Khách hàng tại một hiệu sách ở Rome, Italy không chú ý đến những miếng dán hình tròn đỏ trên sàn nhà hướng dẫn phòng chống dịch bằng cách duy trì "khoảng cách ít nhất một mét". "Đây là những thứ của quá khứ", Giuliano, 45 tuổi, người không đeo khẩu trang nói khi đang lần giở từng trang sách.
Trên khắp châu Âu, các bảng hiệu quy định mờ nhạt dần theo những tàn tích đáng sợ của những ngày kinh hoàng của cuộc chiến chống lại Covid-19 trong quá khứ. Nhưng trong khi dấu tích của những ngày chết chóc nhất của đại dịch đang dần mờ đi ở khắp mọi nơi, dịch bệnh lại đang có dấu hiệu "nóng" trở lại.
Một điệp khúc phổ biến được nghe ở khắp châu Âu là mọi người đều có thể nhiễm bệnh vì biến chủng phụ BA.5 Omicron thúc đẩy sự bùng nổ các ca nhiễm trên khắp lục địa.
Tuy nhiên, các chính phủ vẫn đang nghe ngóng, kể cả ở những quốc gia trước đây có những quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất. Nguyên nhân phần lớn là do chưa chứng kiến số ca nhiễm nghiêm trọng cũng như các ca cần chăm sóc đặc biệt, và cả số ca tử vong. Và người châu Âu đã kết luận rõ rằng, họ phải sống chung với virus.
Trên tàu điện ngầm ở Paris, Pháp, những chiếc ghế kèm theo biển báo giãn cách xã hội màu xanh lam mờ dần, khiến những người đi tàu dường như đã quên đi những ngày u ám đó.
Nhiều người dân Đức không đeo khẩu trang đi ngang qua các bảng hiệu cảnh báo dịch đã rách nát trong các cửa hàng và nhà hàng ghi "Maskenpflicht" (Yêu cầu đeo khẩu trang).
Tại một cửa hàng vật liệu xây dựng ở phía bắc Madrid, Tây Ban Nha, các nhân viên cũng không đeo khẩu trang. Vào một ngày gần đây ở quán Caffè Sicilia ở Noto, Sicily, khách đứng chen chân trong một vòng tròn ghi chữ "Giữ khoảng cách an toàn".
Và nhiều người đang đổ xô đi du lịch, cả trong và ngoài châu Âu, đem lại doanh thu khổng lồ cho các quốc gia đang tuyệt vọng trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế của họ.
"Đó là điều sẽ xảy ra. Điều đáng chú ý là sự lây nhiễm trong mùa hè sẽ tạo ra nhiều khả năng miễn dịch hơn cho những tháng mùa đông khó khăn", Andrea Crisanti, một giáo sư vi sinh vật học, từng là cố vấn hàng đầu cho các nhà lãnh đạo Italy trong trường hợp khẩn cấp về dịch Covid-19, cho biết.
"Tuy nhiên, việc để dịch bệnh lây lan ở mức độ như vậy cũng tạo ra "nghĩa vụ đạo đức" đối với các chính phủ là phải bảo vệ người già và những người dễ bị tổn thương, những người vẫn có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo dù đã tiêm vaccine đầy đủ", ông nói thêm.
Theo ông, "chúng ta cần thay đổi mô hình", đồng thời liệt kê các lý do cho làn sóng thờ ơ hiện nay là do sự kiệt quệ về mặt xã hội với những hạn chế chống dịch, tâm lý chấp nhận rủi ro nhiều hơn và đặc tính sinh học của một loại virus đã lây lan đến mức "không có gì có thể ngăn chặn nó".
Đó dường như là xu hướng hiện nay khắp các nước châu Âu, nơi các quan chức vẫn luôn khẳng định về tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong rõ ràng là thấp, ngay cả khi một số chuyên gia lo lắng về số người dễ bị tổn thương, khả năng nhiễm bệnh thường xuyên có thể dẫn đến Covid-19 kéo dài và cả nguy cơ biến chủng Covid-19 nguy hiểm hơn.
Christophe Fraser, một nhà dịch tễ học tại Đại học Oxford, Anh cho biết "yếu tố ngẫu nhiên" tạo ra các đột biến mới là "đáng lo ngại". Trên khắp nước Anh, các ca nhiễm đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ cuối tháng 5, theo một cuộc khảo sát do Văn phòng Thống kê Quốc gia của nước này thực hiện.
Sarah Crofts, người đứng đầu nhóm phân tích của văn phòng thống kê, cho hay: "Các ca mắc không có dấu hiệu giảm, với tỷ lệ tiếp cận mức được thấy lần cuối vào tháng 3 ở đỉnh của làn sóng Omicron BA.2".
Số ca nhập viện đã tăng hơn gấp 4 lần kể từ tháng 5, theo dữ liệu của chính phủ. Tuy nhiên, các ca tử vong vẫn chưa đạt đến mức được ghi nhận vào đầu năm. Neil Ferguson, một nhà dịch tễ học tại Đại học Imperial College London, cho hay: "Nhìn chung, từ góc độ sức khỏe cộng đồng, chúng ta cần phải cảnh giác, nhưng đây không phải là nguyên nhân để đảo ngược hướng đi hiện nay".
Vào tháng 4, Cơ quan quản lý dược phẩm của Châu Âu (EMA) đã khuyến cáo chỉ cần tiêm mũi nhắc lại thứ hai cho những người trên 80 tuổi, ít nhất là cho đến phải chứng kiến "sự bùng phát trở lại của dịch bệnh".
Vào ngày 11/7, EMA quyết định thời điểm đó đã đến, khuyến nghị tiêm mũi tăng cường thứ hai cho tất cả mọi người trên 60 tuổi và tất cả những người dễ bị tổn thương. "Đây là cách chúng ta bảo vệ bản thân, những người thân yêu và những người dễ bị tổn thương", Ủy viên châu Âu về sức khỏe và an toàn thực phẩm, Stella Kyriakides, cho biết trong một tuyên bố, và nói thêm: "Không có thời gian để chờ đợi".
Trên khắp châu Âu, các nhà chức trách đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa sự yên tâm và sự tự mãn.
Tại Đức, Viện Robert Koch, tổ chức liên bang chịu trách nhiệm theo dõi dịch bệnh, cho biết "không có bằng chứng" cho thấy chủng BA.5 gây chết người nhiều hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach chia sẻ thông tin của một bác sĩ ở thành phố Darmstadt nói rằng, khu Covid-19 tại phòng khám của ông đã chật kín những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng.
Ủy ban vaccine của Đức vẫn chưa cập nhật khuyến cáo về mũi thứ tư và hiện tại khuyến cáo chỉ tiêm mũi nhắc lại thứ hai cho những người trên 70 tuổi và những bệnh nhân có nguy cơ.
Tại Pháp đang chứng kiến trung bình 83.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Francois Braun vẫn chưa ban bố những hạn chế mới. Phát biểu trên Đài phát thanh RTL vào tuần trước, ông cho biết "chúng tôi đã quyết định đặt cược vào trách nhiệm của người Pháp" khi ông khuyến nghị đeo khẩu trang ở những nơi đông người và khuyến khích tiêm liều vaccine thứ hai cho những người dễ bị tổn thương nhất.
Ông Braun tự tin cho rằng, Pháp, nơi gần 80% người dân được tiêm chủng đầy đủ và các bệnh viện của nước này, có thể vượt qua làn sóng nhiễm trùng mới và đã tập trung hơn vào việc thu thập dữ liệu để theo dõi chủng mới. "Các biện pháp tối thiểu nhưng cần thiết" là cách tiếp cận đúng đắn, ông Braun nói trước với ủy ban luật của Quốc hội Pháp.
Tuần trước, quốc hội Pháp đã bác bỏ đề xuất của chính phủ về việc kiểm tra giấy chứng nhận tiêm vaccine hoặc xét nghiệm Covid-19 âm tính của mọi người trước khi vào Pháp.
Ở Tây Ban Nha, nơi tỷ lệ tiêm chủng trên 85% và hơn một nửa dân số đủ điều kiện đã được tiêm nhắc lại, đại dịch dường như chỉ còn trong ký ức khi người dân quay trở lại những kỳ nghỉ ở những bãi biển đông đúc. Các quan chức nước này cho hay, chỉ cần theo dõi tình hình là đủ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Josef Pavlovic cho biết: "Làn sóng hiện tại cho thấy xu hướng ở các nước châu Âu khác trước đây và họ không thấy tác động lớn nào đến hệ thống y tế".
Các quán bar, nhà hàng và rạp chiếu phim đã kín chỗ ở Đan Mạch, trong đó số ca nhiễm tăng 11% trong 2 tuần qua, bao gồm hàng trăm người đến tham dự một lễ hội âm nhạc trong tháng này. Soren Brostrom, Tổng giám đốc Cơ quan Y tế Đan Mạch, cho biết: "Các số liệu là khả quan, không còn nhiều người bị ốm nặng do biến thể mới". Cơ quan Y tế Đan Mạch dự kiến số ca nhiễm sẽ tăng vào mùa thu và có kế hoạch tiêm nhắc lại sau đó.
Tại Italy, quốc gia phương Tây đầu tiên từng phải đối mặt với đại dịch, các báo cáo về các ca nhiễm mới đã tăng đều đặn kể từ giữa tháng 6, mặc dù đã giảm trong tuần qua. Số ca tử vong trung bình hàng ngày tăng hơn gấp đôi trong tháng qua, nhưng các bệnh viện vẫn chưa quá tải.
Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza thông báo Italy sẽ tuân theo khuyến nghị của cơ quan quản lý châu Âu về mũi tiêm tăng cường Covid-19 thứ hai cho tất cả mọi người trên 60 tuổi và những bệnh nhân dễ bị tổn thương.
Ông dự đoán rằng theo thời gian, khi những người cao tuổi dễ bị tổn thương qua đời, các ca tử vong do virus gây ra sẽ giảm xuống và Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu. Ông cho biết hệ thống miễn dịch của những người từ 70-90 tuổi trong tương lai sẽ tự có khả năng bảo vệ chống lại virus. Theo ông, vào thời điểm đó, những ký ức u ám về cuộc chiến chống Covid-19 của châu Âu sẽ thực sự thuộc về một thời đại khác.
Trong khi đó, một phụ nữ khác ở hiệu sách La Mã đeo khẩu trang N95 lo lắng rằng, bảng yêu cầu màu đỏ dưới chân cô ấy sẽ lại được áp dụng trở lại.
"Thực tế sẽ luôn đi nhanh hơn luật", cô nói.