Trong đó, tăng sốc nhất là giá heo hơi và mặt hàng thịt heo với mức tăng từ 10-15 ngàn đồng/kg so với tháng trước đó.
Giá heo hơi tăng sốc. Ảnh: Heo được thương lái tại H.Thống Nhất thu gom cung cấp vào thị trường TP.HCM. Ảnh: Phan Anh
Nguyên nhân giá các sản phẩm chăn nuôi tăng cao do ảnh hưởng chi phí sản xuất, nhất là giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng “sốc”. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng quá cao trong thời gian qua cũng là nguyên nhân khiến khâu phân phối các sản phẩm chăn nuôi bị đội lên rất nhiều so với trước.
Theo một số tiểu thương kinh doanh thịt tại chợ đầu mối Tân Xuân (TP.HCM) hiện đang là thấp điểm của thị trường tiêu thụ thịt vì bếp ăn của các trường học đều tạm ngưng hoạt động do học sinh đều đồng loạt nghỉ hè. Sức tiêu thụ mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm tại các chợ truyền thống cũng giảm hơn trước vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, giá các sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng. Khởi điểm là một số công ty lớn trong ngành chăn nuôi heo đã điều chỉnh tăng giá bán heo hơi kéo theo giá heo hơi ngoài thị trường hình thành mặt bằng giá mới.
Hiện giá heo hơi bán tại trại trên địa bàn tỉnh dao động từ 65-67 ngàn đồng/kg, tăng từ cả chục ngàn đồng/kg so với tuần trước đó. Khảo sát một số tỉnh, thành trong cả nước, giá heo hơi một số nơi đã vượt trên mốc 72 ngàn đồng/kg.
Ngoài mặt hàng heo hơi, các sản phẩm chăn nuôi khác như trứng, thịt gia cầm đều đang đứng ở mức cao và cũng trên đà tăng giá. Cụ thể, giá gà công nghiệp bán tại trại hiện đang ở mức 40-42 ngàn đồng/kg, mức giá cao nhất trong vài năm trở lại đây. Giá vịt thịt bán tại trại hiện ở mức 56-58 ngàn đồng/kg, cao hơn cả chục ngàn đồng/kg so với tháng trước đó.
Bà Bùi Thị Thủy, tiểu thương tại chợ đầu mối Tân Xuân (TP.HCM) lo lắng: “Giá heo hơi tăng trong giai đoạn hiện nay gây rất nhiều khó khăn cho thương lái trong chợ đầu mối. Hiện đang là thấp điểm tiêu thụ, sức mua tại chợ hiện khá chậm, nguồn cung heo vẫn khá dồi dào mà một số công ty chăn nuôi vẫn tăng giá heo hơi. Với đà này, khi sức mua của thị trường tăng lên, e ngại giá thịt sẽ còn tiếp tục leo thang”.
Theo người chăn nuôi, hiện giá heo, gà đang đứng ở mức cao nhưng người nuôi lại không đạt lợi nhuận tốt. Nguyên nhân do chi phí đầu vào tăng quá cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục có thêm nhiều đợt tăng giá mới. Không chỉ người chăn nuôi mà các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm chăn nuôi cũng gặp khó.
Bà Lê Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Anh Hoàng Phát ở xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) nhận xét, thời điểm này, giá các sản phẩm chăn nuôi đang biến động mạnh. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp cung cấp thực phẩm vì rất khó điều chỉnh tăng giá ngay với khách hàng.
Do sức tiêu thụ chậm, giá thịt heo doanh nghiệp cung cấp vào các bếp ăn công nghiệp, cho bạn hàng sẽ chỉ điều chỉnh tăng nhẹ so với trước. Tuy nhiên, các sản phẩm này bán lẻ đến tay người tiêu dùng mức tăng có thể cao hơn nhiều chủ yếu do chi phí các khâu phân phối tăng cao.
Chỉ ra khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.HCM) chia sẻ, ảnh hưởng dịch Covid-19, giá heo, gà liên tục đứng ở mức thấp khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ suốt thời gian dài.
Gần đây, giá thịt heo, gà đã tăng cao nhưng chủ yếu để bù cho chi phí đầu vào tăng mạnh. Ngoài ra, chi phí cho khâu phân phối hiện đang là gánh nặng không nhỏ với doanh nghiệp. Do khó khăn, hiện doanh nghiệp này đã buộc phải giảm 50% điểm phân phối, bán lẻ.
Theo cập nhật của Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai vào ngày 19-7, tổng lượng heo vào chợ đầu mối khoảng 4,5 ngàn con. Giá heo trung bình dao động khoảng 71-87 ngàn đồng/kg; cao hơn nhiều so với mức giá từ 63-73 ngàn đồng/kg của tuần trước đó.