Cả làng coi phiến đá như một linh vật, xây miếu lập bàn thờ
Chuyện lạ ở Hà Nội: Cả làng xem phiến đá như một linh vật, xây miếu lập bàn thờ
Nhật Minh
Thứ sáu, ngày 05/08/2022 07:38 AM (GMT+7)
Phiến đá Trại Cả ở thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội được người dân gọi là “đá thần”. Tại đây, rộ lên nhiều câu chuyện hư thực xoay quanh phiến đá này suốt bao năm qua nhưng chưa có lời giải.
Ở làng Tiến Tiên (xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), người dân mỗi khi nhắc đến phiến đá Trại Cả đều chung một thái độ cung kính, tôn thờ như một linh vật của làng.
Trước đây phiến đá Trại Cả nằm ngay đầu làng Tiến Tiên, được đặt ngay ngắn ở đầu con đường liên thôn, dưới tán cây lộc vừng cổ thụ xanh mát. Phiến đá có chiều dài chừng mét rưỡi, rộng gần một mét và dày khoảng 40cm. Mấy năm về trước, các cụ cao niên trong làng đã đề bạt xây miếu và di chuyển phiến đá vào bên trong miếu để thờ tự.
Phiến đá có ở nơi này từ bao giờ thì không ai biết rõ. Ngay cả những cụ cao niên nhất trong làng cũng chẳng thể xác định được.
Tuy không biết phiến đá Trại Cả có từ bao giờ nhưng những câu chuyện truyền thuyết về nguồn gốc của phiến đá thì người dân thôn Tiến Tiên thuộc như lòng bàn tay, họ vẫn gọi đây là hòn đá của thần Sơn Tinh.
Tương truyền rằng, khi Sơn Tinh lấy được công chúa Mỵ Nương, Thủy Tinh ghen tức nên thường xuyên hô phong hoán vũ, dâng nước đánh Sơn Tinh, Sơn Tinh lại làm phép dâng núi cao cản nước, bảo vệ dân làng.
Và trong những trận giao tranh như thế, Sơn Tinh đã dùng đá ném xuống ngăn dòng nước. Và hòn đá Trại Cả chính là dấu tích còn lại của những trận giao tranh ấy.
Trên hòn đá vẫn còn những vết lõm mà theo những người dân thôn Tiến Tiên đó là vết bàn tay Sơn Tinh nắm vào hòn đá để lại, 4 vết phía trên một vết phía dưới.
Tuy vậy vẫn có một số người cho rằng truyền thuyết nguồn gốc phiến đá chỉ là những lời truyền miệng trong nhân dân, còn những dấu vết mà người ta cho rằng đó là vết bàn tay Sơn Tinh, theo quan sát đó chỉ là những vết khuyết của những phiến đá bình thường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.