Đây là năm thứ 2 lớp học yêu thương do Ban chấp hành Đoàn phường 4, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị tổ chức. Trong kỳ nghỉ hè năm 2022, lớp học đã hoạt động gần 2 tháng.
Lớp học yêu thương tổ chức ngay trong Trường Tiểu học và THCS phường 4. Có 3 lớp gồm các môn Tiếng Anh, Toán và Ngữ Văn dành cho 33 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ham học sắp bước vào lớp 6 và lớp 7.
Đến với lớp học yêu thương, học sinh được cô giáo phụ đạo, ôn tập kiến thức căn bản. Những học sinh yếu, mất gốc kiến thức sẽ được cô giáo tận tình hướng dẫn cặn kẽ hơn. Vì vậy, khi tham gia lớp học, các em học sinh rất phấn khởi.
Em Nguyễn Thị Thu Hà, sắp bước vào lớp 6, Trường Tiểu học và THCS phường 4 cho biết, nhà nghèo, đông anh chị em, để các con có cái ăn, cha mẹ Hà đã phải làm lụng vất vả ngày đêm, nên việc học của em chưa được quan tâm đúng mức. Dần dần, Hà học yếu hơn các bạn. Biết vậy nhưng cha mẹ Hà không có tiền cho con học thêm nhằm ôn tập, củng cố kiến thức cũ. Khi biết có lớp học yêu thương, cha mẹ Hà đã đăng ký cho con học.
"Đây là năm thứ 2 em theo học lớp học yêu thương. Em được các cô ôn tập kiến thức cũ, dạy thêm kỹ năng sống. Nhờ vậy, em đã cải thiện thành tích học tập từ học sinh có học lực Trung bình năm lớp 4, lên học lực Khá năm lớp 5. Hơn nữa, trước đây vì học yếu nên em rất tự ti, nay đã tự tin hơn. Vào lớp 6, em quyết tập vươn lên học sinh Giỏi" – Hà chia sẻ.
Không chỉ có Hà, lớp học yêu thương của 3 cô giáo dạy học sinh đa phần thuộc diện khó khăn. Bởi phụ huynh của các em nguồn gốc từ nghề chài lưới, làm phụ hồ… không có điều kiện cho con ăn học nhiều.
Bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1970, trú khóm 2, phường 4) rưng rưng nước mắt cho biết, trước đây, người dân phường 4 chủ yếu sống trên thuyền, đò, lênh đênh dọc sông Hiếu làm nghề chài lưới, đa số mù chữ. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất, hỗ trợ xây nhà mới có thể định cư, cho con cái ăn học. Thế nhưng, cuộc sống còn nghèo, nhiều người vẫn theo nghề chài lưới, có người chuyển làm phụ hồ, thợ đụng, có người mạo hiểm theo nghề rà tìm phế liệu dẫn đến tai nạn bom mìn.
Cha mẹ mù chữ nên không thể kiểm tra, bày vẽ cho con, chỉ trông chờ vào thầy cô giáo và ý thức tự học của con.
"Biết con học kém, cha mẹ cũng không biết làm sao. May mắn có các cô giáo, tình nguyện viên tổ chức lớp học yêu thương, dạy phụ đạo cho con em chúng tôi khiến ai cũng vui mừng. Tôi ít chữ, chỉ biết nói xin cảm tạ, xin cảm tạ" – bà Huệ chia sẻ.
Không chỉ học sinh và phụ huynh vui mừng mà ngay chính các cô giáo cũng phấn khởi, nhiệt thành khi tham gia lớp học củng cố kiến thức, sẻ chia những khó khăn, vui buồn với học trò nghèo.
Chính vì vậy, cả 3 cô giáo Nguyễn Thị Phương Nhung (31 tuổi, quê ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, dạy môn Tiếng Anh), cô giáo Võ Thị Luân (28 tuổi quê ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình dạy môn Toán) và cô giáo Nguyễn Thị Yến (27 tuổi, quê ở xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị dạy môn Ngữ Văn) đã chấp nhận ở trọ gần trường để tiện cho việc giảng dạy. Bởi nhà các cô cách trường hơn 40km.
Cô Nguyễn Thị Phương Nhung chia sẻ, được tham gia giảng dạy tình nguyện ở lớp học yêu thương, bổ túc kiến thức cho học sinh nghèo là niềm vui lớn của bản thân. Cô Nhung luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Tuổi trẻ phải dấn thân, tích cực tham gia các việc làm thiện nguyện để giúp người, giúp đời.
"Nhìn thấy các em chăm học, tiến bộ, cười nói vui vẻ là mọi mệt mỏi trong ngày hè nắng gắt đều tan biến" – cô Võ Thị Luân nói.
Không chỉ mở lớp học yêu thương, Ban chấp hành Đoàn phường 4 đang vận động các mạnh thường quân ủng hộ tiền mua sắm sách vở, cặp, bút để tặng cho các học sinh nghèo bước vào năm học mới.
Chị Trần Thị Phương - Bí thư Đoàn phường 4 cho biết, trong giai đoạn xăng tăng giá, kéo theo mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt đều tăng nhưng các cô giáo không có khoản hỗ trợ nào, còn ở trọ gần trường để tiện việc dạy học. Cán bộ, nhân dân địa phương xin cảm ơn sự nhiệt tình, chấp nhận hi sinh của các cô giáo giảng dạy ở lớp học yêu thương.
Theo chị Phương, thời gian tới, Ban chấp hành Đoàn phường 4 mong muốn nhận thêm sự quan tâm của các mạnh thường quân để có kinh phí tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh, đồng thời trích một phần kinh phí hỗ trợ cho các cô giáo và tình nguyện viên. Món quà ấy tuy nhỏ nhưng sẽ tiếp thêm động lực cho các cô bước tiếp trên con đường thiện nguyện, ươm mầm tương lai.