Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Đức Cơ, phường Hoàng Tiến (TP.Chí Linh) cho biết, mỗi lứa gia đình ông nuôi 25.000 con gà, các đàn nuôi gối nhau nên tháng nào gia đình ông cũng có gà xuất bán. Mỗi tháng trang trại xuất bán từ 7.000 - 10.000 con gà.
Mới đây, ông bán khoảng 7.000 con gà với giá 75.000 đồng/kg, lãi khoảng 50 triệu đồng/1.000 gà. “Sau Tết, giá gà khoảng 60.000 đồng/kg rồi tăng dần, hiện vượt mốc 70.000 đồng/kg. Đây là giá cao hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây. Hầu như các trại gà đều thắng lớn, người chăn nuôi ai cũng vui mừng”, ông Cơ phấn khởi nói.
Vừa bán xong 9 tấn gà thịt cho thương lái với giá cao, bà Vũ Thị Mai, chủ trang trại gà ở khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến đã cầm chắc 200 triệu đồng tiền lãi. 4 năm nuôi gà nhưng đây là lần đầu tiên bà bán được với giá cao như vậy.
Trang trại của bà Mai là một trong những trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn phường với quy mô 10.000 con/lứa. Thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định…
“Để gà nuôi đạt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp thì khâu chọn giống rất quan trọng. Trong quá trình nuôi thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ để tránh thiệt hại do dịch bệnh. Thức ăn cần phải bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, không gian nuôi rộng để chăn thả gà”, bà Mai chia sẻ.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Lục Văn Nhàn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gà đồi Chí Linh cho biết, vụ này mặc dù giá cám tăng thêm khoảng 100.000 đồng/bao lên 350.000 - 370.000 đồng/bao (25 kg) nhưng người chăn nuôi vẫn có lãi.
Cụ thể, với đàn gà 1.000 con thì chi phí thức ăn, giống, thuốc khoảng 130 triệu đồng. Mùa này, gà ít bệnh nên tỷ lệ đàn bị hao hụt chỉ khoảng 5%. Hơn 2 tháng nay, giá gà đã vượt mốc 70.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất đạt 76.000 - 77.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, cứ 1.000 con gà người chăn nuôi lãi từ 40 - 50 triệu đồng. Đây là mức giá cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.
"Năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát, các trang trại gà chỉ nuôi cầm chừng, giá gà thịt xuống thấp. Nhiều trang trại bị thua lỗ hoặc chỉ hòa vốn. Trong trạng thái bình thường mới, ngành du lịch phục hồi, các nhà hàng mở cửa trở lại nên nhu cầu gà thịt tăng cao. Cùng với đó, chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến việc giao thương giữa 2 nước bị siết chặt nên gà Trung Quốc khó tràn vào Việt Nam. Đây được cho là những nguyên nhân khiến giá gà thịt tăng cao", ông Nhà chia sẻ.
Bà Lê Thị Huế, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế TP Chí Linh cho hay, vui mừng, phấn khởi là tâm lý chung của người nuôi gà đồi Chí Linh thời điểm này. Các trang trại chăn nuôi phục hồi mạnh mẽ, tiêu thụ nhanh, lại được giá cao.
Dù vậy, người chăn nuôi cũng không ít nỗi lo, nhất là khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao và chưa có xu hướng giảm. Nếu không tính toán, lựa chọn thời điểm tái đàn phù hợp thì khi giá cả biến động lớn, thua lỗ là điều khó tránh.
"Để bảo đảm gà đồi phát triển ổn định, các địa phương cần quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xây dựng kế hoạch phát triển đàn vật nuôi phù hợp, tránh tái đàn ồ ạt, không theo định hướng và không sát nhu cầu thị trường. Ngoài ra, các hộ phải áp dụng nghiêm ngặt các phương pháp vệ sinh chuồng trại. Kiểm tra kỹ nguồn gốc con giống, cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao chất lượng gà đồi Chí Linh", bà Huế nói.
Hiện, TP Chí Linh có hơn 2.000 hộ chăn nuôi gà đồi với khoảng 3,3 triệu con, tập trung ở các xã, phường: Chí Minh, Bắc An, Bến Tắm, Hoàng Hoa Thám...
Gà đồi Chí Linh thường được cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, các đám cưới tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình...