Trồng cây thìa canh ở Nam Định, cắt phơi khô bán cho công ty dược, thu nhập cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa

Thứ năm, ngày 07/07/2022 13:06 PM (GMT+7)
Gần chục năm trở lại đây cây dây thìa canh từ 1 cây dược liệu mới được người dân xã Hải Lộc (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) trồng nhân rộng ra toàn xã, trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nâng cao giá trị sử dụng đất.
Bình luận 0

Trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe dựa vào y học cổ truyền ngày càng tăng, việc phát triển các loại cây dược liệu phục vụ bào chế thuốc là sự lựa chọn đúng hướng của nhiều địa phương trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Gần chục năm trở lại đây cây dây thìa canh từ 1 cây dược liệu mới được người dân xã Hải Lộc (Hải Hậu) trồng nhân rộng ra toàn xã, trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nâng cao giá trị sử dụng đất. 

Trồng cây thìa canh ở Nam Định, lá phơi khô bán cho công ty dược, thu nhập cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa - Ảnh 1.

Vườn trồng cây thìa canh của ông Lâm Thanh Vân ở xóm 7, xã Hải Lộc (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) luôn xanh tốt nhờ thực hiện tốt quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn GACP-WHO.

Được xã giới thiệu, chúng tôi tìm đến ông Lâm Thanh Vân, tại xóm 7, người đầu tiên mang dây thìa canh về trồng tại xã. Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn dây thìa canh xanh mơn mởn cao ngang thân người, lá tỏa hương thơm man mát, dễ chịu; ông Vân chia sẻ: “Cây dây thìa canh còn có tên gọi là dây muôi hay lõa ti rừng. Đây là loài cây thân thảo, họ thiên lý, một dược liệu quý hiếm để bào chế thuốc phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, giúp hoạt huyết, giảm béo, giảm mệt mỏi, căng thẳng…".

Theo ông Vân, không chỉ là giống cây quý đối với sức khỏe mà dây thìa canh còn là cây làm kinh tế cao với nông dân”. Năm 2003, ông Vân được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ơn, hiện là Giảng viên cao cấp Bộ môn Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội giới thiệu về dây thìa canh. 

Nhận thấy giá trị kinh tế và điều kiện sinh trưởng của dây thìa canh phù hợp với đồng đất quê hương, ông đã phối hợp với Công ty Cổ phần Nam Dược trồng thử nghiệm 150m2 dây thìa canh trên đất ruộng. Dây thìa canh thích hợp với vùng đất cao, thoát nước tốt, tầng đất sâu dầy, đất từ cát pha đến thịt trung bình, giống với loại đất phổ biến ở xã Hải Lộc. 

Vùng đất trồng phải thuận lợi cho việc tưới và thoát nước, không chọn đất trũng. Đất tơi xốp thoáng khí, không lẫn sỏi đá. Nguồn nước tưới phải sạch, không bị ô nhiễm kim loại nặng. Dây thìa canh có thể trồng trên cả đất ruộng và đất vườn nhà, chỉ cần cung cấp đủ nước, kết hợp chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật thì cây phát triển ổn định, đảm bảo về năng suất, sản lượng. 

Đất được xử lý cày tơi, băm nhỏ, phơi ải để diệt trừ hết mầm bệnh, sau đó được vun luống cao từ 30-35cm. Mỗi luống cách nhau từ 1,3-1,5m để cây có thể hứng ánh nắng mặt trời được nhiều nhất và thuận lợi trong quá trình chăm sóc. Sau đó, thiết kế làm giàn để cây dây thìa canh bám leo lên, có thể làm bằng giàn tre nứa chữ A hoặc bằng lưới B40, lưới cước. 

Mật độ trồng khoảng 1.100 cây thìa canh/sào. Thời điểm thích hợp nhất để trồng là vào tháng 4 hoặc tháng 7. Trước đó, dây thìa canh đã phải được ươm gieo hạt từ 4-6 tháng, đảm bảo cây vươn cao tầm 20cm khi ra vườn (ruộng) đúng thời vụ tốt nhất. Sau khi trồng, dùng rơm rạ đậy kín xung quanh gốc cây và toàn mặt luống để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại mọc để cây nhanh bén rễ. Không phụ công người chăm, dây thìa canh năm đó phát triển tốt, chất lượng hoạt chất dược liệu cao, được Công ty thu mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm. 

Để đảm bảo an toàn sinh học cho dây thìa canh đạt chuẩn dược thảo GACP-WHO, quá trình chăm sóc ông Vân hoàn toàn không dùng thuốc diệt cỏ mà trừ cỏ dại bằng tay. Ngoài ra, sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) để quản lý sâu bệnh hại trên dây thìa canh, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc và các thuốc bị cấm; tăng cường sử dụng các loài thiên địch (ruồi xanh, bọ rùa, kiến, nhện chân dài, cóc, ếch, chim sâu) để diệt trừ rệp sáp, muội đen vào mùa đông, khi có mưa, kết hợp kiểm tra ngắt bỏ bộ phận bị sâu bệnh ngay khi phát hiện, không để lây lan ra diện rộng. 

Dây thìa canh thường cho thu hoạch tập trung từ tháng 4 đến tháng 10, có thể kéo dài đến tháng 12 nếu thời tiết ít lạnh. Trung bình mỗi năm, dây thìa canh có thể cho thu hoạch từ 3-4 vụ, 2 tháng thu hoạch 1 lần. Mỗi sào thu được 1 tạ dây thìa canh tươi. Bình quân 5kg lá tươi, qua sơ chế, sấy khô cho ra 1kg lá khô. Với giá thị trường từ 25-35 nghìn đồng/1kg lá khô tuỳ từng thời điểm, trừ các chi phí mỗi vụ, dây thìa canh giúp người dân có thể kiếm thêm bình quân từ 4-5 triệu đồng/sào. 

So với cây lúa, ngô và một số cây trồng khác, cây dây thìa canh mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần. Vì thế, dần dà người dân xung quanh cũng đến tìm hiểu và nhân giống mở rộng vùng trồng dây thìa canh. 

Ông Vân cũng tận tình hướng dẫn người dân chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy. Do đó, người dân trong xã hầu hết đã chuyển đổi các loại cây trồng khác không hiệu quả sang trồng dây thìa canh. Nhiều hộ đã vươn lên có thu nhập khá từ dây thìa canh như ông Trần Văn Bộ ở xóm 8, bà Nguyễn Thị Muôn ở xóm 4… 

Đến nay, được xã tạo điều kiện, các hộ nông dân đã “phủ xanh” dây thìa canh trên diện tích 22ha. Trong đó, có 2ha mô hình trồng dây thìa canh đạt chuẩn GACP-WHO của Tổ hợp tác Nuôi trồng và chế biến Dược liệu gồm 17 hộ tham gia cung ứng nguyên liệu sản phẩm cho Công ty Cổ phần Nam Dược; 20ha được người dân trồng rải rác tại các vườn tạp và chân ruộng kém hiệu quả, nhiều nhất tại các xóm 7, xóm 3, xóm 2, xóm 1 tiêu thụ tự do ngoài thị trường. 

Trên địa bàn xã cũng đã hình thành HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc. Hiện tại, sản phẩm dây thìa canh sấy khô của HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc đã được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao. Ngoài dây thìa canh sấy khô, HTX còn chế biến các sản phẩm tinh chế như cao thìa canh, trà túi lọc, tiện lợi cho người sử dụng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Huyên, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cho biết: “Hiện tại, dây thìa canh đang là cây chủ lực của địa phương trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung giữ nguyên diện tích đã trồng để quản lý cho tốt chất lượng sản phẩm và khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích, không trồng ồ ạt, tránh tình trạng thị trường bão hoà, mất giá”. 

Ngoài ra, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xã Hải Lộc cũng khuyến khích người dân cải tạo khuôn viên, vườn tạp, bờ rào trồng cây dây thìa canh vừa tối ưu diện tích trồng vừa tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp, thân thiện với môi trường. Hiện tại, các xóm 7, xóm 3, xóm 2, xóm 8 đã xây dựng được các tuyến đường kiểu mẫu với tường rào bằng giàn leo dây thìa canh.

Với hướng đi đúng, hiệu quả, cây thìa canh đang “ăn sâu, bám rễ” trên đất Hải Lộc, trở thành sinh kế bền vững giúp người dân xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đóng góp tích cực vào thành công của Đề án tái cơ cấu cây trồng của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển

Đức Toàn (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem