Trồng bơ với diện tích tăng "đột biến", nông dân Đắk Nông tự bơi, lời hứa năm nào bay theo gió?
Diện tích trồng bơ tăng gấp 4 lần, nhưng nông dân Đắk Nông phải "tự bơi", quên đi lời hứa năm nào
Chủ nhật, ngày 10/07/2022 13:30 PM (GMT+7)
Vào trung tuần tháng 7/2018, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” nhằm tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu bơ trong và ngoài nước.
Hiệu ứng từ chương trình vào thực tiễn khá rõ. Tuy vậy, dường như nông dân vẫn đang loay hoay với bài toán phát triển diện tích và đầu ra cho cây bơ.
Hiệu ứng “Đắk Nông - Mùa bơ chín”
Từ một loại cây ăn quả ít có “tên tuổi” trong cơ cấu các loại cây trồng của tỉnh, với việc tổ chức chương trình, tỉnh mong muốn cây bơ thật sự được tôn vinh và “lên ngôi”. Bởi vì, mặc dù đã có mặt ở vùng đất Đắk Nông từ nhiều năm qua, nhưng người dân chủ yếu trồng bơ làm hàng rào, cây che bóng mát và trái bơ chỉ để dùng ăn trong nhà hoặc đem bán ở chợ quanh vùng.
Chỉ đến những năm gần đây, trái bơ dần trở thành một trong những quả có giá trị kinh tế cao, giá cả cũng tăng theo từng mùa.
Do vậy, các hộ nông dân trong tỉnh có xu hướng mở rộng diện tích bơ, với nhiều giống bơ cho quả ngon, chất lượng, năng suất cao. Đặc biệt, bơ của Đắk Nông đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, bởi giá trị dinh dưỡng cao, được xem là loại quả “siêu thực phẩm” ít nơi nào có được.
Chỉ tính trong 5 năm gần đây, nhất là sau Chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín”, diện tích bơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng lên xấp xỉ 4 lần, từ gần 1.000 ha lên gần 4.000 ha. Trong đó, diện tích bơ đang cho trái chiếm 54%, còn lại diện tích chưa cho trái chiếm khoảng 46%.
Diện tích trồng bơ tập trung nhiều nhất tại huyện Đắk Song khoảng 1.226 ha; tiếp đến là các huyện Tuy Đức, Đắk Mil, Đắk Glong, Đắk R’lấp. Như vậy, 5 huyện chiếm 83% tổng diện tích bơ toàn tỉnh, tương đương với khoảng 3.270 ha. Bơ cũng là loại cây ăn quả có tỷ lệ diện tích trồng cao nhất tỉnh, với gần 26,7% tổng diện tích cây ăn quả.
Thực tế, tỉnh, ngành chức năng đã từng nhận định, mặc dù có lợi thế lớn, nhưng giá trị hàng hóa của quả bơ còn thấp, do còn hạn chế trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, tình trạng trồng tự phát, không theo quy hoạch, quy trình sản xuất chưa bảo đảm, đầu ra sản phẩm không ổn định, chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý để truy cập nguồn gốc xuất xứ…
Vì vậy, để cây bơ thật sự “lên ngôi”, tỉnh Đắk Nông lúc bấy giờ đã xúc tiến rất nhiều hoạt động. Trong đó, Chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” được xem là điểm nhấn quan trọng, với nhiều kỳ vọng cho cây bơ.
Đặc biệt, trước khi Chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” diễn ra, vào giữa tháng 3/2018, tại chuyến thăm New Zealand, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông lúc bấy giờ đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tỉnh Đắk Nông với các bên: Cơ quan hợp tác Chính phủ New Zealand, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm, Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao để phát huy tiềm năng, lợi thế của cây bơ.
Mênh mang lời hứa năm nào
Phải nói rằng, lúc bấy giờ việc ký kết thỏa thuận nói trên đã mở ra một hướng đi đầy triển vọng cho cây bơ và sản phẩm bơ của Đắk Nông. Bởi vì, thông qua thỏa thuận hợp tác được ký kết, các đối tác sẽ tiến hành nghiên cứu, chọn lọc giống bơ phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, nhất là những giống bơ đang được ưa chuộng trên thị trường thế giới.
Cùng với việc xây dựng một số mô hình thử nghiệm, tiến hành tìm những vùng có điều kiện thích hợp để nhân rộng, phát triển những giống bơ có giá trị cao, các đối tác cũng cam kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm bơ.
Đáng nói nữa, các đối tác sẽ hỗ trợ nguồn kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu, lựa chọn, đầu tư phát triển cây bơ tại tỉnh Đắk Nông. Qua đó, nông dân sẽ có cơ hội được tiếp cận nguồn giống bơ chất lượng, mang lại năng suất và hiệu quả sản xuất cao.
Về phía tỉnh Đắk Nông cũng sẽ chú trọng hình thành các chuỗi giá trị, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra những sản phẩm bơ giá trị có sức cạnh tranh trên thị trường, trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Thế nhưng, đã hơn 4 năm trôi qua, qua theo dõi cho thấy Thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tỉnh Đắk Nông nói trên hầu như vẫn còn nằm trên giấy và dường như bị chìm vào quên lãng, vì chưa thấy một động thái gì liên quan đến việc triển khai thực hiện.
Đó là chưa kể, trong chuỗi các hoạt động liên quan đến Chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín”, tại các diễn đàn, hội thảo, một số doanh nghiệp còn hứa hẹn sẽ đầu tư trồng những vùng bơ tập trung, diện tích lớn, chất lượng giống cao và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm bơ.
Qua đó, tỉnh Đắk Nông hy vọng, các doanh nghiệp sẽ làm tiên phong, mở lối, giúp nông dân học tập kinh nghiệm canh tác một cách bài bản, có nguồn giống tốt, nhất là có đầu ra cho sản phẩm bơ một cách bền vững.
Nhưng rồi, có lẽ do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan, xuất phát từ nhiều phía, nên những lời hứa kia nhanh chóng bị "gió bay”.
Ngóng trông những điều cụ thể
Chuyện các cấp chính quyền, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động bề nổi rầm rộ, rồi sau đó để lại hiệu ứng ra sao thì khó có thể đong đếm được. Chỉ một điều có thể đong đếm được đó là nông dân vẫn phát triển diện tích bơ một cách chóng mặt như đã nói trên, bình quân mỗi năm là 100%, năm sau tăng gấp 2 lần so với năm trước.
Do đó, việc quy hoạch, cân đối cung cầu và thị trường tiêu thụ bơ như thế nào để tránh rủi ro là vấn đề đã được đặt ra nhưng thực sự chưa có một hướng đi cụ thể.
Cây bơ có vị thế trên thương trường, trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần xứng đáng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập là điều kỳ vọng của cả lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và bà con nông dân Đắk Nông.
Tuy nhiên, ngoài các hoạt động, chương trình quảng bá mang tính bề nổi thì việc xác định chiến lược, tầm nhìn, các hướng đi một cách bài bản cho cây bơ xem ra vẫn chưa thể hiện một cách cụ thể. Cuối cùng, nông dân trồng bơ hầu như vẫn đang phải “tự bơi” là chính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.