Trong quá trình phát triển đô thị, sự xuất hiện tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho là một sự kiện đặc biệt, mang một dấu ấn quan trọng, tạo cho Mỹ Tho sự nổi trội hơn bất cứ một đô thị nào của miền Tây, kể cả Cần Thơ vào thời kỳ ấy.
Chúng ta đều biết, đô thị Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang xuất hiện từ năm 1679, đến nay đã 343 năm, là đô thị đầu tiên của vùng châu thổ sông Cửu Long.
Trong quá trình phát triển đô thị, sự xuất hiện tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho là một sự kiện đặc biệt, mang một dấu ấn quan trọng, tạo cho Mỹ Tho sự nổi trội hơn bất cứ một đô thị nào của miền Tây, kể cả Cần Thơ vào thời kỳ ấy.
Thực dân Pháp đánh chiếm Mỹ Tho năm 1861, từ đó nhiều công sở, kiến trúc mang phong cách châu Âu, đặc biệt là đô thị kiểu Pháp lần lượt ra đời. Năm 1881, nhà thầu Joret trúng thầu xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho với chiều dài 70 km.
Ga đầu tiên bên hông chợ An Đông (nay thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh) và ga cuối bên hông vườn hoa Lạc Hồng (nay là góc đường Trưng Trắc - đường 30-4, thuộc phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), có 15 ga, là tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương.
Ngày 20-7-1885, sau 4 năm xây dựng, huy động khoảng 11.000 lao động, trong đó có những sĩ quan công binh Pháp, còn lại là lao động người Việt, với tổng kinh phí 12 triệu franc, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho đã đi vào hoạt động. Vì thế, ngày 20-7 trở thành Ngày truyền thống của ngành Đường sắt Việt Nam.
Chuyến xe lửa đầu tiên, tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho.
Ban đầu, đầu máy chạy bằng hơi nước nên chạy chậm, lại phải qua 2 phà để vượt sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông. Mỗi lần qua phà phải tháo rời các toa để lên phà, trên phà có đường ray và các thiết bị để sau khi qua sông xe lửa được nối và chạy tiếp.
Đến tháng 5-1886, các cầu ở Bến Lức và Tân An xây xong, xe lửa mới chạy một mạch tới Mỹ Tho, nhưng cũng phải mất khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ.
Khoảng thập niên 1930, mới chạy bằng đầu diesel, còn gọi là autorail, nên thời gian đi từ Mỹ Tho lên Sài Gòn còn dưới 2 tiếng đồng hồ. Nhiều người ở Mỹ Tho làm việc tại Sài Gòn đi làm bằng xe lửa này. Bà con miền Tây kéo lên Sài Gòn đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Genève về Đông Dương cũng bằng xe lửa này.
Năm 1958, khi đường bộ đã có nhiều xe hơi, việc đi lại bằng xe hơi thuận tiện hơn, do không phải lên xuống các ga dọc đường nữa, nên chính quyền Ngô Đình Diệm cho ngưng hoạt động tuyến đường sắt này.
Thế là, sau 73 năm hoạt động, ga xe lửa Mỹ Tho đã để lại một dấu ấn đặc biệt ở đô thị Mỹ Tho. Thời ấy, ở miền Nam, ngoài Sài Gòn, thì đô thị lớn tiếp theo chính là đô thị Mỹ Tho - nơi có ga xe lửa đầu tiên của Đông Dương và thứ 2 của châu Á, sau tuyến đường sắt tại Pondichery - khu thương điếm của Pháp tại Ấn Độ dài 13 km.
Mỹ Tho từng là đô thị nổi tiếng ở Nam bộ bởi vị thế của nó trong hơn 3 thế kỷ qua, đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Dấu ấn lớn nhất của thời thực dân là tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, được cho là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương. Cho đến bây giờ, nhiều người ở Mỹ Tho còn nhớ như in hình ảnh của ga xe lửa Mỹ Tho với niềm tự hào về một đô thị nổi tiếng ở miền Tây - vựa lúa của Việt Nam.
Nói đến Mỹ Tho là nói đến đô thị có ga xe lửa đầu tiên của Đông Dương. Tiếc rằng, sau 47 năm đất nước được thống nhất, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhưng di tích văn hóa rất đặc biệt này chưa được phục dựng lại.
Mong sao tỉnh Tiền Giang có kế hoạch phục dựng một phần ga xe lửa Mỹ Tho để các thế hệ sau biết được đô thị Mỹ Tho từng có ga xe lửa đầu tiên của Đông Dương và nhiều kiến trúc cùng những sự kiện khác. Thiết nghĩ, phục dựng một phần ga xe lửa Mỹ Tho sẽ tạo thêm một điểm du lịch độc - lạ và hiếm có của Nam bộ.