Phan Huy Hà
Thứ tư, ngày 06/07/2022 08:46 AM (GMT+7)
Ngày mai 7/7, hơn 1 triệu thí sinh trong toàn quốc sẽ bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022. Tâm trạng các em lúc này ngoài háo hức xen lẫn âu lo, thì đó còn là những áp lực nặng nề, thậm chí là những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai.
Trao đổi với tôi trước kỳ thi quan trọng năm 2022 này của hơn 1 triệu thí sinh, PGS-TS Đặng Thanh Tâm (Đại học Sư phạm) bức xúc: Học sinh Việt Nam đang bị những áp lực "quả tạ" mà chính chúng ta, những ông bố bà mẹ, với những định kiến xã hội, những lệch lạc trong định hướng nghề nghiệp, những hạn chế trong chọn khoa, chọn trường đại học cho con em mình, và cả những ham muốn vô lối đã vô hình chung tạo ra những sức ép ghê gớm cho con em mình… "Mùa thi, áp lực trĩu nặng, nhiều em không đủ thể chất, không đủ tỉnh táo để vượt qua thì sẽ dễ bị rối loạn lo âu, tâm thần", PGS-TS Tâm nhấn mạnh.
Quả thực, theo đánh giá của Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, thì thời điểm nào trong năm cũng đều có học sinh bị trầm cảm đến bệnh viện khám vì căng thẳng do học hành. Nhưng đặc biệt, cứ đến mùa thi, từ đầu tháng 5 đến tháng 7, thời gian có nhiều mốc quan trọng như thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp và thi đại học, thì tỷ lệ số học sinh đến khám tăng gấp 3-4 lần, chưa kể hàng trăm cuộc điện thoại nhờ tư vấn gọi đến Đường dây nóng của Viện.
Nhà trường ra sức nhồi nhét kiến thức, gia đình lại quá căng thẳng với những mong đợi đòi hỏi cấp nọ bằng kia, còn xã hội lại quá thiếu những dịch vụ tư vấn kỹ năng sống. Và đó chính là sức ép không đáng có đến với học sinh.
Đã có những cảnh báo từ các chuyên gia tâm lý và chuyên gia giáo dục: "Dường như chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thi cử và điểm số, không chỉ các bạn học sinh mà cả phụ huynh đều cảm thấy áp lực mỗi khi mùa thi đến".
Những áp lực đó là do người lớn, trong đó có cả phụ huynh học sinh và một số thầy cô giáo kỳ vọng, đặt ra điểm mục tiêu, để có thành tích, để được đỗ đạt cao trong các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp THPT và thi đại học. Những áp lực này nhìn thì cảm giác là chính đáng, là chuyện bình thường của con người khi khát khao vươn lên. Nhưng nó cực kỳ nguy hiểm khi mong ước ấy, kỳ vọng ấy không thành. Những học sinh không đạt thành tích như kỳ vọng, trượt… bị đánh đồng với thất bại, vô giá trị, không được tôn trọng khiến đứa trẻ xấu hổ, mặc cảm. Chính áp lực từ gia đình và một số thầy cô khiến học sinh bị rơi vào tâm trạng âu lo, tự ti, từ đó ảnh hưởng tới sức khoẻ cả về tinh thần lẫn thể chất.
Kỳ vọng của giáo viên và gia đình khiến nhiều học sinh bị ngộp thở trước kỳ thi, một số trường hợp phải nhập viện vì quá căng thẳng. Các cảm xúc tiêu cực thường đi từ stress đến lo âu, trầm cảm, từ đó có các suy nghĩ, hành vi tự gây hại và thậm chí là tự tử. Theo Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, áp lực học tập, nhất là thông qua thi cử là 1 trong những yếu tố dẫn đến trầm cảm, thậm chí dẫn đến chết người vì tự tử.
Vậy Đại học có là tất cả. Đại học có là "thiên đường" để mọi học sinh phải hướng đến?
Tôi có một số bạn bè không học đại học, đi học trường nghề, nhưng giờ rất thành danh và hạnh phúc. Bởi họ xác định rõ con đường đi mà chính họ, với những lợi thế, tố chất của riêng mình, họ đã được sống với đam mê và công việc mà họ chọn lựa.
Ngược lại, tôi cũng lại có những người bạn học phổ thông rất giỏi, vào đại học thậm chí bằng tuyển thẳng vì thành tích thi học sinh giỏi ở phổ thông. Nhưng giờ có vẻ như không hạnh phúc. Suốt ngày than vãn, chê bai cuộc sống, chê bai công việc. Đó cũng có thể do họ chọn sai đường đi, nhưng đó cũng có thể do người lớn, bắt, ép họ phải đi theo con đường mà người lớn tự chọn cho họ, chứ không phải họ tự chọn cho mình.
Cánh cửa vào đời của mỗi người không hẳn là đại học. Chỉ cần có đam mê, có mục đích sống, có hoài bão và ước mơ để nuôi dưỡng thì chắc chắn họ sẽ hạnh phúc. Trong cuộc sống có rất nhiều môi trường, có rất nhiều nghề nghiệp và đặc biệt có rất nhiều niềm vui mà ta chưa khám phá.
Vậy thì tại sao ta lại tự bó mình trong cái vòng kim cô đại học?
Các bậc phụ huynh cũng nên có cách tiếp cận cuộc sống, tiếp cận thi cử của con em mình một cách thông thoáng hơn, rộng rãi hơn. Cần phải hiểu và chia sẻ với các em như những người bạn, người đồng hành thân yêu nhất. Không nên áp đặt và đỏi hỏi con em mình phải thế này, thế kia hay thậm chí là ông này, bà nọ. Cũng không nên so sánh con mình với con nhà người ta.
Cậu ruột của tôi là một nhà giáo nay đã nghỉ hưu. Nhiều lúc nhìn chúng tôi nuôi dạy con cái, cậu động viên: Nuôi nấng dạy dỗ được 2 anh con trai đã là anh hùng rồi, đừng gây sức ép, đừng bắt chúng nó phải thành ông nọ, bà kia. Và cậu căn dặn: Đừng bao giờ so sánh con em mình với con em người khác. Chứ cứ "con nhà người ta" thế này, thế nọ; nếu con mình hỏi ngược lại rằng: Thế bố nhà người ta thế kia, thế ấy, thì trả lời sao?
Kết quả từ một cuộc thăm dò xã hội học: Em mong muốn gì ở thầy cô và bố mẹ. Đa số học sinh đã trả lời: Không tạo áp lực học tập cho học sinh, không so sánh với con nhà người khác, ít bài tập về nhà, được sinh hoạt ngoại khóa nhiều hơn, được học kỹ năng sống nhiều hơn, kiềm chế nóng giận, quát mắng…
Khổng Tử đã từng dạy: "Biết để học không bằng thích để học, thích để học không bằng vui để học". Đỗ đạt, điểm cao… không hẳn đã mang lại hạnh phúc. Chỉ cần con em mình vui vẻ, nhẹ nhàng vượt qua một chặng đường, một kỳ thi, với bất cứ điểm số nào, thành tích nào, thì chúng ta cũng đã có quyền tự hào khi đã đồng hành cùng con cái mình vượt qua một chặng đường, một nấc thang mới trong cuộc đời của nó.
Kết quả, thành tích, công danh không phải là chỉ số duy nhất của thước đo hạnh phúc. Chỉ cần con cái nhận được, thụ được tình yêu thương, sự quan tâm sâu sắc của cha mẹ. Đó mới chính là hạnh phúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.