Lễ hội bắt cá Vực Rào tồn tại trên 300 năm ở Hà Tĩnh bắt nguồn từ đâu?
Lễ hội bắt cá Vực Rào tồn tại trên 300 năm ở Hà Tĩnh bắt nguồn từ đâu?
Tập Thỏa
Thứ hai, ngày 18/07/2022 06:30 AM (GMT+7)
Xuất hiện từ đầu thế kỷ XVIII, Lễ hội bắt cá Vực Rào (gọi khác là Lễ hội Xả Vực Xuân Viên) ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đến nay vẫn giữ được bản sắc riêng, thu hút đông đảo người dân xã nhà cùng khách thập phương tham gia.
Clip: Lễ hội bắt cá Vực Rào (gọi khác là Lễ hội Xả Vực Xuân Viên) ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Lễ hội bắt cá Vực Rào đậm màu sắc dân gian
Theo truyền thuyết, Vực Rào (Vực Xuân Viên) trước đây là Vực Thuồng Luồng và Rào Nhà Nghẹ, một trong những cảnh quan đẹp của Núi Hồng Lĩnh (một kỳ quan nổi tiếng của đất nước).
Vực Rào là một lạch nước sâu, rộng chạy dài theo chân núi Vực có diện tích tự nhiên khoảng 30ha, dài khoảng 1km, nơi trú ngụ của các loài cá nước ngọt. Tại đây, dòng nước mát, trong lành, có nhiều hang, đầm, đìa… thích hợp để các loài cá nước ngọt trú ngụ, sinh sôi và phát triển. Ngoài các loại cá như: cá chép, cá lóc, cá leo, cá trê, cá ngạo… còn có các loại tôm, tép, cua ốc nhiều vô kể.
Dãy núi Vực có hệ sinh thái phát triển, cây cối rậm rạp nên vào mùa mưa bão các loài chim như: cói, cò, vạc, diệc… bay về trú ngụ, sinh nở. Hình ảnh chim trời, cá nước tạo nên một cảnh đẹp như chốn bồng lai tại khu vực núi Hồng, sông Lam.
Cũng tại đây, từ năm 1974 đến nay, các nhóm nhà khảo cổ học đã tổ chức thực hiện khảo sát, khai quật tại Phôi Phối - Bãi Cọi phát hiện nhiều hiện vật đá, gốm, đồng, cụm mộ táng, mộ chum, đồ tùy táng...
Theo đánh giá, Phôi Phối - Bãi Cọi là di tích bảo lưu các giá trị văn hóa từ hậu kỳ đá mới, văn hóa đồ đồng đến văn hóa Lý, Trần, Lê. Đặc biệt, địa bàn giao thoa, hội tụ của nền văn hóa Đông Sơn (khu vực phía Bắc), văn hóa Sa Huỳnh (khu vực Nam Trung bộ), một di tích khảo cổ học hiếm có trong hệ thống di tích khảo cổ học Việt Nam.
Để bảo vệ nguồn thủy sản phong phú ở Vực Rào, đầu thế kỷ XVIII thời vua Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng có hào trưởng là ông Đậu Danh Kiêm đã đỗ tam trường nhưng ông không làm quan mà về làm Hào trưởng xây dựng quê hương.
Hào trưởng Đậu Danh Kiêm là người đề xướng tổ chức hội bắt cá Vực Rào. Ông đã thảo hương ước quản lý làng xã với 5 điều khuyên và 10 điều cấm kỵ. Trong đó, điều thứ 10 cấm kỵ có ghi rõ là cấm bắt trộm cá Vực Rào.
Hàng năm, xã tổ chức xả Vực Rào một lần để bà con thoải mái đánh, bắt cá vào tháng 5 (Âm lịch) khi kết thúc mùa gặt. Người dân sẽ dùng những hạt gạo thơm kết hợp với những con cá tươi ngon nhất vừa đánh được ở Vực Rào để làm lễ cúng cơm mới.
Thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng cư dân làng xã
Lễ cúng cơm mới là phong tục lâu đời của người dân xã Xuân Viên với ý nghĩa cảm ơn tổ tiên, thần phật đã giúp họ được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ông Lê Trung Viền (trú tại khối 11, TT Xuân An, huyện Nghi Xuân), cho biết: "Từ lúc tôi sinh ra đã có lễ hội đánh cá Vực Rào, đây không chỉ là 1 buổi đánh bắt cá thông thường mà nó là 1 lễ hội của người dân địa phương. Ngày tổ chức lễ hội không cụ thể, diễn ra sau mùa gặt vụ đông xuân, khoảng tháng 5 (Âm lịch) hàng năm.
Người dân xem lễ hội bắt cá Vực Rào là nét đặc trưng văn hóa riêng của địa phương nên ai cũng giữ gìn, bảo vệ, không đánh bắt cá trộm. Thời trước, mỗi năm hộ gia đình sẽ góp 3 cây tre to cắm dưới Vực Rào vừa để cá trú ngụ, vừa bảo vệ cá khỏi những người nơi khác đến đánh bắt trộm".
"Trước 1 đêm diễn ra lễ hội, các trai tráng trong làng sẽ đi nhổ những cái tre kia lên, đồng thời cứ mỗi thôn có 1 anh mõ đi truyền tin để bà con được biết. Lúc đó, cá nhiều mỗi buổi đi người bắt được nhiều 20-30kg cá, ai ít cũng được 5kg. Không cần ai bảo ai, kết thúc lễ hội, các trai tráng trong làng lại đóng những cái tre ấy xuống" - Ông Viền bật mí.
Theo các cụ cao niên trong làng, thời xưa việc tổ chức lễ hội được tiến hành trang nghiêm. Một vị bô lão được người dân lựa chọn dựng đàn dâng lễ vật kinh cúng các vị thần linh, các bậc tiền sử, cầu cho "Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân an lành, no ấm, hạnh phúc".
Sau lễ cúng, một vị bô lão đánh ba hồi trống và phát lệnh khai hội bằng một tiếng hú cùng với tiếng tù và nổi lên. Người dân sẽ xếp thành từng hàng ngang, cùng nhau reo hò vui vẻ bắt cá và đọc rằng: "Đàn ông nơm đi trước, đàn bà rớ vó đi sau rồi đến chao, nhủi".
Tay cầm nơm, ông Lê Trung Viền chia sẻ: "LTheo quan niệm của người dân địa phương, đi bắt cá ngày giúp người dân có thêm may mắn, nếu ai bắt được con cá to, năm đó rất thuận lợi. Cá bắt về chúng tôi chia cho người thân, hàng xóm để làm cơm cúng ông bà tổ tiên chứ không bán".
Hiện nay, do có phương tiện truyền thông hiện đại, lễ hội đánh cá Vực Rào ở Xuân Viên được nhiều người biết đến và tham gia. Hội đánh cá ngày nay đã trở thành ngày hội lớn không chỉ ở Xuân Viên mà còn là ngày hội của toàn huyện, khách thập phương với hàng ngàn người tham gia.
Từ đó đến nay lễ hội đánh cá Vực Rào đã tồn tại trên 300 năm, một ngày hội mang đầy nét đặc trưng của văn hoá của địa phương nơi đây. Lễ hội ý nghĩa này đã khắc sâu trong tim bao thế hệ người dân Xuân Viên nên dù đi đâu người Xuân Viên cũng luôn nghĩ về nơi chôn rau cắt rốn của mình, không quên được ngày hội dân dã mang sắc thái độc đáo của quê nhà.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đậu Đình Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Truyền thông huyện Nghi Xuân, cho biết: "Lễ hội bắt cá Vực Rào được xem là nét đẹp văn hoá của huyện Nghi Xuân, cả nước chỉ có 3 nơi hoạt động như vậy. Chính quyền địa phương nghiêm cấm hoạt động đánh bắt cá ở đây để phục vụ cho ngày lễ hội vào tháng 5 (Âm lịch) hàng năm. Đây là lễ hội mang đậm nét đặc trưng văn hoá lúa nước, sau khi bắt cá về người dân sẽ cúng thần linh cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu".
"Để bảo tồn lễ hội độc đáo này, những năm gần đây chính quyền địa phương đã thả thêm cá giống để vừa cải thiện môi trường nước và phục vụ lễ hội" - ông Đậu Đình Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Truyền thông huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.