Dân Việt

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ Thái Nguyên là Giám đốc HTX làm nên một thứ quà tặng Hội nghị APEC

Hà Thanh - Kiều Hải 13/08/2022 13:03 GMT+7
Chị Trần Thị Tuyết - Giám đốc HTX Tuyết Hương là người góp công lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm chè ở vùng Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Với việc xây dựng thương hiệu chè Tuyết Hương, chị Tuyết được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

Chị Trần Thị Tuyết - Giám đốc HTX Tuyết Hương, được bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 (Clip: Hà Thanh).

Xây dựng thương hiệu chè Tuyết Hương

Kế thừa nghề làm chè truyền thống từ gia đình chồng, chị Trần Thị Tuyết (xóm Na Long, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) xác định cần phải xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm chè nơi đây.

Năm 2012, HTX Tuyết Hương được thành lập, chị Tuyết được các thành viên trong hợp tác xã tín nhiệm và bầu làm Chủ nhiệm HTX. Kể từ đó đến nay, trọng trách đặt lên vai chị càng trở nên nặng nề hơn.

Năm 2019, chị Tuyết đã đề xuất với Hội đồng quản trị HTX đầu tư nhà xưởng, máy móc trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất của HTX. Nhờ đó mà năng suất lao động đã ngày càng được nâng cao, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh mà HTX đã đề ra.

Đến nay, HTX đã có hơn 1.000m2 nhà xưởng và khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm khang trang, sạch đẹp.

Nhận thức được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe, chị Tuyết đã tiếp cận với một số dự án rồi vận dụng và khuyến khích các thành viên áp dụng sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện, HTX có tổng diện tích 25ha diện tích đất trồng chè, trong đó có 15ha chè đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 10ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm chè, chị còn chủ động xây dựng kế hoạch, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đó là làm vỏ hộp chè bằng mây tre vừa thân thiện với môi trường vừa gần gũi mà lại rất sang trọng.

Đến nay, sản phẩm chè Tuyết Hương ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, được nhiều khách hàng tin tưởng, yêu mến. Năm 2017, sản phẩm chè của HTX đã vinh dự là một trong 2 sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên được Văn phòng Chính phủ lựa chọn làm quà tặng tại Hội nghị APEC.

Người phụ nữ xây dựng thương hiệu nức tiếng cho sản phẩm trà Thái Nguyên - Ảnh 2.

Chị Tuyết giới thiệu bao bì sản phẩm chè được làm từ mây tre. (Ảnh: Hà Thanh)

Song song với đó, chị Tuyết còn luôn quan tâm đến hoạt động kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, HTX Tuyết Hương đã biết áp dụng công nghệ tiên tiến vào việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thông qua việc xây dựng website của HTX, quản lý hoạt động của HTX qua hệ thống công nghệ thông tin; tích cực tham gia các hội chợ, các kỳ Festival Trà do tỉnh Thái Nguyên, Hiệp hội chè tổ chức.

HTX cũng tham gia các hội thi về sản phẩm chè, thi Búp chè vàng do tỉnh Thái Nguyên tổ chức và đã giành được nhiều giải cao như: Cúp bạc giải Búp chè vàng tại Festival trà lần thứ hai tại Thái Nguyên năm 2013, Cúp vàng giải Búp chè vàng tại Festival trà lần thứ ba năm 2015 tại Thái Nguyên.

Để có được những kết quả đó là cả một hành trình dài nỗ lực.

Người phụ nữ xây dựng thương hiệu nức tiếng cho sản phẩm trà Thái Nguyên - Ảnh 3.

Hiện HTX Tuyết Hương có tất cả 8 dòng sản phẩm trà (Ảnh: Hà Thanh)

Chị Tuyết cho biết, ngay sau khi thành lập HTX, chị luôn quan tâm đến việc nâng cao kiến thức cho các thành viên HTX, chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng, Phòng NNPTNT huyện Đồng Hỷ tạo điều kiện cho các thành viên HTX đi tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, chế biến chè, tập huấn về sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, hướng dẫn cho các thành viên cách chăm sóc, chế biến chè theo đúng quy trình VietGAP. Cùng với việc chăm sóc cây chè, các khóa học về kỹ thuật sao sấy, chế biến chè cũng được HTX tổ chức hằng năm để nâng cao kỹ năng tay nghề cho các thành viên.

Nhờ đó các sản phẩm của HTX làm ra có chất lượng và năng suất cao hơn, thu nhập của các hộ thành viên cũng được nâng lên, tạo niềm tin và sự hứng khởi cho các thành viên hợp tác và bà con nông dân làm chè.

Người phụ nữ xây dựng thương hiệu nức tiếng cho sản phẩm trà Thái Nguyên - Ảnh 3.

Chị Tuyết cùng người lao động tham gia đóng gói sản phẩm chè (Ảnh: Hà Thanh)

Không chỉ tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà chị Tuyết còn thường xuyên chăm lo đời sống cho các thành viên HTX, người lao động, đảm bảo chế độ và quyền lợi theo đúng quy định, giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ có nhiều cơ hội để cống hiến, đóng góp cho HTX.

Hiện HTX có tất cả 13 thành viên, trong đó có 15 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ. Tổng doanh thu từ sản xuất, chế biến và kinh doanh chè của HTX mỗi năm đạt trên 10 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 3,7 tỷ đồng.

Sản phẩm chè Tuyết Hương có chỗ đứng vững chắc trên thị trường

Đến nay, các sản phẩm chè của HTX Tuyết Hương đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao về chất lượng. Trong số 8 sản phẩm của HTX thì có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao.

Người phụ nữ xây dựng thương hiệu nức tiếng cho sản phẩm trà Thái Nguyên - Ảnh 4.

Sản phẩm Minh Tâm Trà của HTX Tuyết Hương được chứng nhận OCOP 4 sao (Ảnh: Hà Thanh)

Với những những nỗ lực của bản thân, chị Tuyết đã liên tiếp nhận được nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh chè và phong trào phát triển kinh tế tập thể ở địa phương.

Mới đây nhất, chị Tuyết vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022.

Ông Đặng Ngọc Hiếu – cán bộ Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ cho biết, HTX chè Tuyết Hương có thời gian phát triển tương đối sớm so với các mô hình kinh tế tập thể khác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Từ khi thành lập đến nay, HTX Tuyết Hương đã không ngừng lớn mạnh, đưa sản phẩm chè Tuyết Hương đến khắp các vùng miền của tổ quốc.

Đến nay HTX đã kết nạp thêm được rất nhiều thành viên cùng tham gia sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, thu hút nhiều lao động làm việc với mức thu nhập ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ tham gia HTX, việc tiêu thụ sản phẩm chè của các thành viên HTX được ổn định và không lo thương lái ép giá.