Tây Ninh: Phục hồi kinh tế sau đại dịch còn khó khăn
Tây Ninh: Du lịch khởi sắc ấn tượng, nhưng vẫn nhiều khó khăn phục hồi kinh tế sau đại dịch
Nguyên Vỹ
Thứ năm, ngày 30/06/2022 17:13 PM (GMT+7)
6 tháng đầu năm, tình hình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 ở Tây Ninh còn chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế còn khó khăn.
Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh vừa báo cáo tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2022, đồng thời đánh giá tình hình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tây Ninh phục hồi kinh tế sau đại dịch còn khó khăn
Ông Nguyễn Đình Bửu Quang - Cục trưởng Cục Thống kê Tây Ninh cho biết, điểm sáng nổi bật của Tây Ninh là tình hình du lịch khởi sắc, với tổng doanh thu 880 tỷ đồng, đạt 67,7% so kế hoạch; tăng 54,2% so cùng kỳ.
Nửa đầu năm, du lịch Tây Ninh đã thu hút hơn 3,3 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch; tăng 124,3% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, tổng sản phẩm GRDP 6 tháng qua đạt 5,22%. Mức tăng trưởng này thấp so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng trưởng 5,22%, Tây Ninh xếp thứ 46 cả nước, và xếp thứ 4/8 vùng Đông Nam bộ.
Ông Quang đánh giá, tình hình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 ở Tây Ninh còn chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế còn khó khăn.
Tổng thu ngân sách nhà nước của Tây Ninh ước thực hiện 5.733 tỷ đồng, đạt 57,2% dự toán, giảm 3% cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa là 4.942 tỷ đồng, đạt 56,7% so dự toán; giảm 4,4% so với cùng kỳ.
Nửa đầu năm, Tây Ninh thu hút đầu tư trong nước ước đạt 10.039 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ.
Theo Cục Thống kê Tây Ninh, trong nửa đầu năm, một số chính sách về đầu tư; quy hoạch sử dụng đất đai, xây dựng chưa kịp thời. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm xử lý còn chậm, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.
Một trong những nguyên nhân là công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn thấp. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương chưa đảm bảo tiến độ.
"Điểm nghẽn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, quy hoạch đã được nhận diện nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời", ông Quang nói.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư.
Trước đó, báo cáo 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh về công tác xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ cải cách hành chính vẫn gặp khó khăn khi kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Ông Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, việc triển khai phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu đất đai chưa thống nhất từ trung ương đến địa phương đã dẫn đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa đảm bảo.
Tây Ninh đang xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG) của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Tỉnh Tây Ninh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường và đã được sự đồng ý của Bộ về việc sử dụng phần mềm VNPT-iLis.
Tuy nhiên, ban quản lý dự án VILG lại yêu cầu sử dụng VBD-lis. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc kết nối, khai thác, hướng dẫn sử dụng cho người dùng, cũng như giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai và thanh toán trực tuyến về đất đai của người dân trên địa bàn tỉnh.
Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, ông Trong cho biết, Tây Ninh tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước (40.000 tỷ đồng) nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Đồng thời, Tây Ninh sẽ đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường", ông Trong cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.