Clip: Bà Chu Thị Hồng Hà - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà (xã Sơn Hàm, Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, vừa được Hội đồng chấm Chung khảo Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Lấy chồng nối nghiệp nuôi hươu sao của nhà chồng
Bà Chu Thị Hồng Hà (SN 1973) sinh ra trong một gia đình thuần nông tại xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1992, khi đang là sinh viên Khoa sư phạm Văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, theo tiếng gọi tình yêu bà đã nghỉ học về kết duyên cùng ông Phạm Đức Thuận (SN 1964, trú tại Sơn Giang, huyện Hương Sơn).
Gia đình ông Phạm Đức Thuận có nghề truyền thống chăn nuôi và bán các sản phẩm từ hươu sao. Năm 1993, bà Chu Thị Hồng Hà được chồng hướng dẫn về công việc chăn nuôi, bán các sản phẩm từ hươu sao. Dần dần bà có niềm yêu thích, say mê công việc này và quyết định gắn bó.
Bà Chu Thị Hồng Hà nhớ lại: "Khởi nghiệp kinh doanh hết sức khó khăn, còn nhiều bỡ ngỡ vì trước đây chưa từng tiếp xúc với hươu sao bao giờ. Được chồng hướng dẫn về cách chọn giống, kỹ thuật nuôi hươu sao. Tôi chịu khó mày mò, đọc sách báo, tìm hiểu trên mạng Internet…, học hỏi thêm những người đi trước, kinh nghiệm ngày càng được tích lũy và quyết định nối nghiệp nhà chồng".
Những ngày đầu, bà Hà bán sản phẩm nhung hươu cắt lát, nhung hươu tươi ngâm rượu. Bà Hà đã đầu tư 1 con dao cắt và 1 bóng điện để sấy nhung hươu, ai có nhu cầu thì cắt ngay tại chỗ.
Một thời gian, sản phẩm nhung hươu thái lát được bà con ưa chuộng, mua nhiều nên bắt đầu chế biến sẵn, đóng hộp bà con có nhu cầu sử dụng luôn chứ không cần chờ.
Một lần bà Hà thăm nhà bác họ (bên chồng) thầy thuốc đông y, thấy bác nướng nắp hươu (phần cứng trên sừng, khi hươu sao mọc nhưng sẽ bị rụng xuống, người nuôi thường vứt đi) mài thành bột để chữa bệnh kiết lỵ, táo bón.
Trong đầu bà Hà lóe lên ý tưởng táo bạo. Bà Hà đã nhờ bác tư vấn về những công dụng từ những bộ phận của hươu sao, hướng dẫn chế biến chúng để cho ra sản phẩm tốt với sức khỏe người tiêu dùng. Những sản phẩm độc đáo này được khách hàng đánh giá cao, đón nhận nhiệt tình.
"Trong quá trình làm, tôi dựa trên bài thuốc của bác hướng dẫn để phát triển, tạo ra những sản phẩm phù hợp cho khách hàng"- bà Chu Thị Hồng Hà, nói.
"Sạt nghiệp" cũng từ hươu sao
Mới chớm thành công, giữa năm 1993 giá hươu sao rớt thê thảm khiến gia đình bà Chu Thị Hồng Hà và những người làm nghề về hươu sao tại huyện Hương Sơn thời điểm đó lâm vào cảnh "điêu đứng".
Đầu năm 1993, giá hươu sao trưởng thành có giá 50-60 triệu đồng/con, thế nhưng đến giữa năm giá "lao dốc" chỉ còn 300.000-500.000đồng/con.
Giá hươu sao giảm sâu chưa từng có khiến nhiều gia đình chăn nuôi, buôn bán các sản phẩm từ hươu sao lỗ nặng. Nhiều lái buôn bỏ nghề, người chăn nuôi bán hươu sao cho các lò mổ, không ai còn mặn mà với nghề.
"Kinh tế gia đình chúng tôi như trở về con số o. Thời điểm đó, gia đình tôi có gần 20 con hươu cộng thêm chồng tôi làm nghề buôn hươu, rớt giá khiến vợ chồng tôi lỗ khoảng hơn 700 triệu. Số tiền này vợ chồng tôi vay ngân hàng, với lãi vay suất 2.8%/tháng, kinh tế gia đình đứng bờ vực thẳm. Đó là khoản tiền nợ khổng lồ với người dân miền núi như chúng tôi".
Nhưng 2 vợ chồng bà Chu Thị Hồng Hà nắm tay nhau, động viên, quyết tâm không bỏ nghề truyền thống của cha ông. "Khổ mấy em cũng chịu được, ngã ở đâu, đứng dậy chỗ đó, thất bại là bài học kinh nghiệm khắc ghi, vợ chồng đồng sức, đồng lòng, chúng ta hãy làm lại từ đầu"- bà Hà tâm sự với chồng.
Để duy trì nghề chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm từ hươu, vợ chồng bà Chu Thị Hồng Hà phải làm đủ mọi nghề như: mở quán quán ăn bán thịt, tiết canh hươu sao, nấu rượu, nuôi lợn…
Doanh thu 30 tỷ/năm từ nuôi con "đại bổ", thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Năm 1999, người Thái sang Việt Nam mua hươu sao nhiều, giá hươu bắt đầu nhích dần, nghề nuôi hươu sao của gia đình bà Chu Thị Hồng Hà khởi sắc trở lại.
Năm 2007, gia đình bà Chu Thị Hồng Hà quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thuận Hà chuyên kinh doanh các sản phẩm từ hươu sao. Cuối năm 2015, đổi tên thành Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà do bà Chu Thị Hồng Hà làm Giám đốc.
Năm 2019, Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Nhung hươu khô tán bột, nhung hươu thái lát và rượu nhung hươu.
Mỗi năm, cơ sở bà Chu Thị Hồng Hà thu mua khoảng 1,5 tấn nhung hươu giúp bà con chăn nuôi trên địa bàn huyện Hương Sơn. Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà kinh doanh các sản phẩm từ hươu sao như: nhung hươu tươi, thịt hươu sao, đế hươu, nhung hươu khô tán bột, nhung hươu tươi thái lát, cao xương và các sản phẩm rượu nhung hươu… Doanh thu mỗi năm khoảng gần 30 tỷ đồng, lợi nhuận 10%.
Ngoài ra, gia đình bà Chu Thị Hồng Hà có trang trại nuôi 63 con hươu sao. Mỗi năm, đàn hươu gia đình bà cho 18-20kg nhung và 12 con hươu giống. Với giá nhung hươu hiện tại từ 10-13 triệu đồng/kg và 20 triệu/con hươu giống, mỗi năm trại hươu mang về cho gia đình tôi khoảng 500 triệu đồng.
Nhung hươu sao là một dược liệu quý, được xem là đặc sản của vùng đất huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Huyện Hương Sơn có trên 36.000 con hươu sao, chiếm ½ tổng đàn hươu sao của cả nước. Mỗi năm, đàn hươu sao của huyện Hương Sơn cho ra thị trường khoảng 12 tấn nhung hươu.
"Chúng tôi mong muốn có nhiều gia đình, cơ sở làm về sản phẩm từ hươu sao để được cạnh tranh. Nếu không có sự cạnh canh để đối chiếu, so sánh thì nghĩ mình đã tốt rồi, sản phẩm không thể tốt lên hàng ngày.
Tiêu chí của doanh nghiệp, sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải chất lượng tốt nhất. Muốn làm được điều đó chúng tôi phải kiểm soát tốt từ nguyên liệu đầu vào, cách chế biến phải an toàn, sạch sẽ giữ được những dưỡng chất tốt từ sản phẩm" - bà Chu Thị Hồng Hà, bật mí.
Theo bà Chu Thị Hồng Hà, rượu để ngâm với nhung hươu là loại được nấu hoàn toàn bằng nếp lứt, ngâm ủ 20 ngày sau đó đem vào nồi nấu với 6 tầng lọc. Rượu đạt chất lượng hơn 40 độ, khử anđehit, ngâm cùng nhung hươu trong các lu chứa trong thời gian 6 tháng mới tạo ra sản phẩm tốt đưa đến tay người tiêu dùng.
Cùng với rượu nhung hươu, các sản phẩm từ doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể. Nhung hươu giúp đầy tinh huyết, nhuận phế kim, mạnh nguyên dương, tốt cho người có thể trạng yếu, cứng gân, người hư lao, phụ nữ băng huyết, rong huyết. Ngoài ra còn bổ thận, tráng dương, tốt cho nam giới nên có rất nhiều người săn lùng để mua.
Trong 30 năm làm nghề về sản xuất các sản phẩm từ hươu sao, gia đình bà Chu Thị Hồng Hà đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, gia đình bà vẫn cố duy trì, phát triển nghề truyền thống của gia đình, chưa lúc nào có định bỏ nghề.
Khi được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022, bà Chu Thị Hồng Hà, cảm xúc: "Tôi không nghĩ mình tiêu biểu, hay xuất sắc mà đó là sự cố gắng của vợ chồng tôi. Cố gắng để tạo ra sản phẩm truyền thống địa phương làm sao để tốt nhất.
Làm nghề hơn 30 năm, tôi mong muốn đưa những sản phẩm chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng, đó là cách để tri ân khách hàng, đồng hành với chúng tôi trong nhiều năm qua. Có được sự ghi nhận của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng là động lực để doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, đưa sản phẩm nhung hươu Hương Sơn đi xa hơn".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, cho biết: "Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà có nhiều sản phẩm OCOP 3 sao trên địa bàn huyện Hương Sơn. Bà Chu Thị Hồng Hà đã liên kết với các hộ dân nuôi hươu sao trên địa bàn huyện như: Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Trung và một số hộ dân thuộc các xã khác nhằm bao tiêu đầu sản phẩm, giúp đời sống kinh tế bà con ngày càng khấm khá.
Bà Chu Thị Hồng Hà là người phụ nữ dám nghĩ dám làm, tích cực trong kinh doanh, đơn vị đi đầu trong việc thi sản phẩm OCOP, chuyển đổi số giúp giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con chăn nuôi. Chính quyền huyện Hương Sơn cũng đã có các chính sách liên quan cùng đồng hành để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển".
"Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà là đơn vị lâu năm trong sản xuất các sản phẩm từ nhung hươu, doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng và sử dụng. Với Hương Sơn có nhiều sản phẩm tốt, trong đó nhung hươu là sản phẩm chủ lực, có tiềm năng lợi thế phát triển tốt của huyện. Huyện Hương Sơn mong muốn giữa chủ cơ sở và các hộ dân chăn nuôi có những mối quan hệ gắn kết, gần gũi, liên kết chặt chẽ nhằm giúp 2 bên cùng phát triển" - ông Nguyễn Kiều Hưng-Phó Chủ tịch huyện Hương Sơn, (tỉnh Hà Tĩnh) nói.