Trồng sầu riêng bạt ngàn như rừng, dân huyện này ở Đồng Nai giàu lên trông thấy

Trung-Hiếu (Cổng TTĐT huyện Tân Phú) Thứ bảy, ngày 23/07/2022 06:29 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) không chỉ nổi tiếng về phát triển du lịch sinh thái với các khu du lịch như: Vườn quốc gia Cát Tiên hay Khu du lịch Suối Mơ mà còn có các sản phẩm nông nghiệp như: bưởi da xanh, sầu riêng được nhiều người biết đến, ưa chuộng và tìm mua.
Bình luận 0

Sầu riêng, bưởi da xanh những sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, đang dần tạo nên thương hiệu riêng của huyện miền núi Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Trước đây, Tân Phú được biết đến như một huyện miền núi vùng xa khó khăn nhất của tỉnh Đồng Nai. Thu nhập người dân ở mức thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa mấy phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, Tân Phú liên tục có những bước “bứt phá” ấn tượng về mọi mặt, “trở mình”, vươn lên và đạt những kết quả hết sức ấn tượng về kinh tế, hạ tầng.

Sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ đúng đắn đắn, kịp thời của tỉnh Đồng Nai, sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân trong hành trình xây dựng nông thôn mới, cũng như các chính sách phát triển kinh tế khác, chính là yếu tố then chốt tạo nên thành quả trên.

Và một trong những điểm nhấn đáng chú ý được đánh giá là đòn bẩy để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập của người dân, chính là việc nơi đây đã hình thành được những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị cao theo hướng sạch, liên kết bền vững 4 nhà: “Nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp”.

Trồng sầu riêng bạt ngàn như rừng, dân huyện này ở Đồng Nai giàu lên trông thấy - Ảnh 1.

 

Diện tích trồng cây sầu riêng toàn huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) trên 2.200 hecta tại các xã Phú An, Phú Sơn, Phú Trung và xã Phú Xuân…

 

Vào những năm 2000, vùng đất Phú An là một trong những vùng trồng điều lớn nhất, nhì của Đồng Nai. Theo thời gian, giá trị kinh tế của loại cây một thời được ví như “cây giảm nghèo” nay ngày càng đi xuống, những vườn điều già cỗi bắt đầu tạo ra gánh nặng cho chủ vườn, khi năng suất ngày càng thấp, sâu bệnh liên miên. 

Trước tình trạng trên, nắm bắt chủ trương phát triển các vùng chuyên canh cây, con chủ lực của tỉnh, từ năm 2008, chính quyền địa phương đã bắt đầu tính đến chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm hướng ra mới cho những vườn điều gần như hoang hóa do người dân không còn mặn mà chăm bón. 

Và sau nhiều lần nghiên cứu kỹ lưỡng, loại cây được lựa chọn để thay thế, đó chính là sầu riêng. Chủ trương chuyển đổi đúng đắn lập tức nhận được sự đồng thuận của người dân. Cứ thế, diện tích sầu riêng trong xã ngày càng tăng. 

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và lối canh tác khoa học, cây sầu riêng đã nhanh chóng mang đến niềm vui chung cho tất cả chủ vườn bởi năng suất và chất lượng thơm ngon được đánh giá là “hiếm có, khó tìm”. 

Hiệu quả bước đầu của loại trái cây mới trên nền đất cũ đã thuyết phục không chỉ người dân địa phương, mà còn thu hút rất nhiều người dân từ các nơi khác đến để đầu tư, vùng chuyên canh sầu riêng tại xã Phú An nhờ đó ngày càng phát triển mạnh mẽ về cả diện tích lẫn việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc. 

Hiện nay, tại xã Phú An đã có khoảng 2.500 héc ta sầu riêng. Sầu riêng Phú An nổi tiếng thơm ngon hơn những vùng khác nên giá bán khá ổn định. Hiện, bình quân 1 ha sầu riêng tại đây đang mỗi năm giúp chủ vườn thu về trên 700 triệu đồng, cá biệt có những vườn đạt chuẩn VietGap, giá trị lợi nhuận gần đến 1 tỷ đồng.

 

Trồng sầu riêng bạt ngàn như rừng, dân huyện này ở Đồng Nai giàu lên trông thấy - Ảnh 3.

Ông Trần Hồng Nhiễm, ấp Bầu Chim, xã Phú Xuân, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) bên vườn sầu riêng trên 7 năm tuổi đang cho thu hoạch.

 

Tại huyện Tân Phú, hiện nay không chỉ có sầu riêng Phú An là vùng chuyên canh cây ăn trái. Đây là một nỗ lực của địa phương trong xuyên suốt gần 15 năm phấn đấu xây dựng nông thôn mới. Với những sự chuẩn bị, tính toán hợp lý về điều kiện thổ nhưỡng, đặc điểm của từng vùng, đến nay, huyện Tân Phú đã xây dựng thành công thêm nhiều vùng chuyên canh khác, và cũng đang mang lại giá trị kinh tế, giúp nông dân địa phương vươn nâng cao thu nhập. 

Có thể kể đến trong số đó là những vùng chuyên canh cam, quýt, bưởi…tại một số nơi Tà Lài, Núi Tượng, Phú Lộc, Phú Thịnh...với điểm tựa vững chắc đó là các tổ chức kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã…nơi mà các nông dân là thành viên và được bao tiêu đầu ra cũng như hưởng nhiều ưu đãi về chi phí nguyên vật liệu đầu vào. 

Câu chuyện làm ăn làm giàu tại Hợp tác xã thương mại, dịch vụ nông nghiệp Tà Lài là một ví dụ. Được thành lập từ năm 2017, nơi đây đang áp dụng mô hình trồng bưởi da xanh tiêu chuẩn VietGAP, đây là bước đệm để nâng cao giá trị sản phẩm cho nông sản địa phương.

Ban giám đốc HTX cũng đã chủ động tìm các đầu ra theo hợp đồng, từ đó xây dựng kế hoạch trồng để cho ra sản lượng phù hợp để cung ứng cho thị trường, ngoài ra còn có được đầu ra ổn định, khắc phục tình trạng ứ hàng, dội chợ- vốn là nổi ám ảnh của nông dân trước đây. 

Hiện tổng diện tích trồng bưởi da xanh và cây có múi trên địa bàn huyện Tân Phú khoảng 2 ngàn hecta. Năng suất bình quân gần 20 tấn/ 1 hecta, tăng hơn 140 lần so với các loại cây truyền thống trước đây. Đáng nói, từ những mô hình kinh tế mới này đã tăng thu nhập của người dân từ 650 – 800 triệu đồng/1 năm…góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, Tân Phú đã có khoảng 10 ngàn hecta cây ăn trái, thu nhập bình quân mỗi năm từ 250 - 270 triệu đồng/ 1 hecta. 

Theo thống kê, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện thời gian qua luôn đạt ở mức cao. Ngoài sầu riêng và các loại cây khác, huyện Tân Phú còn đạt được những thành quả như: xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao với diện tích trên 13,3 ngàn hécta, mô hình khai thác trầm hương trên cây dó bầu, nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ...

Để nông nghiệp phát triển bền vững, ngoài những mô hình sản xuất hiệu quả như vừa nêu trên, huyện Tân Phú đã và đang hướng đến mục tiêu chung là phát triển thị trường bền vững với chất lượng các loại nông sản địa phương ở mức cao, có khả năng xâm nhập vào các thị trường “khó tính” nhất, đủ sức cạnh tranh với các loại nông sản trong và ngoài nước.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết: “Trong thời gian tới, huyện thực một số trọng tâm như sau, thứ nhất tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa phát triển sản xuất nông nghiệp tăng chất lượng nông sản, sản suất đảm bảo an toàn tăng thời lượng khoa học kỹ thuật công nghện.

Đặc biệt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực, cụm công nghiệp của huyện để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất đồng thời gắn bảo vệ môi trường. Thứ hai tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trong ưu tiên sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi, các tuyến đường giao thông nông thôn”…

Trồng sầu riêng bạt ngàn như rừng, dân huyện này ở Đồng Nai giàu lên trông thấy - Ảnh 6.

 

Huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) phát triển kinh tế nhờ cây ăn trái

 

Theo UBND huyện Tân Phú, trong vài năm gần đây, huyện đã chỉ đạo, hỗ trợ trong việc quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cho các cây trồng chủ lực giá trị cao. 

Đồng thời, huyện còn đẩy mạnh đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm trong việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật (về giống, quy trình canh tác, phòng trừ dịch hại tổng hợp, hệ thống tưới nước tiết kiệm...). 

Kết quả là thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Tân Phú đã tạo ra những sản phẩm có năng suất cao, chất lượng đồng bộ, sản lượng lớn, chi phí sản xuất giảm đáng kể... Đồng thời, tính cạnh tranh của sản phẩm cũng tăng mạnh trên một số loại nông sản có tính chủ lực như: bưởi da xanh, sầu riêng, hồ tiêu, rau sạch...

Để thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm có giá trị, kêu gọi doanh nghiệp tìm đầu ra sản phẩm, thời gian tới, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) sẽ tiếp tục thực hiện các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. 

Đồng thời, hỗ trợ các đơn vị, cá nhân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ đầu tư các mô hình điểm về ứng dụng khoa học công nghệ (công nghệ cao) cho các hợp tác xã để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem