Hội SVC xã Hải Minh có hơn 350 hội viên; toàn xã có hàng nghìn hộ tham gia trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh với tổng diện tích trên 20ha, chủ yếu là cây cảnh bonsai, cây thế nghệ thuật đa dạng về chủng loại, có giá trị kinh tế cao như: tùng, thông nhựa, sanh, hoa mộc, mai chiếu thủy…
Nhiều hội viên Hội Sinh vật cảnh tích cực giao lưu học hỏi, tìm tòi, sáng tạo các kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh theo hướng hiện đại, tạo ra nhiều tác phẩm đẹp. Hàng năm, thu nhập của mỗi hộ kinh doanh cây cảnh ở xã từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Hội viên có nhiều tác phẩm cây cảnh từng đạt giải cao tại các cuộc thi SVC cấp tỉnh, huyện.
Nghệ nhân sinh vật cảnh Lưu Thành Công, xã Hải Phú bên cạnh tác phẩm cây sanh ôm đá thế “tam sơn”-một trong những cây cảnh đang hot ở Hải Hậu, tỉnh Nam Định .Ảnh: Do cơ sở cung cấp.
Nghệ nhân SVC quốc gia Mai Xuân Thỉnh (85 tuổi) ở xóm 10 là chủ khu vườn cây “Bách dư thảo” diện tích 1.000m2 với hơn 120 loại cây khác nhau, trong đó một số cây có tuổi đời trên 100 năm, tất cả đều được tạo hình dáng, thế nghệ thuật, đẹp mắt, tiêu biểu như các cây sanh thế “ngũ đại đồng đường”, “tam đa”, cây lộc vừng dáng “thất hiền”…
Năm 2020, “Bách dư thảo” của ông được Trung ương Hội SVC Việt Nam công nhận “Nhà vườn tiêu biểu Việt Nam”. Thị trấn Cồn hiện có 2 làng nghề SVC là làng nghề Đỗ Bá và làng nghề Nguyễn Chẩm A, mỗi làng nghề có khoảng 100 gia đình trồng hoa; trong đó, nghệ nhân SVC Đỗ Thanh Trường ở tổ dân phố 4B có nhà vườn rộng hơn 1.000m2 chuyên sản xuất, cung ứng giống, kinh doanh các loại hoa cúc, ly…; nghệ nhân SVC Đỗ Mạnh Hùng ở làng nghề SVC Đỗ Bá sở hữu nhà vườn gồm các loại địa lan, phong lan kết hợp ao cá, cây bonsai rộng hơn 2.000m2.
Các nghệ nhân đều chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học kỹ thuật như: trang bị hệ thống nhà lưới, tưới nước tự động…, nhằm tăng khối lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập từ 200-500 triệu đồng/hộ/năm.
Không chỉ ở xã Hải Minh và thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu còn có nhiều nhà vườn quy mô lớn do các nghệ nhân SVC kinh nghiệm đã dành nhiều tâm sức đầu tư, sáng tạo nghệ thuật làm nên các tác phẩm có giá trị, hội tụ đủ 3 yếu tố “cổ - kỳ - mỹ” như: Nhà vườn của ông Hoàng Văn Hữu ở làng nghề SVC Hưng Đạo, xã Hải Tây rộng 2ha với gần 1.000 cây sanh từ cây trưởng thành hàng chục năm tuổi đến cây phôi 5-10 năm tuổi đã được tạo thế, dáng đẹp, độc đáo như: “long thăng”, “bạt phong”, “ngũ phúc”…, nhiều cây được định giá từ 1-5 tỷ đồng; nhà vườn của nghệ nhân SVC Nguyễn Văn Định ở tổ dân phố số 3, thị trấn Thịnh Long gồm 3 vườn cây cảnh với tổng diện tích trên 10 nghìn m2, doanh thu từ cây cảnh mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng.
Nghệ nhân SVC quốc gia Nguyễn Minh Thống ở xóm 10, xã Hải Phương nổi tiếng cả nước bởi tài đắp non bộ, bể cảnh, đá cảnh. Ngoài các danh hiệu nghệ nhân SVC cấp tỉnh, cấp quốc gia, nghệ nhân tài năng, ông còn được Hội Kim hoàn đá quý Việt Nam công nhận “Nghệ nhân bàn tay vàng”... Hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông Thống chế tác nhiều công trình tiểu cảnh đá lớn như: núi đá hình “trống mái” đặt ở Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh (năm 1997); núi đá thế “tam sơn” tại thị trấn Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; núi đá thế “phụ tử” ở Trường THPT Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa...
Ở quê hương, ông được nhiều người biết đến bởi công trình núi đá tai mèo hang động “sơn trang” tại xã Hải Thanh với tổng khối lượng 200m3 đá, trị giá trên 1 tỷ đồng (năm 2005).
Năm 2019, tỉnh ta được Trung ương Hội SVC Việt Nam đề nghị chọn 16 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tiêu biểu để giới thiệu, trưng bày tại Triển lãm SVC trong Đại lễ Phật đản Vesak Liên hiệp quốc lần thứ 3 tổ chức tại tỉnh Hà Nam. Hội SVC huyện Hải Hậu đã chọn 3 cây đưa đi triển lãm, gồm: 2 tác phẩm cây sanh ôm đá thế “tam sơn” của nghệ nhân SVC Lưu Thành Công ở xã Hải Phú và 1 tác phẩm cây sanh ôm đá cổ thụ của nghệ nhân SVC Vũ Văn Tuynh ở xã Hải Sơn.
Ông Công cho biết: “Thừa hưởng niềm đam mê cây cảnh từ người cha, năm 15 tuổi tôi đã yêu thích công việc tạo dáng cây sanh trên hòn non bộ. Thân cây lớn đến đâu, tôi tỉ mỉ cắt gọt đến đấy; rễ cây to, dài ra, tôi uốn bắt vào các hòn đá non bộ. Công việc tạo dáng cây trên đá phải kiên trì từng ngày, chờ cho rễ cây phát triển ôm kín khắp những tảng đá. Phải trải qua hơn 20 năm trong nghề, tôi mới có được những tác phẩm cây nghệ thuật như ngày nay”.
Đến nay, ông Công đã tạo tác được hơn 20 cây cảnh tuyệt tác quý hiếm “có một không hai”, trong đó có 6 tác phẩm được khách hàng mua với giá từ 350-500 triệu đồng, 1 tác phẩm được bán với giá gần 2 tỷ đồng…
Nhiều năm qua, phong trào SVC ở huyện Hải Hậu ngày càng khởi sắc, nghề trồng hoa, cây cảnh đang là hướng đi đúng, hiệu quả giúp người dân địa phương phát triển kinh tế “ly nông mà không ly hương”. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh phong trào SVC, đưa nghề trồng hoa, cây cảnh trở thành một ngành kinh tế của địa phương.
Phòng NN và PTNT huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) phối hợp với các ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh triển khai công tác dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng quy hoạch vùng trồng cây cảnh tập trung; tăng cường tuyên truyền phát triển nghề trồng cây cảnh cho người dân. Người dân các xã, thị trấn trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất ven sông, ven biển, đất nông nghiệp kém hiệu quả để đầu tư trồng các loại hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao.
Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch Hội SVC huyện Hải Hậu cho biết: Hội SVC huyện có hơn 1.000 hội viên; cả 34 xã, thị trấn thành lập được Hội SVC với hơn 450 chi hội ở các xóm. Huyện có 6 câu lạc bộ (CLB) SVC cấp huyện gồm: CLB cây cảnh nghệ thuật, CLB nghệ nhân, CLB cây cảnh 30-4, CLB sáo diều, CLB hoa lan, CLB chim cảnh.
Ở các địa phương có phong trào SVC phát triển như: Hải An, Hải Đường, Hải Long, Hải Sơn, Hải Minh, Hải Anh, Hải Trung, thị trấn Cồn, thị trấn Thịnh Long cũng thành lập các CLB cây cảnh nghệ thuật và CLB bonsai. Hiện nay, Hội SVC huyện Hải Hậu có 65 hội viên được phong tặng danh hiệu nghệ nhân SVC gồm: 6 nghệ nhân cấp quốc gia, 43 nghệ nhân cấp tỉnh, 17 nghệ nhân cấp huyện.
Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 1.500ha đất trồng cây cảnh, cây thế, cây ăn quả, hoa… Tổng giá trị thu nhập từ cây cảnh trong toàn huyện ước đạt từ 450-500 tỷ đồng/năm, bình quân đạt trên 300 triệu đồng/ha. Để duy trì, phát triển nghề trồng cây cảnh, Hội SVC huyện thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức các lớp học nghề cho hàng nghìn lượt hội viên SVC trên địa bàn.
Hội SVC huyện đã thành lập tổ giáo viên dạy nghề gồm 9 người là các nghệ nhân sinh vật cảnh có kinh nghiệm, đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân và đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của UBND huyện, Hội SVC huyện đã thành lập quỹ dạy nghề, mua sắm các phương tiện thiết bị phục vụ dạy nghề, triển khai chương trình dạy nghề trồng cây cảnh và nâng cao tay nghề cho hội viên và nông dân.
Những người mới làm nghề được trang bị kiến thức bài bản từ khâu chọn giống, nhân giống, chăm sóc, uốn tỉa, đưa cây lên chậu và hoàn thiện sản phẩm theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”. Hàng năm, Hội SVC huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm SVC tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh ở địa phương nhân dịp lễ, tết, ngày kỉ niệm lớn của địa phương, đất nước; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động trưng bày, triển lãm SVC quy mô lớn trong và ngoài tỉnh.
Nhiều năm qua, huyện Hải Hậu đã duy trì tổ chức triển lãm SVC (2 năm một lần) vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5) với quy mô từ 1.200-1.500 cây cảnh được trưng này, thu hút đông các nhà vườn, nghệ nhân SVC và những người đam mê cây cảnh trong tỉnh tham dự.
Phong trào SVC ở huyện Hải Hậu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà còn là cơ sở để phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc thù du lịch địa phương.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh Nam Định đã triển khai các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tìm hiểu văn hóa làng nghề SVC ở Hải Hậu; qua đó từng bước xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch, đồng thời khẳng định được giá trị thương hiệu nghề trồng cây cảnh của huyện trên thị trường cả nước.