Trước đây, anh Phan Hữu Biên- nông dân trồng rau nhút tại ấp Hồi Trinh, thuê 4 công đất canh tác lúa nhưng hiệu quả không cao, nên đã chuyển sang trồng rau nhút.
“Trong một lần đi thu mua trái cây tại vườn, được người ta giới thiệu mô hình trồng rau nhút, nên tôi cũng thử xin giống đem về trồng trên đất ruộng. Ai dè có lời thiệt”- anh Biên vui vẻ kể lại cái duyên với nghề trồng rau nhút.
Anh Phan Hữu Biên- nông dân trồng rau nhút tại ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Đến nay, diện tích rau nhút đã được anh Biên mở rộng lên 3ha, mỗi ngày có thể cho ra thị trường trên 500kg. Anh chia sẻ, tùy theo vụ thuận hay nghịch mà giá rau dao động từ 10.000- 20.000 đ/kg. Ngoài cung cấp trong tỉnh, thị trường còn mở rộng ra các tỉnh thành lân cận như Trà Vinh, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh...
Theo anh Biên, mỗi tháng nguồn thu nhập trung bình từ rau nhút hơn 50 triệu đồng.
“Hồi mới đầu cũng trầy trật dữ lắm, khó nhất là không tìm được đầu ra, nhiều khi tới ngày hẹn cắt rau mà thương lái đổi ý thì mình cũng phải chịu. Có khi rau bị bệnh mà mình lại không biết nguyên nhân, càng xịt thuốc thì tình trạng càng tệ.
Phải qua một thời gian tự mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”- anh Biên chia sẻ và cho biết, kỹ thuật chăm sóc rau nhút không khó, chỉ cần hiểu rõ đặc tính của rau nhút, như là dễ chịu vào mùa nắng còn mùa mưa thì hơi “khó chiều”.
Với cách trồng rau nhút truyền thống là thả lan trên mặt nước khó thu hoạch và quản lý sâu bệnh. Với cách trồng chổng ngược như hiện nay- cột gốc rau nhút vào ống hình trụ cố định gốc, để dây rau có không gian phát triển đều, đã giải quyết được những hạn chế thường gặp.
Hiện nay, mô hình trồng rau nhút không chỉ mang lại thu nhập cao cho người trồng, còn giải quyết công việc cho nhiều lao động tại địa phương, từ 150.000- 200.000 đ/ngày/người nhờ vào các công việc chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển...
Mô hình trồng rau nhút thu hút nhiều lao động tham gia. Các lao động tham gia chăm sóc, thu hái, sơ chế rau nhút được trả công 150.000-200.000 đồng/kg.
Trên đồng rau nhút đang vào đợt thu hoạch rộ, khi được hỏi về “bí quyết” giữ cho xanh mướt và trắng phao, anh Biên dí dỏm cho biết: “Con người muốn trắng thì ra nắng phải đội nón, che dù, với rau nhút thì cần có bèo che nắng mới trắng nổi”.
Đó là lý do ruộng rau luôn được phủ một màu xanh mát mắt của lớp bèo tấm. Người trồng phải biết cách cân bằng lượng bèo trong ao, nhiều quá thì rau ngộp mà ít quá thì không đủ độ che phủ.
Bên cạnh việc nghiên cứu kỹ thuật canh tác và chăm sóc rau, anh Biên cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức của người làm nông. Bởi trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, rau nhút phải trải qua thời gian cách ly an toàn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. “Đó là lương tâm của người trồng rau”- anh Biên bảo vậy.
Tuy mô hình trồng rau nhút mang đến nguồn thu nhập khá cho gia đình và các hộ trồng rau lân cận, nhưng tình trạng giá cả vật tư nông nghiệp tăng liên tục là vấn đề mà nhà vườn lo ngại. Bên cạnh, việc tránh dùng các loại thuốc đặc trị để xử lý ốc bươu vàng ảnh hưởng đến chất lượng rau nhút, nên mỗi ngày anh Biên phải trả thêm tiền thuê nhân công bắt ốc bươu vàng.
Ông Nguyễn Hồng Thái- Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), cho biết, nhiều bà con tại xã Xuân Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng rau nhút. Với tổng diện tích trồng rau nhút hiện nay hơn 178ha, UBND xã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và xử lý sâu bệnh.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thành lập hợp tác xã rau nhút tại xã Xuân Hiệp, từ đó tạo môi trường sản xuất kinh doanh ổn định cho bà con nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.