Việt Nam bán 1,5 triệu tấn một loại nông sản cho Trung Quốc để trộn vào thức ăn chăn nuôi
Trung Quốc mua 1,5 triệu tấn sắn của Việt Nam để trộn vào thức ăn chăn nuôi
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 19/07/2022 19:36 PM (GMT+7)
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giúp xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam tăng vọt, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường mua nhiều nhất.
Giá sắn ổn định nhờ tiến độ giao hàng sang Trung Quốc được đẩy nhanh
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 7/2022 đến nay, giá củ sắn tươi tại các vùng ít biến động nhờ tiến độ giao hàng tinh bột sắn qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc sang Trung Quốc được đẩy nhanh hơn.
Trong khi đó, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn tăng trưởng do các thị trường đẩy mạnh thu mua phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung ngũ cốc toàn cầu bị gián đoạn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2022, Việt Nam xuất khẩu được 283.810 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 124,99 triệu USD, tăng 48,5% về lượng và tăng 50,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,73 triệu tấn, trị giá 754,25 triệu USD, tăng 9% về lượng và tăng 23,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021
Tính riêng mặt hàng sắn, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn đạt 538.100 tấn, trị giá 156,8 triệu USD, giảm 10,5% về lượng, nhưng tăng 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 6/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 88,9% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam, với 252.300 tấn, trị giá 111,31 triệu USD, so với tháng 6/2021 tăng 42,9% về lượng và tăng 45,3% về trị giá.
Như vậy, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,58 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 687,82 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo thời gian tới xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu thực phẩm tăng cao và giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng do bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine.
Sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan ở Trung Quốc
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát lớn nhất cho Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Thái Lan là thị trường lớn nhất cung cấp sắn lát cho Trung Quốc.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Thái Lan đạt 936,65 triệu USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021, thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 89% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 84,6% của 5 tháng đầu năm 2021.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 108,7 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Với mặt hàng tinh bột sắn, trong 5 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,02 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,05 tỷ USD, tăng 31,3% về lượng và tăng 46,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 744.320 tấn, trị giá 379,67 triệu USD, tăng 228,6% về lượng và tăng 270% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Do sức mua tăng từ Trung Quốc, từ đầu tháng 7/2022 đến nay, giá tinh bột sắn nội địa của Thái Lan được giữ ổn định; trong khi giá sắn nguyên liệu và giá tinh bột sắn, sắn lát xuất khẩu được điều chỉnh giảm so với cuối tháng 6/2022.
Ngày 05/7/2022, Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan thông báo hạ giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn xuống mức 535 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng 6/2022; trong khi giữ giá thu mua tinh bột sắn nội địa ở mức 17,5 Baht/kg, ổn định so với cuối tháng 6/2022.
Trong tháng 5/2022, Thái Lan đã xuất khẩu được 962.850 tấn sắn lát, tăng 177,9% so với tháng 5/2021, toàn bộ được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của Thái Lan tại thị trường Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.