Dân Việt

Động thái mới nhất của Trung Quốc đối với kiểm soát nhập khẩu thực phẩm chuỗi lạnh

Minh Ngọc 25/07/2022 15:11 GMT+7
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành thông báo số 58/2022 về việc tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa biện pháp phòng chống dịch tại cảng, cửa khẩu đối với thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu.

Theo đó, ngày 25/7, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) phát đi thông báo việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành thông báo số 58/2022 ngày 08/7/2022 về việc tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa biện pháp phòng chống dịch tại cảng, cửa khẩu đối với thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu vào nước này, thông báo này thay thế thông báo số 103/2020.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) triển khai công tác kiểm tra và xét nghiệm COVID-19 trên sản phẩm thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu. Căn cứ kết quả kiểm tra theo quy định sẽ tiến hành kiểm tra và điều tra, xác nhận tình trạng an toàn và hệ thống quản lý an toàn của nước nhập khẩu có phù hợp với yêu cầu của GACC hay không?.

Đối với doanh nghiệp còn tồn tại, căn cứ quy định pháp luật liên quan để áp dụng biện pháp khắc phục có thời hạn, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hủy đăng ký tư cách xuất khẩu của doanh nghiệp…

Động thái mới nhất của Trung Quốc yêu cầu đối với thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu vào nước này - Ảnh 1.

Các xe vận chuyển cùng hàng hóa được khử khuẩn khi ra khỏi khu vực phong tỏa, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trước khi xuất khẩu vào Trung Quốc tháng 2/2021. Ảnh: VGP

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho rằng, việc triển khai kiểm tra và xét nghiệm COVID-19 trên sản phẩm thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu nhằm làm tốt việc ngăn chặn và kiểm soát COVID-19 một cách khoa học và chính xác tại cảng, cửa khẩu nhập khẩu thực phẩm chuỗi lạnh (bao gồm thực phẩm là nông sản), củng cố kết quả phòng chống dịch, đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng sản xuất.

Đây là một trong những động thái cho thấy Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách thắt chặt kiểm soát virus SARS-CoV-2 trên hàng hóa khi nhập khẩu vào nước này, trong đó, bao gồm nông sản và thực phẩm chuỗi lạnh của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, không ít các mặt hàng nông sản của Việt Nam không thể xuất khẩu sang Trung Quốc do nước này thực hiện chính sách "ZERO COVID" hoặc trên sản phẩm của chúng ta bị phát hiện virus SARS-CoV-2.

Đơn cử như một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã bị phía Trung Quốc tạm đình chỉ nhập khẩu do phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên bao bì sản phẩm cá tra của các doanh nghiệp này xuất khẩu sang Trung Quốc, khiến doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại.

Động thái mới nhất của Trung Quốc yêu cầu đối với thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu vào nước này - Ảnh 2.

Nhiều DN xuất khẩu dừa tại Bến Tre vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm từ cây dừa.

Theo ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, nhưng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản trong nước cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ những quy định, hướng dẫn của chính phủ, bộ ngành chức năng về công tác phòng chống dịch COVID-19; tuân thủ hướng dẫn của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của Trung Quốc về phòng chống virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong quá trình sản xuất thực phẩm và chuỗi đông lạnh.

Đồng thời tăng cường kiểm soát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... để đảm bảo hàng thủy sản của Việt Nam không còn bị cảnh báo nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc vi phạm tiêu chuẩn an toàn chất lượng thực phẩm của Trung Quốc.

Ông Lai nhấn mạnh thêm rằng, do các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng khắt khe và trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tăng cường kiểm soát đối với hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, nên các doanh nghiệp thủy sản cần phải không ngừng nâng cao chất lượng và thực hiện đầy đủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Doanh nghiệp đang rơi vào khó khăn do Trung Quốc thắt chặt kiểm soát COVID-19, theo ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, công ty ông và các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dừa trên địa bàn vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp tới UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ dừa sang thị trường Mỹ, Trung Đông, châu Phi, châu Âu...

Theo ông Thuật, Trung Quốc vẫn siết chặt việc kiểm dịch COVID-19 nên từ đầu năm đến nay, lượng dừa khô xuất khẩu của công ty sang thị trường này giảm gần 80%, còn sản phẩm xơ dừa hầu như không xuất khẩu được. 

“Nếu như trước đây giá bán dừa khô từ mức 6.500 đồng/trái trở lên, nay chỉ còn khoảng 2.000 đồng/trái. Giá dừa giảm mạnh khiến thu nhập người dân trồng dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cơ sở cũng ngừng thu mua hoặc thu mua ít khiến lượng dừa khô tồn đọng rất nhiều và có nguy cơ bị hư hỏng, mất trắng”, ông Thuật cho hay.