Tây Ninh khó tạo ra đột phá và tăng trưởng kinh tế
Tây Ninh khó tạo ra đột phá và tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm
Nguyên Vỹ
Thứ ba, ngày 19/07/2022 13:49 PM (GMT+7)
Tâm lý sợ rủi ro, trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ vẫn còn tồn tại. Động lực và nguồn lực tăng thêm trong 6 tháng cuối năm không nhiều. Đây là những khó khăn khiến Tây Ninh khó tạo ra đột phá và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Tại kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức ngày 19/7, UBND tỉnh đã đánh giá những mặt đạt được cùng với các khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội.
UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 đã đạt được những kết quả toàn diện.
Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát để khôi phục kinh tế. GRDP tăng trưởng khá (5,2%). Hầu hết, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều đã hoạt động trở lại.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 17,7%; đạt 3,2 tỷ USD. Thu ngân sách của Tây Ninh đạt 60% so với dự toán. Thu hút đầu tư trong nước tăng 15,7%.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng khá cao. Đặc biệt là ngành du lịch tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu tăng 54,2% so với cùng kỳ.
Hoạt động văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế, xã hội Tây Ninh vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.
Ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, 6 tháng đầu năm, kinh tế tuy phục hồi nhưng chưa đạt được mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế thế phục hồi chậm.
Một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ. Tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản dù xếp loại trong tốp khá (15/63 tỉnh thành) nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch đề ra.
Thu ngân sách nhà nước đạt mức khá nhưng chưa tạo được đột phá trong nguồn thu. Thị trường xuất khẩu biến động khiến việc thu hút đầu tư nước ngoài giảm mạnh.
Cải cách thủ tục hành chính tuy có chuyển biến nhưng chưa toàn diện và còn thiếu vững chắc.
Ông Võ Đức Trong cho biết, những hạn chế trên đây có phần tác động từ nguyên nhân khách quan. Dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế và đời sống xã hội.
Hậu dịch Covid-19, Trung Quốc chưa đẩy mạnh và mở rộng đầu tư. Các nguồn FDI giảm mạnh.
Đại bộ phận doanh nghiệp ở Tây Ninh là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh còn chậm.
Một số chính sách về đất đai, đầu tư, xây dựng còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ.
Quỹ đất khu công nghiệp hiện không còn nhiều nên khó thu hút các dự án đầu tư lớn. Các khu công nghiệp mới chưa thực hiện do phải chờ triển khai quy hoạch tỉnh.
Khó tạo ra đột phá và tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm
UBND tỉnh Tây Ninh cũng thẳng thắn phân tích các nguyên nhân chủ quan cũng gây ra hạn chế nêu trên.
Theo ông Võ Đức Trong, điểm nghẽn trong đầu tư về đất đai, xây dựng, quy hoạch dù có tháo gỡ nhưng vẫn chưa kịp thời. Điều này dẫn đến ách tắc trong việc giải quyết thủ tục đầu tư đồng thời ảnh hưởng đến các chỉ số hành chính môi trường đầu tư.
Công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư công.
Cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu ở các cơ quan chưa thực sự quyết tâm, chưa thực hiện khát vọng vì sự phát triển chung. Một số cán bộ chưa công tâm, có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong việc thi hành công vụ vẫn còn diễn ra.
Để triển khai các giải pháp, ông Trong cho biết, 6 tháng cuối năm, Tây Ninh vẫn tiếp tục đối diện không ít khó khăn. Nhất là tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khiến lạm phát vẫn có thể tăng cao.
Với tỉnh Tây Ninh, dư địa về đất đai trong các khu công nghiệp không còn nhiều. Điều này sẽ dẫn đến những hạn chế trong việc thu hút đầu tư.
Các chỉ tiêu phân bổ đất công nghiệp, đô thị còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển mang tính đột phá. Nhất là khó khăn trong việc cân đối quỹ đất để thực hiện quy hoạch tỉnh Tây Ninh sau khi được phê duyệt.
"Động lực và nguồn lực tăng thêm trong 6 tháng cuối năm của tỉnh Tây Ninh không nhiều. Tây Ninh sẽ khó tạo ra đột phá và tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm", ông Trong nói.
Liên quan đến con người, ông Trong cũng cho biết, một số cơ chế chính sách sách còn thiếu đồng bộ, tương thích. Điều này tiếp tục tác động đến tâm lý sợ rủi ro, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp.
"Đây sẽ là lực cản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là trong việc cải thiện môi trường đầu tư", ông Trong cho biết.
Ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh cho biết, 6 tháng đầu năm, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tuy giảm nhưng vẫn còn tác động nhiều mặt.
Cùng với sức ép lạm phát, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng… đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
"Những khó khăn này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc đề xuất các giải pháp, khắc phục những khó khăn, tạo động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2022 và cho cả nhiệm kỳ", Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.