Clip: Ngôi miếu cổ kỳ lạ nằm gọn trong lòng "cụ cây" khổng lồ
Nhiều năm qua, người dân thôn Bồng Sơn xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hoá) vẫn thường truyền tai nhau những câu chuyện kỳ lạ về ngôi miếu cổ linh thiêng và cây sanh cổ thụ trăm năm tuổi như là một biểu tượng của làng. Bà con trong thôn thường đến tâm nhang, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn thuận lợi.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Trần Vũ Luận (SN 1968, trú tại thôn Bồng Sơn, xã Tượng Sơn) đã trông coi miếu gần 20 năm nay cho biết, ngôi miếu này thờ vị thần Cao Sơn. Chính vì vậy, dân làng cũng quen gọi đây là miếu Cao Sơn.
Ông Luận cho biết thêm, không ai trong làng biết chính xác ngôi miếu cổ Cao Sơn có từ niên đại nào nhưng theo một số tài liệu được dịch lại, người ta cho rằng ngôi miếu có tuổi đời trên 300 năm. Trải qua hàng trăm năm, ngôi miếu này vẫn luôn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với sự bao bọc bởi một cây sanh cổ thụ.
Theo quan sát của phóng viên, ngôi miếu Cao Sơn nằm tựa mình bên triền núi, phía trước là giếng ngọc, ao sen cùng cánh đồng lúa xanh ngát.
Điều đặc biệt, từ phía trên nóc ngôi miếu mọc lên một cây sanh cổ thụ cao khoảng 20m, tán cây tỏa rộng bao trùm toàn bộ khuôn viên hơn 100 m2.
Phía dưới, hàng trăm chiếc rễ lớn nhỏ của cây đã bám chặt từ nóc xuống chân tạo một hàng rào chắc chắn xung quanh ngôi miếu, chỉ chừa lại phần cửa chính và 2 cửa sổ.
Bên trong ngôi miếu có nhiều câu đối bằng chữ Hán được viết nên từ khi lập miếu đến nay dân làng chưa ai có thể dịch đúng nghĩa.
Ông Luận cũng cho biết, ông từng nghe các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, trước đây ngôi miếu Cao Sơn được xây dựng xong thì bị bỏ hoang một thời gian dài không có người trông coi. Sau đó, không biết từ đâu có cây sanh mọc lên từ trên mái rồi nhanh chóng "ôm trọn" lấy toàn bộ ngôi miếu như để bảo tồn ngôi miếu khỏi sự tàn phá của thời gian.
Theo ông Luận, ngôi miếu rất linh thiêng, được dân làng hết sức bảo vệ với một lòng thành kính. Bản thân ông Luận cũng đã được chiêm nghiệm sự linh thiêng của ngôi miếu.
"Khoảng 20 năm về trước, tôi đào một cái cây trong khuôn viên miếu đem về nhà để trồng cảnh. Kỳ lạ là chỉ khoảng vài ba ngày sau đó bỗng nhiên tôi phát bệnh, chạy chữa kiểu gì cũng không khỏi. Nghe một số người bảo, tôi làm lễ tạ tội và trả lại cái cây về miếu thì bệnh cũng tự nhiên khỏi. Sau khi khỏi bệnh, tôi đã quyết định ở lại trông coi, quét dọn cũng như chăm lo việc nhang khói ở miếu.
Có thời điểm người từ nơi khác đến khu vực này để đào bới, phá hết các cây cổ thụ ở đây, duy chỉ có cây sanh cổ thụ mọc trên ngôi miếu này là không ai dám đụng tới. Cứ thế, cây ngày một phát triển đến bây giờ tỏa bóng mát xum xuê".
Ngôi miếu đã chứng kiến bao thăng trầm của thôn Bồng Sơn qua hàng thế kỷ. Nhiều người dân ở đây cho rằng, miếu Cao Sơn không chỉ là nơi gửi gắm tín ngưỡng mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa lịch sử của làng trong suốt tháng năm phát triển và hiện đại hoá.
Việc gìn giữ, bảo vệ miếu cũng chính là thể hiện ý thức giữ gìn luật lệ, lề lối gia phong và đảm bảo tinh thần đoàn kết của cộng đồng người dân nơi đây.