Những ngôi đình cổ trăm tuổi ở huyện Hà Trung của tỉnh Thanh Hóa đang xuống cấp trầm trọng
Ngắm những ngôi đình cổ trăm tuổi ở huyện Hà Trung của tỉnh Thanh Hóa mà xót xa, tiếc nuối
Hữu Dụng - Hoài Thu
Thứ bảy, ngày 30/07/2022 07:00 AM (GMT+7)
Nhiều ngôi đình cổ có tuổi đời hàng trăm năm trên địa bàn huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) đang đứng trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ trở thành phế tích nếu không sớm được trùng tu, sửa chữa.
Clip: Nhiều đình cổ hàng trăm năm tuổi tại Thanh Hóa xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ sập
Đình cổ "kêu cứu"
Huyện Hà Trung là địa phương còn giữ được số lượng các đình làng cổ nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa. Hiện Hà Trung với tổng số 27 đình, các đình làng đều được xây dựng cách đây hàng trăm năm và đã được xếp hạng, công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện nhiều ngôi đình làng của Hà Trung đang đứng trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Có mặt tại đình Quan Chiêm – ngôi đình cổ 200 năm tuổi ở làng Quan Chiêm (còn gọi là Kẻ Đản), xã Hà Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa chúng tôi không khỏi xót xa khi ngôi đình cổ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011, hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo Dư địa chí của huyện Hà Trung, đình Quan Chiêm được khởi công xây dựng vào ngày 27 tháng 9 năm Bính Dần, thời vua Gia Long thứ 6 (1806) và hoàn thành 1 năm sau đó. Đình thờ thành hoàng Tống Quốc Sư (còn có tên gọi khác là Tống Lưu Công).
Người dân địa phương cho biết, ngôi đình có ý nghĩa rất lớn với đời sống của nhân dân trong làng. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhiều thế hệ, trở thành biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào của dân làng Quan Chiêm.
Hội đình Quan Chiêm là một hội lớn trong vùng, vì thế từ lâu đình Quan Chiêm được xem là đình Cả trong hệ thống "Đình huyện Tống" của xứ Thanh, bởi quy mô cấu trúc to lớn và bề thế của ngôi đình.
Tuy nhiên, trải qua thời gian dài cũng như sự tàn phá của thiên nhiên khiến ngôi đình đang nằm trong tình trạng hư hỏng nặng.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân Việt, các hạng mục của nhà đại đình đã xập xệ, nhiều cấu kiện gỗ bị mối mục gãy, nứt vỡ; hệ thống hoành rui mè, mái ngói đã qua nhiều lần đôn đảo, hiện đã bị sụt lún, làm dột nước mưa vào trong đình.
Ông Mai Mùi (thôn Quan Chiêm, xã Hà Giang, huyện Hà Trung) là người trông coi đình cho biết, đình Quan Chiêm có quy mô gần 500m2, kiến trúc 5 gian, 2 chái với gần 40 cây cột gỗ. Hầu hết các cột gỗ đều là gỗ lim, trắc nên việc tu bổ, tôn tạo đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn.
"Người dân chúng tôi đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên để cấp kinh phí tu bổ chứ để lâu ngôi đình có thể bị đổ sập. Đình là nơi sinh hoạt cộng đồng, mọi công việc lớn nhỏ của làng đều diễn ra ở đây. Việc để ngôi đình xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng tới tâm lý, đe dọa sự an toàn của mọi người", ông Mùi lo lắng nói.
Cần sớm được khắc phục
Rời đình Quan Chiêm, chúng tôi tới thăm đình Thượng Phú, ở xã Hà Đông, huyện Hà Trung cũng đang gặp phải tình trạng xuống cấp tương tự.
Theo người dân địa phương, đình Thượng Phú được xây dựng cách đây khoảng 600 năm, từ thời nhà Hồ trên vùng đất Đại Lại (Ly Cung nhà Hồ) xưa, do những nghệ nhân người Chăm xây dựng. Đây được xem là một trong số ít di tích đình làng mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm còn lưu giữ được đến ngày nay.
Về cơ bản, ngôi đình vẫn giữ được những nét kiến trúc ban đầu, tuy nhiên, nhiều hạng mục kiến trúc trong đình đã bị hư hỏng nghiêm trọng, hệ thống cột kèo bị mối mục, không còn khả năng liên kết, chịu lực. Tổng thể ngôi đình bị nghiêng về phía trước.
Phần mái ngói bị xô dạt, gãy vỡ gây thấm dột xuống các cấu kiện phía dưới. Tường bị nứt vỡ, nhiều mộng kèo, xà, chếnh bị gãy đứt, hai khóa giang ở phía Đông, phía Tây bị đứt mộng và một số đòn tay của hậu cung bị mối, mọt nên làm ảnh hưởng đến một số hạng mục khác của di tích… Để khắc phục tình trạng trên, địa phương đang sử dụng vật liệu gỗ, luồng chằng néo, gia cố tạm thời để di tích khỏi bị sập đổ.
Không chỉ đình Quan Chiêm hay đình Thượng Phú, một số ngôi đình cổ khác của huyện Hà Trung như: đình Đô Mỹ (xã Hà Tân), Đình Thạch Lễ (xã Hà Châu) … cũng đang từng ngày xuống cấp, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào nếu không được khẩn trương tu bổ, tôn tạo.
Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung, hiện huyện Hà Trung đang phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng, mức độ xuống cấp, hư hỏng của tất cả các đình cổ trên địa bàn. Phòng Văn hóa – Thông tin lập danh sách, có báo cáo cụ thể từng ngôi đình, trình UBND huyện và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin hỗ trợ về kinh phí, các phương án sửa chữa, tôn tạo.
Bà Phan Thị Lan - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hà Trung cho biết: Trước mắt, chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện Hà Trung hướng dẫn UBND các xã, thị trấn có di tích đang xuống cấp có các biện pháp chống đỡ để đảm bảo an toàn cho di tích trong mùa mưa bão.
Một số hình ảnh tại đình Thượng Phú, ở xã Hà Đông, huyện Hà Trung:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.