CLIP: Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nói về giải pháp chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Nói về việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong thời gian qua, ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chúng ta không kiềm chế được giá đầu ra vì giá đầu ra do quy luật cung cầu chi phối, tất nhiên có vai trò chỉ đạo của Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế khiến Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vì năng suất trồng ngô, đậu tương của chúng ta thấp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận kém hấp dẫn so với các cây trồng khác.
"Ví dụ năng suất ngô của chúng ta chỉ 4,8 tấn/ha nhưng của các nước sử dụng nguồn chuyển gen, năng suất của họ tới 9 tấn/ha. Đậu tương của Mỹ 1 cây có tới 132 quả nhưng của ta chỉ được chưa đến 70 qua, như vậy năng suất nguyên liệu chăn nuôi chúng ta còn rất thấp, cho nên việc phải nhập khẩu giá thấp hơn là một yêu cầu" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NNPTNT và các ngành chức năng nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để chủ động một phần.
"Chúng ta phải lưu ý điều này để có nền chăn nuôi tự chủ, chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng cây phục vụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, vừa qua, Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn De Heus phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi xây dựng các hợp tác xã trồng sắn và ngô tại các tỉnh Tây Nguyên để đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
"Chúng ta sẽ tập trung vào trồng ngô sinh khối, tập trung chế biến 1,5 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp để chuyển làm thức ăn cho đại gia súc, từ đó tiết kiệm được ngoại tệ nhập khẩu thức ăn" Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đối với việc trồng ngô biến đổi gen, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, Bộ NNPTNT đã có thông tư về cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học, chiếu theo thông tư này thì hoàn toàn được phép canh tác.
"Tôi nhớ nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ thống nhất các hồ sơ về cây trồng biến đổi gen sẽ tiếp tục được giải quyết chứ không phải không sử dụng vì thực tế chúng ta cũng đang nhập sản phẩm ngô, đậu tương biến đổi gen" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), trong tháng 7, giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không có biến động, ngoại trừ mặt hàng ngô hạt sấy tại thị trường tỉnh Bình Phước.
Cụ thể, mặt hàng cám gạo và ngô hạt sấy tại Hà Nội cùng giữ ở mức 9.000 đồng/kg; ngô bột 9.700 đồng/kg và đậu tương hạt 18.500 đồng/kg.
Tại Bình Phước, ngô hạt sấy giảm 300 đồng/kg xuống còn 10.200 đồng/kg; ngô bột duy trì mức 10.400 đồng/kg; mặt hàng cám gạo vẫn giữ ở mức 8.000 đồng/kg.
Tại thị trường trong nước, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên việc giá nguyên liệu sản lượng thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng khiến giá nguyên liệu sản lượng thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021.
Bắt đầu từ cuối tháng 5/2022, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu theo xu hướng giảm nhẹ; hiện nay, giá một số nguyên liệu chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể: giá ngô hạt 8.600 đồng/kg (giảm 5,5%); khô dầu đậu tương 14.050 đồng/kg (giảm 0,4%); bã rượu khô (DDGS) 10.500 đồng/kg (tương đương); cám gạo chiết ly 5.550 đồng/kg (giảm 0,3%).
Dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính có thể giảm nhưng không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, điều này cũng ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mì làm thức ăn chăn nuôi.
Theo Bộ NNPTNT, khối lượng đậu tương nhập khẩu tháng 7/2022 ước đạt 250.000 tấn với giá trị đạt 189,4 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 7 tháng đầu năm 2022 đạt 1,3 triệu tấn và 893,6 triệu USD, tương đương về khối lượng và tăng 22,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Brazil, Mỹ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 với 99,2% thị phần.
Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu tháng 7/2022 đạt 500.000 tấn với giá trị đạt 191,7 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 7 tháng đầu năm 2022 đạt 5,1 triệu tấn và 1,8 tỷ USD, giảm 21,9% về khối lượng và tương đương về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.