Giá dầu ngày 19/7 tiếp tục bị chi phối mạnh bởi 2 yếu tố chính là nguồn cung dầu thắt chặt và nỗi lo suy thoái kinh tế.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,27% xuống 102,32 USD/thùng vào lúc 8h06 (giờ Việt Nam) ngày 19/7. Giá dầu thô Brent giảm 0,21% xuống 106,05 USD/thùng cùng thời điểm này.
Vào cuối phiên 18/7, giá dầu thô được thúc đẩy mạnh bởi đồng USD yếu hơn và các dữ liệu tích cực về doanh số bán lẻ tại Mỹ.
Đồng bạc xanh suy giảm trong bối cảnh thị trường ghi nhận khả năng Fed sẽ tăng lãi suất ở mức 75 điểm phần trăm thay vì mức 100 điểm phần trăm như đề cập ở các báo cáo trước đó.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ả Rập Xê-út và UAE đã không mang lại những kết quả như kỳ vọng khi năng lực sản xuất của các nước này gần như đã tới hạn.
Phát biểu tại hội nghị Mỹ - Ả Rập Xê-út hôm 16/7, Thái tử Arabia Mohammed bin Salman cho biết nước này sẵn sàng tăng sản lượng dầu nhưng mức tới hạn chỉ là 13 triệu thùng và không thể tăng thêm.
Nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc được ghi nhận giảm mạnh trong tháng 6/2022 do lo ngại về dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bức tranh kinh tế đó, giới phân tích vẫn chỉ ra nhiều điểm kỳ vọng. Đó là lĩnh vực khai thác, chế tạo tăng 0,9% so với quý II/2021; doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 3,1%; sản xuất công nghiệp phục hồi 3,9% so với cùng kỳ…
Giá dầu hôm nay cũng bị chi phối mạnh bởi nỗi lo thiếu hụt nguồn cung năng lượng ở châu Âu sẽ đẩy nhiều nền kinh tế trong khu vực rơi vào trạng thái suy thoái.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cảnh báo giá năng lượng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ở các nước phát triển nhiều hơn so với dự đoán bởi lạm phát buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu.
IEA cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu thô đang chậm lại do kinh tế toàn cầu chững. Đồng thời, thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro về nguồn cung từ Nga.
Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu tăng cao và môi trường kinh tế toàn cầu xấu đi đang dần bắt đầu kiềm chế đà tăng trưởng nhu cầu dầu trong nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Đánh giá này được đưa ra trong bối cảnh giá dầu trong những tuần gần đây giảm từ 120 USD/thùng xuống quanh dưới 100 USD/thùng. Mặc dù vậy, so với một năm trước đây, mức giá này này hơn hơn tới 40%.
Nhận định của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, đà phục hồi không bền, giá dầu dễ gặp áp lực trở lại trong 1-2 phiên tới. Dầu thô khả năng cao sẽ còn tiếp tục gặp áp lực trong tuần này.
Mặc dù năng lực dự phòng của OPEC được cho là đang ở mức rất thấp, và chỉ đạt khoảng 1-2 triệu thùng/ngày, là dư lượng rất ít và OPEC khó có thể đem ra sử dụng để tăng nguồn cung cho thị trường, do đây được xem là năng lực “đệm” để điều tiết trong trường hợp khẩn cấp. Khả năng cao, các nước OPEC sẽ phải vận dụng đến dầu từ các kho dự trữ, giống trong giai đoạn 2017-2018.
Dầu thô cũng sẽ chịu áp lực lớn khi thị trường tài chính nói chung hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Fed trong tháng 7, đặc biệt khi thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản hay 75 điểm cơ bản. Đây sẽ là thông tin đẩy Dollar Index tiếp tục tăng mạnh lên so với các tiền tệ khác. Khác với nhiều ngân hàng trung ương đã tiến hành tăng lãi suất từ 2021 và hiện tại cũng không có nhiều kế hoạch tăng lãi điều hành, Fed cho đến bây giờ mới “vội vàng” tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, gây áp lực lớn ngay cả đến đồng Euro, hiện tỷ giá với USD đã thấp hơn 1, gây ra hoảng loạn trên thị trường và khiến việc nắm giữ hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn.
Tại thị trường trong nước, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu…, giá xăng đã được điều chỉnh giảm mạnh.
Theo đó, kể từ 0h ngày 11/7, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm giá xăng E5 RON 92 3.110 đồng/lít, xuống mức không quá 27.780 đồng/lít; giá xăng RON 95 giảm 3.090 đồng/lít, xuống mức không quá 29.670 đồng/lít.
Giá bán các mặt hàng dầu cũng giảm mạnh, trong đó dầu diezel giảm 3.022 đồng/lít, xuống mức không quá 26.590 đồng/lít; dầu hoả giảm còn không quá 26.345 đồng/lít…
Ở kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel 550 đồng/lít, dầu mazut 950 đồng/kg và dầu hỏa 500 đồng/lít. Cùng với đó, cơ quan quản lý yêu cầu ngừng chi sử dụng Quỹ đối với các loại xăng dầu.
Bộ Công Thương cho hay, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 1/7 và ngày 11/7/2022 là: 128,707 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 19,070 USD/thùng, tương đương giảm 12,90% so với kỳ trước); 136,530 USD/thùng xăng RON95 (giảm 18,314 USD/thùng, tương đương giảm 11,83% so với kỳ trước; 140,858 USD/thùng dầu hỏa (giảm 21,062 USD/thùng, tương đương giảm 13,00% so với kỳ trước); 146,705 USD/thùng dầu diesel (giảm 20,690 USD/thùng, tương đương giảm 12,36% so với kỳ trước); 533,750 USD/tấn dầu mazút 180CST 3,5S (giảm 72,645 USD/tấn, tương đương giảm 11,980% so với kỳ trước).
Cùng với việc giá thế giới giảm mạnh, cơ quan điều hành nhấn mạnh rằng, ngày 8/7 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo mức Chính phủ đề xuất và bắt đầu áp dụng từ ngày 11/7, việc này đã góp phần hỗ trợ giảm giá xăng dầu trong nước.
Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 19/7 như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 27.788 đồng/lít, tức giảm 3.103 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III không cao hơn 29.675 đồng/lít, cũng giảm tới 3.088 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu diesel 0.05S không cao hơn 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít. Dầu hỏa không cao hơn 26.345 đồng/lít, giảm 2.008 đồng/lít. Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 17.712 đồng/kg, giảm 2.010 đồng/kg so với giá bán hiện hành.
Được biết, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 13/7 tiếp tục giảm mạnh so với kỳ trước. Cụ thể, xăng RON 92 là 112,74 USD/thùng, xăng RON 95 là 118,02 USD/thùng, dầu hỏa là 136,9 USD/thùng, dầu diesel là 139,9 USD/thùng và dầu mazut là 468,4 USD/tấn. Mức giá này giảm khá mạnh so với ngày 8/7.
Trên thị trường thế giới, dù giá dầu đã phục hồi phần nào trong phiên giao dịch 15/7 nhưng tính chung cả tuần, dầu WTI vẫn giảm 6,9% và trong khi dầu Brent giảm 5,5%.
Theo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khả năng cao là giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm, nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm khoảng 2.500 - 3.500 đồng/lít, trong kỳ điều hành ngày 21/7. Tuy nhiên, mức điều chỉnh cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào biến động giá dầu những ngày tới (trước kỳ điều hành giá) và việc điều hành Quỹ Bình ổn giá (BOG).
Nếu giá xăng giảm về ngưỡng 26.000 - 27.000 đồng/lít tại kỳ điều chỉnh giá ngày 21/7 tới, một mặt bằng giá cả mới sẽ được thiết lập với kỳ vọng giảm, giúp ngành sản xuất kinh doanh ổn định và tăng tốc phục vụ quý cuối năm.
Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính mới đây đề xuất giảm một nửa mức thuế suất nhập khẩu xăng. Cụ thể, Bộ này có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống còn 10%.
Bộ Tài chính cũng báo cáo Thủ tướng cho phép trước mắt tách nội dung giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng để ban hành một nghị định riêng theo trình tự, thủ tục rút gọn và có thể áp dụng ngay.
Đánh giá số thu ngân sách nếu đề xuất trên được áp dụng, Bộ Tài chính cho hay cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, nhập khẩu xăng dầu đạt 717 nghìn m3, tương đương 812 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 9% giá trị so với tháng 5. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam đi xuống.
Tính chung 6 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại đạt gần 4,8 triệu m3, tương đương 5 tỷ USD, tăng 18% về lượng và tăng gần 2,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.