Tây Ninh vẫn chưa có vùng nông nghiệp công nghệ cao, vì sao vậy?

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 18/05/2022 13:36 PM (GMT+7)
Tây Ninh đã phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên các sản phẩm chủ lực, nhưng số lượng và quy mô còn nhỏ lẻ. Đến nay, tỉnh này vẫn chưa đủ điều kiện để hình thành quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bình luận 0

Nông nghiệp công nghệ cao gặp nhiều khó khăn

Hiện nay, nhiều địa phương trong nước đã phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những cách thức, quy mô và kết quả đạt được ở các mức độ khác nhau.

Một số tỉnh thành bước đầu thành công trong việc quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và trở thành điểm sáng như TP.HCM, Lâm Đồng...  

Riêng với Tây Ninh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã phát triển trên hầu hết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: lúa, rau, cây ăn quả, cây cao su, hoa, cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nông dân Tây Ninh áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt chăm sóc vườn mãng cầu Bà Đen. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân Tây Ninh áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt chăm sóc vườn mãng cầu Bà Đen. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh, tổng diện tích cây trồng áp dụng công nghệ cao đạt 98.745ha. Tập trung chủ yếu ở nhóm cây ăn trái: 20.345 ha; nhóm cây thực phẩm: 19.900 ha; một số loại cây khác nhu mía, mì: 58.500 ha.

Đến cuối năm 2021, Tây Ninh có khoảng 612 trang trại gia súc (192.578 con) và 112 trang trại gia cầm (5,6 triệu con) được nuôi theo hình thức trang trại tập trung.

Tất cả các trang trại này đều ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống thức ăn tự động, dùng công nghệ thông tin quản lý đàn và dịch bệnh.

Nhìn chung, việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến đáng kể.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, số lượng và quy mô phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ lẻ. 

Đơn cử, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vinamilk hiện đang đầu tư 1 trang trại bò sữa ở huyện Bến Cầu, Tây Ninh.

Tuy nhiên, Tây Ninh vẫn chưa có vùng sản xuất được công nhận là vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Do vậy, việc áp dụng công nghệ trong sản xuất chủ yếu ở mô hình thí điểm, khó cỏ khả năng nhân rộng, và chưa tạo được sự đột phá trong phát triển.

Trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk ở huyện Bến Cầu, Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk ở huyện Bến Cầu, Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa đồng bộ, nhất là là thủy lợi, giao thông nội đồng. Hệ thống cơ sở chế biến nông sản vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Việc thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn. Những lợi ích mang lại chưa rõ ràng trong khi các tiêu chí để được công nhận vùng, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao la khá khắt khe.

Thực tế cho hấy, hiệu quả kinh tế của phương thức sản xuất truyền thống với phương thức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa có sự phân biệt rõ rệt.

Vấn đề quy hoạch diện tích đất sạch, đất liền ranh, liền thửa đề tiến hành kêu gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn vướng các thủ tục pháp lý. Quỹ đất công đảm bảo các tiêu chí công nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không nhiều.

Phát triển 17 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Sở NNPTNT đánh giá, việc xây dựng Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh là hết sức cần thiết và cấp bách.

Đề án này nhằm định hướng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở đầu tư, phát triển hạ tầng; phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu chất lượng sản phẩm cho chế biến, tiêu thụ.

Chế biến trái cây tại nhà máy Tanifood, Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chế biến trái cây tại nhà máy Tanifood, Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tại phiên họp UBND tỉnh Tây Ninh tháng 5/2022, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT trình bày khái quát dự thảo đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Theo dự thảo, Tây Ninh định hướng phát triển 17 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong đó, giai đoạn 2022–2025 là 9 vùng (6 vùng trồng trọt và 3 vùng chăn nuôi); giai đoạn 2026-2030 là 8 vùng (6 vùng trồng trọt và 2 vùng chăn nuôi).

Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận phải hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kiết, tiêu thụ sản phẩm.

Chuỗi này góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết, đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Diện tích sản xuất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải đạt giá trị sản phẩm 150 triệu đồng/ha vào năm 2025; và 180 triệu đồng/ha vào năm 2030.

Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025; và đạt 50% vào năm 2030.

Nuôi trồng khép kín theo công nghệ Aquaponic tại một trang trại ở Tây Ninh. Ảnh: Lê Văn Hải

Nuôi trồng khép kín theo công nghệ Aquaponic tại một trang trại ở Tây Ninh. Ảnh: Lê Văn Hải

UBND tỉnh cho biết, dự thảo đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang tính định hướng, không phải bất di bất dịch.

UBND tỉnh lưu ý ngành nông nghiệp về việc phân chia giai đoạn, phân vùng; nhất là những vùng hiện hữu.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh cơ bản thống nhất với dự thảo đề án. 

"UBND tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục bổ sung khái niệm về vùng. Đồng thời xác định các tiêu chí vùng, sắp xếp cho rõ các vùng đã đủ điều kiện và các vùng có khả năng phấn đấu đạt, các vùng sẽ định hướng hình thành", ông Ngọc đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem