"Đẻ" ra 1.400 tỷ đồng/năm, gà đồi Yên Thế “tìm đường” xuất ngoại

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 05/05/2021 13:28 PM (GMT+7)
Với lợi thế tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế vườn đồi, trong những năm qua huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gà đồi.
Bình luận 0

Qua thời gian, gà đồi Yên Thế đã trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, đem lại giá trị sản xuất lên tới 1.400 tỷ đồng/năm cho nông dân huyện Yên Thế.

Nuôi gà đồi, nông dân Yên Thế thu 1.400 tỷ đồng/năm

Xác định chăn nuôi gà là một nghề mang lại thu nhập cao và gà là sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, trong những năm qua, huyện Yên Thế đã phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng chăn nuôi tập trung, nhiều hộ gia đình đã giàu lên từ chăn nuôi gà. 

Năm 2011 sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Gà đồi Yên Thế".

Gà đồi Yên Thế “tìm đường” xuất ngoại - Ảnh 1.

Sản phẩm giò gà của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Minh Ngọc

Để đáp ứng sản phẩm chất lượng, an toàn ra thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu, ngày 4/12/2020 UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 2409 về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025".

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, để tiếp tục phát triển bền vững thương hiệu "Gà đồi Yên Thế", huyện đã ban hành nhiều chương trình, đề án cụ thể nhằm đưa con gà đồi đi tới nhiều thị trường, như: Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo hướng VietGAP, giai đoạn 2013 - 2015; đề án phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững huyện Yên Thế, giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, huyện Yên Thế xác định quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, lai tạo giống gà chất lượng bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, sử dụng máng ăn, uống tự động…

Hiện, quy mô tổng đàn gà của huyện Yên Thế duy trì ổn định từ 3,8 - 4,2 triệu con/năm. Nhiều trang trại, gia trại có quy mô lớn tập trung tại các xã như: Đồng Tâm, Đồng Kỳ, Canh Nậu, Tiến Thắng, Tam Hiệp, Tam Tiến…

Cũng theo ông Sơn, sản phẩm gà đồi của huyện Yên Thế hàng năm cung cấp ra thị trường 10 - 12 triệu con, giá trị sản xuất đạt 1.400 tỷ đồng (chiếm khoảng 60% giá trị sản xuất chăn nuôi của huyện). "Gà đồi Yên Thế không những là sản phẩm chủ lực của huyện mà đã trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bắc Giang" - ông Sơn chia sẻ.

Không chỉ xuất bán gà thịt thương phẩm, sản phẩm gà đồi qua giết mổ hút chân không và các sản phẩm chế biến khác từ gà đồi Yên Thế cũng phát triển mạnh. Ví dụ, năm 2020, sản phẩm giò gà Yên Thế đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. 

 "Có thể khẳng định chăn nuôi gà đã trở thành một nghề mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Yên Thế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân" - Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.

Đưa sản phẩm gà đồi Yên Thế ra thế giới

Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã quen thuộc với người tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, sản phẩm gà đồi Yên Thế sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà sẽ từng bước hướng đến xuất khẩu. 

Đến nay đã có những tín hiệu đáng mừng, đó là nhãn hiệu "Gà đồi Yên Thế" đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước là: Trung Quốc, Singapore, Lào.

Để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn để xuất khẩu, theo ông Lê Văn Dương - Chi Cục trưởng Chi Cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang thì việc làm đầu tiên cần phải đáp ứng đó là xây dựng vùng, cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh trước khi nghĩ đến việc xuất khẩu đi nước ngoài.

Với mục tiêu đưa ra thị trường với những sản phẩm chất lượng, HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế được coi là đơn vị tiên phong trong sản xuất và chế biến nông-lâm-thủy sản. Trong đó HTX đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất gà đồi Yên Thế theo chuỗi. 

Ông Giáp Quý Cường - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế cho biết, quy mô tổng đàn gà của trên 20 thành viên thuộc HTX bình quân theo thời điểm khoảng gần 20.000 con. Sau thời gian tìm hiểu và nghiên cứu thị trường cho sản phẩm, ban đầu, HTX đã cung cấp ra thị trường được trên 15 tấn gà qua giết mổ, 500kg giò gà và trên 80 tấn gà lông.

"Các sản phẩm gà của HTX được kiểm tra chặt chẽ, đầy đủ các yêu cầu về thời gian chăn nuôi cũng như chất lượng sản phẩm, được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, đảm bảo theo quy định của pháp luật" - ông Quý cho biết.

Tuy nhiên, ông Giáp Quý Cường cũng thẳng thắn thừa nhận, các sản phẩm của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế mới chỉ tiếp cận được thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Còn việc hướng đến đưa sản phẩm của HTX xuất khẩu ra nước ngoài là một "bài toán" khó mà bản thân ông rất khó thực hiện, cần phải có sự vào cuộc hỗ trợ của các sở, ban, ngành để tìm ra lời giải.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem