dân Việt

Những nguyên nhân nào khiến nông dân Bình Phước khó tiếp cận mô hình nông nghiệp công nghệ cao?

Thu Thảo 11/07/2022 10:18 GMT+7
Do nhiều nguyên nhân, việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông dân Bình Phước vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Bình Phước còn triển khai nhiều dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn về nguồn vốn

Hộ ông Nguyễn Văn Dũng ở phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài hiện có 17 ha trồng cao su. Sau nhiều năm gắn bó, gia đình ông muốn chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất sang trồng cây ăn trái và nấm các loại theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, những rào cản trong việc tiếp cận nguồn vốn để chuyển đổi khiến ông có đôi chút “chùn bước”. 

“Để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường đất, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động… Một mình gia đình thì không thể có đủ lực để đầu tư chuyển đổi như vậy. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước có thể tăng cường hơn nữa các chính sách về vốn ưu đãi để khuyến khích nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao” - ông Dũng cho biết.

Những nguyên nhân nào khiến nông dân Bình Phước khó tiếp cận mô hình nông nghiệp công nghệ cao? - Ảnh 1.

Trồng dưa lưới trong nhà màng - mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhiều tiềm năng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Dù các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cam kết dành nhiều nguồn vốn cho vay đối với các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng đến nay, việc xây dựng các sản phẩm tín dụng mới phục vụ phát triển cho vay đối với lĩnh vực này còn rất hạn chế. 

“Agribank luôn hướng đến đối tượng khách hàng là nông dân để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn và khách hàng cần phải có tài sản thế chấp. Ngoài ra, các yếu tố rủi ro như thời tiết, giá cả thị trường… tác động rất lớn đến việc tính toán doanh thu của nông dân khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong một chu trình sản xuất. Vì vậy, khâu thẩm định cho vay đối với chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vấn đề khó khăn” - ông Lê Minh Đạo, Phó giám đốc Agribank Tây Bình Phước cho biết.

Ngoài những khó khăn về nguồn vốn, tư duy sản xuất của nông dân vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Thói quen “mua đứt bán đoạn” tại vườn thông qua các thương lái khó thay đổi. Hơn nữa, trình độ sản xuất của người lao động còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong sản xuất.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ là định hướng lâu dài, khách quan nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển của tỉnh, là giải pháp quan trọng, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân, Bình Phước đã đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025. 

Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu xây dựng và phát triển một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 3.000 ha, sản xuất 17.000 ha nông sản sạch, trong đó có 5.130 ha sản xuất hữu cơ, thu hút được một số dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ… với tổng mức đầu tư khoảng 23.500 tỷ đồng.

Những nguyên nhân nào khiến nông dân Bình Phước khó tiếp cận mô hình nông nghiệp công nghệ cao? - Ảnh 3.

Sản phẩm của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đảm bảo được những yêu cầu khắt khe của thị trường, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về quy hoạch và huy động nguồn lực, thu hút vốn đầu tư. Trong đó, việc phát huy vai trò của các chủ thể là người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp vô cùng quan trọng.

“Các sở, ngành phải tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện tất cả chính sách đang thực hiện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn; đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo để người nông dân dễ dàng tiếp cận các mô hình nông nghiệp hiện đại”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ, hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, tiêu biểu ngày 2-6 vừa qua.

Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, nông dân phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Hay nói cách khác là sản xuất không phải đáp ứng nhu cầu của mình mà sản xuất đáp ứng tín hiệu thị trường, nhu cầu của xã hội. 

“Nông dân phải được trang bị kiến thức về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bằng nhiều hình thức, đồng thời phải vận động nông dân tham gia xây dựng các vùng liên kết sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp ban, ngành có liên quan tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, bảo quản, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm… cho nông dân trên địa bàn” - bà Lê Thị Ánh Tuyết cho biết thêm.