Dân Việt

Trung Quốc vừa có một quyết định quan trọng với cây trồng biến đổi gen

P.V 29/07/2022 13:39 GMT+7
Ủy ban Phê duyệt Giống cây trồng Quốc gia Trung Quốc đã ban hành 2 tiêu chuẩn nhằm tạo cơ sở cho việc canh tác cây trồng biến đổi gen ở quốc gia này.

Đây là mảnh ghép pháp lý còn thiếu liên quan đến các quy định cho phép canh tác thương mại hoá ngô và đậu tương biến đổi gen tại Trung Quốc. Chính phủ đã đưa ra hai bước trong các quy định này. Đó là “chứng nhận an toàn” và “công nhận giống” trước khi cây trồng có thể được trồng trên diện rộng.

Nhiều giống ngô và đậu tương biến đổi gen khác nhau đã nhận được giấy chứng nhận an toàn từ năm 2019. Cái còn thiếu là “công nhận giống”. Giờ đây, rào cản đó đã được xóa bỏ và việc thương mại hóa cây trồng biến đổi gen ở Trung Quốc là hoàn toàn khả thi.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng nhắc lại thông tin này. Bộ này cũng nhấn mạnh “Trung Quốc có kế hoạch phê duyệt nhiều giống ngô biến đổi gen hơn”.

 Hiện nay, tuy Trung Quốc nhập khẩu ngô và đậu tương biến đổi gen nhưng việc tiến hành trồng trọt những loại cây này đang bị cấm trong nước.

Trung Quốc vừa có một quyết định quan trọng với cây trồng biến đổi gen - Ảnh 1.

Nông dân điều khiển máy tưới phun mưa trên cánh đồng lúa mì ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Nguồn: CLA.

Sự thay đổi trong các quy định tiềm năng sẽ cải thiện đáng kể sản lượng canh tác. Điều này phù hợp với tham vọng của Trung Quốc trong việc tăng nguồn tự cung các loại ngũ cốc và hạt có dầu thiết yếu trong những năm tới. Bằng việc đề ra những mục tiêu cụ thể đối với các sản phẩm như thịt lợn, quốc gia này này muốn tự sản xuất đến 95% tổng sản lượng tiêu thụ vào năm 2025.

Nông dân Nam Phi và các doanh nghiệp kinh doanh nông sản cần hết sức lưu ý những diễn biến này bởi nó sẽ có tác động đến tăng trưởng dài hạn của ngành nông nghiệp trong nước.

Sự gia tăng sản xuất ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ngô, cây trồng mà Nam Phi được xem là nước xuất khẩu ròng, có thể làm gia tăng cạnh tranh và áp lực giảm giá trong trung hạn. Một số thị trường xuất khẩu ngô chính của Nam Phi là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam đều có vị trí gần với Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc tăng dần sản lượng và trở thành nước xuất khẩu ròng ngô ổn định, đây sẽ là một thách thức đối với Nam Phi khi phải tìm kiếm thị trường ở những quốc gia khác.

Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu ngô và đậu tương lớn nhất thế giới. Sản lượng nhập khẩu của nước này chiếm đến 13% lượng ngô nhập khẩu toàn cầu vào năm 2021 và khoảng 60% lượng đậu tương nhập khẩu của thế giới. Việc giảm khối lượng nhập khẩu có thể dẫn đến áp lực giảm giá toàn cầu.

Người tiêu dùng và ngành chăn nuôi gia súc và gia cầm sẽ được hưởng lợi khi giá ngô và đậu tương toàn cầu giảm. Điều này được xem là vô cùng cần thiết vì cả thế giới đã ở trong thời kỳ giá lương thực tăng cao trong suốt hai năm qua.