Cây đa "ôm trọn" miếu cây Vông ở Hà Nội

Phương Linh- Nguyễn Tùng Thứ năm, ngày 14/07/2022 09:55 AM (GMT+7)
Nhiều người dân đi qua ngã tư nối giữa Nguyễn Ngọc Vũ và Lê Văn Lương (Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ trước hình ảnh cây đa "ôm trọn" miếu cây Vông, tán cây vươn ra đường tỏa bóng mát.
Bình luận 0

Clip cây đa cổ ôm trọn miếu cây Vông Hà Nội. Clip: Phương Linh - Nguyễn Tùng

Ngôi miếu cổ giữa lòng Hà Nội

Miếu cây Vông được xây dựng từ hơn trăm năm trước. Tên gọi của miếu xuất phát từ cây Vông rất to mọc bên cạnh ngày trước, tuy nhiên trong quá trình tu sửa cây này đã bị chặt bỏ để đảm bảo diện tích xây dựng cũng như thuận tiện trong việc làm đường.

Miếu thờ Thành hoàng, tương truyền trước đây một vị anh hùng có công với đất nước đã đến cắm quân tại làng. Chiến tranh qua đi, khi ngài mất, người dân đã dựng miếu thờ tôn ngài lên làm thần Thành hoàng, trở thành vị thần hộ mệnh bảo vệ cho dân làng.

Chuyện ly kỳ về cây đa trăm tuổi ở miếu Thành Hoàng Hà Nội - Ảnh 2.

Trước đây, cứ hễ đến mùng 7 tháng giêng hàng năm là dân làng lại tổ chức lễ hội hạ cây nêu ngay cạnh miếu, dân làng thi nhau mở hội giết trâu, giết bò để ăn mừng khiến không khí thêm phần đông vui, náo nhiệt. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.

Bà Đặng Thị Út (63 tuổi), người canh giữ miếu lâu năm chia sẻ, việc canh giữ miếu thờ là một trọng trách, cũng chính nhờ "cái duyên" này đã giúp bà và chồng được chọn là thế hệ canh miếu thứ ba tại đây. Bà Út cho hay, người dân khu vực lân cận thường tới đây để cúng viếng vào những dịp lễ, Tết rất đông. Số tiền công đức sẽ được sử dụng để tu bổ, cơi nới miếu thờ.

Chuyện ly kỳ về cây đa trăm tuổi ở miếu Thành Hoàng Hà Nội - Ảnh 3.

Bà Đặng Thị Út (63 tuổi), người canh giữ miếu lâu năm. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.

Gốc đa đặc biệt

Đặc biệt, bên trong miếu còn có một cây đa rất to, tuy chỉ mới 30 năm tuổi nhưng cây đã cao hơn 15 mét, vòng thân phải cần tới hai, ba người ôm mới xuể. Đặc biệt, tán cây rộng, vươn ra khỏi khuôn viên miếu để tỏa bóng mát khắp xung quanh.

Trước đây khi mới bắt đầu trồng cây đa này, bà Út và chồng đã đưa ba, bốn chiếc rễ ra phần diện tích đất bên ngoài nhưng cây đa phát triển nhanh chóng khiến phần đất ở sân bị nứt vỡ, gồ ghề khó đi lại. Mới đây, người dân đã phải thuê thợ chặt bớt phần rễ và cho lát lại gạch để đảm bảo cảnh quan khu miếu.

Chuyện ly kỳ về cây đa trăm tuổi ở miếu Thành Hoàng Hà Nội - Ảnh 4.

Chuyện ly kỳ về cây đa ở miếu Cây Vông đến nay vẫn được người dân xung quanh truyền tai nhau. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.

Người xưa thường có quan niệm "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề" để chỉ sự linh thiêng của những loài cây này, cây đa miếu cây Vông cũng nằm trong số đó.  

Dưới gốc cây đa hiện tại đặt hai, ba bát hương luôn tỏa khói nghi ngút. Vào những ngày rằm, đầu tháng người dân cũng thường ra đây thắp hương, cầu tài lộc.

"Ngoài ra, cây đa cũng là địa điểm cánh lái xe ôm thường xuyên lui tới nghỉ ngơi vào những trưa hè nắng nóng, oi bức", bà Nguyễn Thị Thảo, người dân ở gần khu vực cho biết.

Chuyện ly kỳ về cây đa trăm tuổi ở miếu Thành Hoàng Hà Nội - Ảnh 6.

Cành của cây đa vươn ra theo hình vòm vô cùng đẹp mắt, tỏa bóng mát khắp một góc con đường Nguyễn Ngọc Vũ. Ảnh: Phương Linh- Nguyễn Tùng.

Nhiều người dân ở gần khu vực cũng cho rằng, miếu cây Vông không chỉ là nơi gửi gắm tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa lịch sử của làng trong suốt tháng năm phát triển và hiện đại hoá. 

Việc gìn giữ, bảo vệ miếu cũng chính là thể hiện ý thức giữ gìn luật lệ, lề lối gia phong và đảm bảo tinh thần đoàn kết của cộng đồng người dân nơi đây.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem