Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, nông dân xã này của Bà Rịa làm cách nào để trụ lại giữ nghề?

Nguyễn Văn Minh (Hội ND xã Long Phước) Thứ năm, ngày 16/06/2022 19:00 PM (GMT+7)
Trước áp lực giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều nông dân xã Long Phước, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hạn chế dùng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi. Thay vào đó, nông dân tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp và tự chế biến thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào.
Bình luận 0

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, nông dân sử dụng phụ phẩm làm thức ăn

Ông Lê Văn Thành là nông dân có nhiều năm chăn nuôi lợn. Gia đình ông xây dựng 5 dãy chuồng và lúc nào cũng duy trì khoảng 50 con lợn. Trước đây, khi giá thức ăn công nghiệp còn thấp, mỗi con lợn khi xuất chuồng ông Thành có lợi nhuận từ 400.000 – 600.000 đồng. 

Thế nhưng, từ quý III/2021 đến nay giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, cộng với giá lợn hơi giảm chỉ còn 52.000 -57.000 đồng/kg như hiện nay thì mỗi con lợn xuất chuồng ông Thành bị lỗ từ 300.000 đồng trở lên.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng vùn vụt, nông dân Long Phước làm cách này để vượt "bão giá" - Ảnh 1.

Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng, ông Thành đã chuyển sang nuôi lợn rừng lai thả rông và tận dụng bã hèm rượu, cám gạo, cây chuối sau thu hoạch, mít, đu đủ trồng sẵn trong vườn nhà làm thức ăn để giảm chi phí.. Ảnh: Văn Minh

Theo ông Thành, anh Hiền và một số hộ nông dân chăn nuôi ở xã Long Phước cho biết, sử dụng phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi có giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, hình thức này không thể chăn nuôi với số lượng lớn.

Ông Thành cho biết: Trước khó khăn nêu trên, ông đã chuyển sang nuôi lợn rừng lai thả rông và tận dụng bã hèm rượu, cám gạo, cây chuối sau thu hoạch, mít, đu đủ trồng sẵn trong vườn nhà làm thức ăn để giảm chi phí. Hiện tại, gia đình ông đang nuôi 4 con heo rừng lai sinh sản và 30 con lợn rừng lai thương phẩm.

Do không phải tốn chi phí mua lợn con, tận dụng phụ phẩm làm thức ăn nên sau 10 tháng nuôi ông Thành xuất bán 30 lợn rừng lai với trọng lượng trung bình 50kg/con. Với giá bán lợn rừng hơi 110.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông có lãi khoảng 120 triệu đồng.

Ông Thành nói thêm: Tuy sử dụng phụ phẩm làm thức ăn có giảm chi phí nhưng không phải lúc nào cũng sẵn có. Nhiều khi, ông phải đi đến chợ để thu lượm các loại rau, củ hỏng do tiểu thương bỏ lại để cho lợn ăn và cũng phải cho ăn thêm thức ăn công nghiệp.

Giúp nông dân vượt “bão giá”: Cần giải pháp căn cơ, bền vững - Ảnh 3.

Anh Lê Minh Hiền nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho vịt. Ảnh: Văn Minh

Anh Lê Minh Hiền là nông dân chuyên nuôi vịt siêu thịt bằng thức ăn công nghiệp. Cũng như ông Thành, do giá thức ăn chăn nuôi tăng nên việc nuôi vịt theo mô hình cũ không có lãi, thậm chí còn bị lỗ.

Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nông dân xã, anh Hiền đã tìm tòi học tập mô hình nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho vịt và đã giảm được rất nhiều chi phí. Anh Hiền cho biết: "Trứng ruồi lính đen ấp 3 ngày nở ra ấu trùng. Sau 25 ngày ấu trùng thành nhộng và 7 ngày sau sẽ thành ruồi đẻ trứng. Anh Hiền thu lấy trứng ruồi từ chuồng nuôi đem bỏ vào ô nuôi cho trứng nở thành ấu trùng. Ấu trùng ruồi lính đen ở giai đoạn hóa nhộng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như 40% protein, 10% chất béo, 50% đạm rất thích hợp làm thức ăn cho các loại vật nuôi như vịt, gà, cá.

Hiện tại, anh Hiền không nuôi vịt siêu thịt nữa mà chuyển sang nuôi 1.000 con vịt Hòa Lan thương phẩm, 300 con gà ta thả vườn, 120m2 ao nuôi cá các loại. Nhờ sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn nên vật nuôi của anh Hiền kháng được với nhiều loại bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, chi phí cho thức ăn giảm 50% nên mỗi tháng anh Hiền thu lợi nhuận từ chăn nuôi hơn 15 triệu đồng.

Cần có giải pháp căn cơ, bền vững hơn

Theo ông Thành, anh Hiền và một số hộ nông dân chăn nuôi cho biết, sử dụng phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi có giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, hình thức này không thể chăn nuôi với số lượng lớn được do nguồn phụ phẩm có giới hạn không thể tìm được số lượng nhiều đủ cho vật nuôi ăn. Hơn nữa sử dụng phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi rất tốn công thu gom, chế biến. Chính vì vậy, về lâu dài nếu muốn phát triển nghề chăn nuôi thì phải có giải pháp tốt hơn nhằm giảm giá thức ăn công nghiệp.

Ông Thành nói thêm: Chi phí thức ăn chăn nuôi đang chiếm 65% giá thành sản phẩm thịt gà, thịt lợn. Từ tháng 9/2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30%, kèm theo giá cước vận tải tăng liên tục. Trong khi đó, giá lợn, giá gia cầm giảm đã gây áp lực lớn cho nông dân đang sinh sống bằng nghề chăn nuôi.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng thức ăn chăn nuôi tăng cao, ông Thành cho rằng, do ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới tăng cao do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng; tình hình dịch Covid -19; chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng cao.

Để giải quyết tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao Hội Nông dân xã và hội viên nông dân xã Long Phước cho rằng cần tìm giải pháp để chủ động nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, xây dựng mô hình liên kết, đầu tư công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để thu gom, sơ chế, bảo quản phục vụ việc sản xuất, chế biến. Giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Đẩy mạnh diện tích trồng ngô, đậu tương công nghệ sinh học để giảm phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài.

Các hộ chăn nuôi cần liên kết thành hợp tác xã để mua thức ăn chăn nuôi trực tiếp, với số lượng lớn từ các nhà máy sản xuất, như vậy sẽ giảm được chi phí qua các khâu trung gian. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem