Đây cũng là những vấn đề mà các đại biểu đặt ra với ngành nông nghiệp Tây Ninh trong phiên chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ tư của HĐND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2025, tổ chức ngày 20/7.
Trước kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Tây Ninh, cử tri ở xã Suối Dây (huyện Tân Châu) phản ánh, hiện nay, tình trạng cây giống chất lượng chưa đảm bảo được các tổ chức, cá nhân sản xuất và bán tràn lan trên thị trường.
Các loại giống này không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Nhiều người mua phải cây giống kém chất lượng, thiệt hại nặng nề. Đặc biệt là cây giống cao su.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Tây Ninh, đại biểu Ngô Trần Ngọc Quốc cho biết, chất lượng giống cây trồng vật nuôi có ý nghĩa quyết định đối với nông dân.
Tây Ninh hiện có nhiều cơ sở mua bán giống. Các cơ sở này đăng tin quảng cáo bằng nhiều hình thức.
"Tuy nhiên không có cơ sở nào chứng nhận các quảng cáo này là đúng sự thật. Nhiều nông dân chỉ biết mua về, rồi hồi hộp chờ kết quả", đại biểu Quốc đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT thừa nhận, ngành nông nghiệp Tây Ninh hiện chưa quản lý tốt công tác này. Sở NNPTNT sẽ tăng cường quản lý từ các thủ tục pháp lý, đảm bảo chất lượng từ nguồn giống đầu dòng.
"Sắp tới, Sở sẽ tăng cường truyền thông các điểm sản xuất, kinh doanh có uy tín, qua đó lấn át các điểm chưa tốt", ông Xuân nói.
Hiện nay, giá vật tư nông nghiệp đang tăng cao. Nông dân Tây Ninh lại phải đối diện tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông Nguyễn Đình Xuân thừa nhận, có tình trạng một số gian thương lợi dụng giá vật tư nông nghiệp tăng cao để sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Tây Ninh thường xuyên phối hợp thanh kiểm tra các mặt hàng vật tư lưu hành trên địa bàn tỉnh.
Khó khăn trong việc xử phạt hàng gian giả, hàng kém chất lượng hiện nay là các đại lý kinh doanh chỉ trưng bày một ít sản phẩm trên kệ. Đến khi nông dân có nhu cầu, đại lý mới chở số lượng lớn đến tận nơi.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật nông nghiệp có trụ sở ngoài địa bàn tỉnh, cũng gây khó khăn cho việc xử phạt.
Ngoài việc kiến nghị Bộ NNPTNT có cách thức xử lý tốt hơn, Sở NNPTNT Tây Ninh tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm của cả doanh nghiệp lẫn đại lý vi phạm. Sau đó, công bố thông tin sai phạm lên các phương tiện truyền thông.
Ông Xuân kể, nhiều đại lý than phiền rằng đại lý không sản xuất, sao bị xử phạt. Quan điểm của ngành nông nghiệp Tây Ninh là "người mua nhầm chứ người bán không nhầm". Đại lý kinh doanh mà sai phạm cũng bị xử.
"Và thực tế, đã có rất nhiều đại lý kinh doanh cho biết, sau khi bị nêu tên trên truyền thông, đại lý bị người dùng quay mặt, mua bán rất ế ẩm", ông Xuân kể.
Đại biểu Phạm Mạnh Hiếu cho biết, các tuyến kênh kết hợp giao thông nông thôn giúp ích rất nhiều cho vận chuyển hàng hóa, nông sản.
Tuy nhiên, 1 số kênh trên địa bàn tỉnh hiện có tình trạng xe cơ giới vượt tải trọng, làm kênh xuống cấp, gây khó cho nông dân. Nhiều tuyến kênh mương hiện nay không còn hiệu quả.
Sở NNPTNT cho biết sẽ phối hợp kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm.
Hệ thống thủy lợi ở Tây Ninh hiện nay còn 30% kênh mương nhỏ nội đồng vẫn chưa bê tông hóa, làm thất thoát nước. Sắp tới, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ 70% kinh phí kiến cố hóa kênh mương.
Trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đại biểu Dương Nguyễn Phúc cho biết, danh mục các mặt hàng nông sản trên sàn kết nối thương mại điện tử của Tây Ninh còn nghèo nàn. Đại biểu Phúc boăn khoăn, không biết hiệu quả hoạt động của sàn thế nào.
Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, sức sống của sàn thương mại điện tử phụ thuộc vào cung cầu. Thực tế là hoạt động của sàn hiện nay còn kém hiệu quả.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản còn có nhiều còn có nhiều trang thương mại điện tử khác. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp ngành công thương hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong thực hành nông nghiệp tốt. Nhất là hỗ trợ các nông hộ nhỏ lẻ tăng cường liên kết sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh.
Đặc biệt, với nhà máy chế biến nông sản Tanifood, nhiều cử tri phản ánh, rất khó tiếp cận nhà máy này. Tanifood đưa ra giá mua nông sản thấp thấp hơn thị trường, sản lượng tiêu thụ ít. Thậm chí, công ty con của nhà máy ký hợp đồng nhưng không thu mua cho nông dân.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Tây Ninh cho biết, nhà máy Tanifood đi vào hoạt động, mang theo niềm kỳ vọng lớn lao của tỉnh Tây Ninh.
"Thế nhưng, đến giờ phút này, có thể khẳng định, nhà máy Tanifood hoạt động kém hiệu quả. Ngành nông nghiệp sẽ mổ sẻ các nguyên nhân, tìm hướng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản tốt hơn", ông Xuân nói.
Từ năm 2019-2021, HĐND tỉnh Tây Ninh đã ban hành 6 chính sách lớn nhằm tăng cường chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Các chính sách này bước đầu đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân chính sách còn chậm so với nhu cầu của người dân và kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Thành Tâm – Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh cho biết, các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn của Tây Ninh. "Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách vẫn còn hạn chế. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ không nhiều. Tỷ lệ giải ngân từ chính sách còn chậm. Sở NNPTNT Tây Ninh cần nghiên cứu, đánh giá để tham mưu UBND tỉnh triển khai tốt hơn", ông Nguyễn Thành Tâm đề nghị.