Cô giáo Khmer duy trì lớp học tình thương suốt 22 năm
22 năm cô giáo Khmer mở lớp học tình thương dạy trẻ có hoàn cảnh khó khăn
Chúc Ly - Mai Anh
Thứ tư, ngày 20/07/2022 06:08 AM (GMT+7)
Trong căn nhà của mình, cô Trần Thị Mươn (Sóc Trăng) lấy hiên nhà làm lớp học, 1 chiếc bảng đen và vài viên phấn trắng… 22 năm qua đây là nơi giúp cho hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thoát cảnh mù chữ.
Căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng (TP.Sóc Trăng) 22 năm qua chưa ngơi tiếng ê a đọc chữ. Học sinh ở đây số đông là con em người dân tộc Khmer.
Theo cô Mươn, đây là khu vực có đông bà con đồng bào Khmer, hoàn cảnh khó khăn. Có em không cha, không mẹ, hay cha mẹ đi làm ăn xa phải ở với ông bà, cũng có em không có giấy khai sinh.
"Nhìn thấy tụi nhỏ khó khăn nên mình cố gắng hết sức để dạy bảo và yêu thương. Hơn 20 năm qua, lớp học tình thương này vẫn giang rộng đôi tay chở che cho những cảnh đời bất hạnh", cô Mươn tâm sự.
Trong căn nhà của mình, cô Mươn lấy hiên nhà làm lớp học, 1 chiếc bảng đen và vài viên phấn trắng… 22 năm qua đây là nơi giúp cho hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thoát cảnh mù chữ.
Chị Đào Bé Chăm, ở TP.Sóc Trăng, chia sẻ: "Nhà tôi ở xa nhưng nghe cô dạy miễn phí nên cũng cho một đứa con theo học. Cô dạy nhiệt tình lắm, lại thương người nghèo nên thường vận động gạo, tiền cho những gia đình khó khăn".
Vốn là 1 giáo viên mầm non, vì gia cảnh khó khăn cô Mươn phải nghỉ dạy để lo cho gia đình. Thuở đó, gia đình thuộc dạng hộ nghèo, nhưng khi được địa phương vận động xóa mù chữ trẻ em cô Mươn nhiệt tình tham gia.
Cô đã không ngần ngại khi chạy xe ôm, làm thuê hay cắt lúa mướn,… vừa lo cho 3 đứa con, vừa duy trì cuộc sống và dạy học cho các em. Đến năm 2000, cô được một nhà thờ gần nhà mời về dạy cho các em nhỏ khó khăn. Tiếp đó, cô lập thêm lớp tình thương tại nhà để làm nơi cố định dạy miễn phí cho các em ngày 2 buổi từ thứ 2 đến thứ 6.
Thương học trò như con
Trong thời gian nghỉ hè, lớp học của cô Mươn sẽ ưu tiên dạy cho các em học vỡ lòng không có điều kiện đến trường. Những tháng nhập học cô sẽ dạy cho các em có hoàn cảnh khó khăn không thể đến trường từ lớp 1 đến lớp 3. Một số em dù đang học ở trường nhưng vẫn đến lớp của cô Mươn để được kèm cặp thêm.
Dù là thời điểm nào lớp học của cô vẫn có rất đông học sinh, khoảng từ 30-40 em. Thông thường, từ 7h30 đến 10h là thời điểm cô Mươn đến nhà thờ để dạy. Từ 13h đến 15h, cô dành thời gian cho lớp học tình thương tại nhà.
Em Thạch Thị Như Ý (ở TP.Sóc Trăng) cho hay: "Gia đình con có hai chị em đang học ở chỗ cô Mươn. Cô là người nhân từ, tốt bụng, hiền lành nên tụi con đứa nào cũng quý mến".
Lo tương lai con trẻ, tất cả tình thương của cô Mươn điều đặt vào từng con chữ. Những tiếng ê a tập đọc, hay những câu ghép vần… tất cả như giúp cô xua tan đi mọi nhọc nhằn.
"Nhiều em chia sẻ rằng nếu không nhờ cô con không biết chữ, nghe vậy mình rất vui. Nhiều em sau khi học xong ở lớp vẫn thường xuyên ghé thăm, những lời hỏi thăm đó tôi quý lắm. Tôi tâm niệm sẽ tiếp tục làm công việc này khi nào hết nổi mới nghỉ", cô Mươn chia sẻ.
Ở lớp học của cô Mươn, các em được phổ cập đến hết lớp 3, nên khối lượng công việc khá nhiều. Khi thì dạy các em đánh vần, lúc lại hướng dẫn những phép toán cộng trừ, viết chính tả. Trong bài học của cô, còn có những bài học về đạo đức, yêu thương ông bà, cha mẹ, cách ứng xử xã hội, cách cho đi và nhận lại yêu thương…
Đây không chỉ là một lớp học tình thương mà như một gia đình. Cứ thế, hết thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác đến căn nhà nhỏ ê a tiếng tập đọc và tràn ngập yêu thương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.