Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trao đổi với Dân Việt về thị trường gạo 6 tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, có địa chỉ tại xã Bình Thạnh, Thủ Thừa, Long An cho biết, ngoài xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục tăng, đang có một xu hướng nhiều doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi mua gạo để chế biến thay vì phụ thuộc nhập khẩu ngô với giá đắt đỏ.
"Thời gian gần đây, mỗi ngày tôi phải cho nhân viên đi thu gom nguyên liệu ở khắp các địa phương để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, bình quân khoảng 1.000 tấn/ngày" - ông Hòa cho biết.
Ông Hòa cho biết, hiện giá ngô nhập khẩu đang tăng rất cao nên nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tìm hướng chuyển sang sử dụng nguyên liệu gạo. "Về mặt dinh dưỡng, so với ngô, sử dụng lúa vẫn đảm bảo đủ cung cấp cho vật nuôi" - ông Hòa nói.
Cũng theo ông Hòa, bên cạnh xuất khẩu, việc cung cấp nguyên liệu lúa gạo cho các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cũng mang lại lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều ông Hòa băn khoăn là hiện chưa có nhiều giống lúa phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi. "Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, có lúc tôi phải đưa cả lúa thơm vào chế biến, trong khi nếu có giống lúa ngắn ngày, năng suất cao đáp ứng nhu cầu làm thức ăn chăn nuôi thì ngành chức năng, các địa phương có thể quy hoạch để phát triển" - ông Hòa đề xuất.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 5/2022 tăng mạnh 53,7% so với tháng 4/2022 và cũng tăng 36% so với tháng 5/2021, đạt 605,12 triệu USD.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 2,04 tỷ USD, giảm nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Achentina vẫn là thị trường cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất cho Việt Nam, chiếm 26,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 549,72 triệu USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó riêng tháng 5/2022 đạt 168,4 triệu USD, tăng mạnh 43,9% so với tháng 4/2022 nhưng giảm 22% so với tháng 5/2021.
Đứng thứ 2 là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 21,4%, đạt trên 437,42 triệu USD, tăng rất mạnh 178,4%; riêng tháng 5/2022 nhập khẩu từ thị trường này đạt 139,93 triệu USD, tăng mạnh 63,7% so với tháng 4/2022 và tăng 266,8% so với tháng 5/2021.
Tiếp đến thị trường Mỹ trong tháng 5/2022 tăng mạnh 167,8% so với tháng 4/2022 và tăng 93% so với tháng 5/2021, đạt 95,83 triệu USD; cộng chung cả 5 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu từ thị trường này giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2021; đạt 278,01 triệu USD, chiếm trên 13,6% trong tổng kim ngạch.
Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tăng 12,3% về lượng và 0,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, tính đến hết ngày 15/6/2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 3,11 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng gần 12,3% về lượng và tăng nhẹ 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá gạo, trong nửa đầu năm nay cũng có xu hướng tăng và hiện ở mức 420 USD/tấn đối với gạo 5% tấm - do nhu cầu lương thực tăng và cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến khách hàng chuyển sang mua gạo của các nước châu Á.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt. Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng xung đột với Nga nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.