Loại trừ những sai sót về mặt văn bản, điều thể hiện rất rõ qua tờ trả lời do ông Chánh văn phòng Sở Xây dựng ký, là: Báo Nông thôn Ngày nay chỉ có nhiệm vụ thông tin về những gì diễn ra ở nông thôn, liên quan đến nông nghiệp và nông dân mà thôi.
Khoan hãy nói về những vấn đề còn chưa dứt khoát liên quan đến câu chuyện "tôn chỉ mục đích" của một tờ báo và những chức năng cơ hữu gắn với bản chất của báo chí. Khi đọc văn bản trên, có lẽ phải đến 90% "người Hà Nội" sẽ phải giật mình mà tự hỏi: Mình là ai?
Để trả lời câu hỏi này, xin phép đưa ra một vài con số: Năm 1991, dân số Hà Nội là 2 triệu người. Năm 2008, nửa đầu năm dân số thủ đô hơn 3,1 triệu, nhưng đến cuối năm đã vọt lên hơn 6,2 triệu người. Đến năm 2019, có 8,05 triệu người sinh sống ở thủ đô. Và mới nhất, năm 2022 dân số Hà Nội ước hơn 8,4 triệu.
Bằng cách nào mà trong vòng 30 năm, người Hà Nội có thể sinh sôi dữ dội như vậy? Câu trả lời là: Nhờ nông thôn. Thứ nhất, Hà Nội điều chỉnh địa giới, sáp nhập tỉnh Hà Tây, do đó chỉ trong 1 năm dân số đã tăng gấp đôi. Người dân của tỉnh Hà Tây, hiện là Hà Nội, là ai? Xin thưa: Là nông dân.
Thứ hai, dân số Hà Nội tăng nhanh là tăng dân số cơ học. Người dân từ nhiều tỉnh đổ về Hà Nội kiếm sống. Người nông dân tận dụng nông nhàn, người vừa nhận tiền đền bù thửa ruộng nay đã thành nhà máy hay khu đô thị, người nhận thấy thu nhập nhờ bán hàng rong, bán vé số hay chạy xe ôm ở thành phố tốt hơn hẳn việc bám vào mảnh ruộng ở quê… đều trở thành lao động dài hạn hoặc ngắn hạn ở thủ đô. Rồi học sinh thi đỗ đại học lên Hà Nội học hành, sinh viên tốt nghiệp tìm thấy cơ hội việc làm ở thủ đô ngon hơn ở tỉnh, những cô gái hay chàng trai nhập hộ khẩu thành phố theo vợ chồng… họ ở lại, làm việc, bám trụ và sinh con đẻ cái. Chẳng cần đến 30 năm, con cái họ lớn lên, đi học và thành người Hà Nội. Ông Giám đốc sở Xây dựng là một trong những người như thế. Chính vị Bí thư Thành ủy Hà Nội hiện nay cũng xuất thân từ một làng quê ở Hoa Lư, mãi đến năm 17 tuổi mới lên HN học đại học. Nhiều đời lãnh đạo thành phố Hà Nội là những người như thế cả, nên các vị hẳn là hiểu rõ.
Những người Hà Nội "gốc quê" đó, giờ chiếm số đông và tạo ra sức sống chính cho thành phố. Nếu không tin, hãy đến bất kỳ một khu đô thị mới hay chung cư cao tầng nào, bao gồm cả các chung cư ở đường Lê Văn Lương nơi đang là điển hình của một quy hoạch bị băm nát, xem cư dân nơi đó là ai? Xin thưa, nếu không có dân Hà Nội "gốc quê", thì chẳng bao giờ Hà Nội có nổi 1/10 số khu đô thị với vô số chung cư cao tầng như đang có. Chính họ mới là khách hàng trả tiền cho các nhà đầu tư khu đô thị.
Nếu không có dân Hà Nội "gốc quê" thì chẳng đào đâu ra đội ngũ đông đảo các shipper cũng như lượng khổng lồ đơn hàng mua bán online. Nếu có dịp đi ra đường, các vị ở sở Xây dựng cứ thử đếm biển số xe, xem có bao nhiêu xe máy mang biển 29-30 và bao nhiêu xe mang đủ loại biển số từ Lai Châu, Quảng Ninh đổ vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh?
Nếu không có dân Hà Nội "gốc quê", Hà Nội có lẽ còn lâu mới lọt vào top 17 thủ đô lớn nhất thế giới.
Sẽ là nhầm lẫn lớn nếu cho rằng 8,4 triệu người đang sinh sống ở Hà Nội chẳng liên quan gì đến nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Không tin, thì hãy nghĩ đến các dịp lễ tết, xem Hà Nội còn lại bao nhiêu người? Những người "Hà Nội" lấp kín các cửa ngõ ra khỏi thành phố vào các ngày cuối năm, họ đi đâu? Chẳng riêng gì Hà Nội, mà nghĩ rộng ra, cuộc di cư có lẽ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, trong thời kỳ dịch Covid-19, từ TP HCM tỏa về các vùng quê, đến tận các tỉnh miền núi phía Bắc, là gì nếu không phải là những cư dân đô thị tìm về với ngôi nhà ở quê, nơi họ lại "hiện hình" là nông dân thứ thiệt?
Sẽ là nhầm lẫn lớn nếu cho rằng dân Hà Nội "gốc quê" không còn liên hệ gì với quê. Nhiều người mang tiền bạc, tài sản từ quê lên thành phố lập nghiệp. Các sinh viên sống bằng "viện trợ" từ mảnh ruộng, con lợn con gà của cha mẹ ở quê. Nhà khá giả thì đầu tư tiền (từ quê, tất nhiên) cho con cái mua chung cư, mua đất Hà Nội. Không ít người kiếm tiền bằng việc buôn sản vật ở quê lên bán ở thành phố. Bằng cách dung nạp người từ các địa phương, Hà Nội đang phát triển khá giống TP HCM.
Nhầm lẫn tệ hại, khi cho rằng quy hoạch một con đường dẫn đến tình trạng đô thị nát bét, giao thông tắc nghẽn, người dân khốn khổ, lại không chút liên quan đến nông thôn. Xin thưa, mỗi giọt mồ hôi, mỗi nỗi gian khó của con em đang sống ở Hà Nội đều khiến cha mẹ, ông bà họ đang sống ở nông thôn phải lo lắng xót xa.
Hà Nội có lẽ còn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhiều năm nữa. Trong khi đó, các khu đô thị, bao gồm cả những tòa nhà cao tầng chen chúc nhau trên đường Lê Văn Lương, chẳng qua cũng đều mọc lên từ khu đất trước kia là mảnh ruộng.
Cả đất và người Hà Nội đều còn đậm mùi nông thôn như thế, mà chỉ bằng mấy câu "tôn chỉ mục đích", có những người đã toan rũ sạch mọi mối liên quan. Hay chỉ vì né tránh vài câu trả lời với nhà báo, mà các vị đã tạo ra một chuyện cười cho thiên hạ?