Tỷ phú trồng cây cảnh, trồng hoa đẹp như phim ở Hà Giang là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Trồng cây cảnh, trồng hoa như "vườn thượng uyển", một tỷ phú Hà Giang là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022"
Minh Ngọc - Ngọc Hải
Thứ năm, ngày 11/08/2022 19:03 PM (GMT+7)
Ông Trần Văn Giang, tỷ phú trồng cây cảnh, trồng hoa ở thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) vừa được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Ông Trần Văn Giang, Trưởng thôn Mỹ Tân nói với phóng viên Báo điện tử Dân Việt rằng, bây giờ trong thôn có nhiều tỷ phú lắm...
Clip: Ông Trần Văn Giang, thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang) - Nông dân Việt Nam xuất sắc chia sẻ về mô hình trồng cây cảnh, trồng hoa. Thực hiện: Ngọc Hải
"Thất bại một mình tôi chịu, nếu không sẽ có tội với dân"
Một ngày đầu tháng 8, trong chuyến công tác lên Hà Giang, chúng tôi có dịp ghé thăm nhà của Trưởng thôn Mỹ Tân Trần Văn Giang - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Đặt chân đến Mỹ Tân, chúng tôi ngay lập tức bị hút hồn bởi những con đường bê tông được trải thẳng tắp, dọc hai bên đường trồng tùng la hán và rất nhiều các loài hoa đang đua nhau khoe sắc thắm. Gắn trên cổng của mỗi hộ gia đình đều có biển tên với dòng chữ: "Gia đình văn hóa", "Nhà sạch - vườn đẹp"; trong vườn gắn biển "Vườn rau dinh dưỡng".
Chúng tôi đến trước cổng nhà của Trưởng thôn Mỹ Tân Trần Văn Giang cũng bị choáng ngợp bởi từ cổng dẫn vào bên trong nhà được người chủ nhân trồng cỡ vài chục loài hoa. Ông bảo, ở cổng thì tôi làm khung sắt thật to, trồng hoa giấy cho leo giàn, khi hoa nở đỏ rực, rất đẹp. Còn lối dẫn vào nhà, nào là tường vi, hoa hồng, hoa đào...Tất cả chúng đều đẹp chẳng chịu kém cạnh ai.
Nhấp chén trà ấm vừa mới pha, ông Giang chia sẻ với cánh phóng viên chúng tôi về những đổi thay tốt đẹp ở Mỹ Tân. Cả thôn có 70 hộ thì 100% đều làm nghề trồng hoa, trồng cây cảnh. Nhờ có nghề này mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để. Mừng hơn nữa, nhiều hộ có thu nhập tiền tỷ.
Ở Mỹ Tân dân làng "mang ơn" người Trưởng thôn có dáng người nhỏ nhắn, bởi ông Giang là người đầu tiên đưa nghề trồng hoa, trồng cây cảnh từ dưới xuôi lên mảnh đất xa xôi này. Đôi tay tháo vát, nhanh nhẹn, cùng chất giọng trầm ấm, ông mời chúng tôi thưởng thức trái nhãn, củ khoai luộc được trồng trong vườn nhà. Thi thoảng gió đưa mùi thơm của hoa, tiếng chim ríu rít vui đùa, không gian như gần gũi, đầm ấm hơn.
Ông hồi nhớ về những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời mình. Ông bảo: "Bố mẹ tôi lên đây khai hoang làm kinh tế mới từ những năm 1960, tôi được sinh ra ở Mỹ Tân. Hồi ấy gia đình nghèo lắm, xung quanh toàn đồi núi, muốn canh tác gì cũng khó, chỗ đất bằng phẳng thì đất bạc màu nên mất mùa thường xuyên, thiếu ăn là chuyện hàng ngày, ăn bữa nay chưa xong đã phải lo bữa mai...".
"Gia đình tôi khai hoang trồng lúa, trồng ngô, sắn, thay đổi nhiều cây trồng nhưng không hiệu quả. Trồng lúa thì phải chờ nước trời, có hôm nửa đêm trời mưa phải dậy để be bờ giữ nước", ông Giang nhớ lại.
Giọng chậm lại, ông nói, cả thôn Mỹ Tân có trên 80% người dân từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình lên khai hoang làm kinh tế mới. Cái thời ở làng chưa có nghề trồng hoa, cây cảnh, đường dẫn vào thôn nhỏ bé, lầy lội quanh năm. Người dân lam lũ, vất vả, cả năm chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô mong đủ ăn là may lắm!.
Cuộc sống của gia đình khó khăn nhưng ông cũng bất lực vì chưa tìm được cách nào để thay đổi, đưa kinh tế gia đình đi lên, ông trăn trở và suy nghĩ nhiều.
Đầu những năm 2000, trong một lần về thăm quê ở xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực (Nam Định), ông Giang thấy ở các xã bên như: Nam Vân, Nam Điền có cái nôi làm nghề trồng hoa, cây cảnh nên trong đầu đặt ra câu hỏi "ở đây họ làm được, tại sao mình lại không làm"?. Trở về Mỹ Tân ông đưa một số cây lên trồng thử, nhưng thời gian đầu gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm trong tay, thời tiết cũng khác biệt so với ở dưới xuôi.
Ông bảo, cây trồng ra tiêu thụ rất khó khăn do trên này thị hiếu chơi cây cảnh của người dân lúc bây giờ cũng chưa nhiều. "Nhiều người còn bảo, đem cây lên đây trồng chẳng khác gì chở củi về rừng".
Dù biết là khó nhưng ông không nản lòng. Với bản tính chăm chỉ, miệt mài lao động, đi nhiều tỉnh học hỏi cách làm hay, rồi "đất cũng không phụ người", dần dà thành quen, với kinh nghiệm tích lũy được ông Giang quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa, ngô, khoai, sắn sang trồng hoa, cây cảnh.
Ông chia sẻ, ban đầu bán được một cây cũng rất chật vật, nhưng dần dần thị trường cũng đã "chấp nhận" sản phẩm của mình làm ra, cây dễ bán hơn. Có nhiều người ở các tỉnh lân cận như Lào Cai, Yên Bái cũng tìm đến hỏi mua cây.
Trong thời gian này, chứng kiến mô hình của ông Giang bắt đầu có hiệu quả, người dân ở Mỹ Tân cũng tò mò, thắc mắc: "Ông ấy là Bí thư chi bộ thôn, có mô hình trồng hoa, cây cảnh mang lại thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa, ngô, sao không phổ biến, chia sẻ cách làm với mọi người?".
Tâm sự với tôi, ông trải lòng: "Thời gian ấy, tôi làm Bí thư chi bộ thôn Mỹ Tân, là cán bộ, Đảng viên nên phải đi trước, thử nghiệm, khi nào thành công thì mới dám nhân rộng, chia sẻ với bà con. Nếu thất bại, thà một mình tôi chịu, chứ nhân rộng ra không thành công thì có tội, có lỗi với dân lắm".
"Người giữ lửa" cho nghề trồng hoa, trồng cây cảnh ở Mỹ Tân
Với thành quả ban đầu có được từ nghề trồng hoa, cây cảnh, ông Giang xin chủ trương của chính quyền địa phương để phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình đến các hộ dân trong thôn Mỹ Tân.
Được xã đồng tình ủng hộ, nhiều hộ gia đình ở Mỹ Tân đã chuyển đổi tiện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh. Ông vẫn nói với bà con rằng, chúng ta phải trồng đa dạng các loại cây như rau, hoa, lấy "ngắn nuôi dài", từ đó trồng các loại cây lâu năm, có giá trị kinh tế cao. "Để cây cảnh bán được với giá trị cao phải mất rất nhiều thời gian chăm sóc, thậm chí đến vài chục năm", ông nói.
Nói đi đôi với làm, với diện tích đất 3ha, ông Giang giành 2ha để trồng hoa, cây cảnh, còn 1ha trồng cam và rau, mỗi năm cho thu lãi 1 tỷ đồng. Mỗi sáng vợ ông chở hơn 1 tạ rau từ vườn nhà và rau thu mua của bà con trong thôn mang bán cho các nhà hàng ở Bắc Quang. Hôm nào cũng vậy, 2 - 3 giờ chiều mới trở về nhà.
Đến nay, sau hơn 20 năm, từ một số cây được ông Giang mang từ dưới xuôi lên trồng thì giờ đây cả thôn Mỹ Tân đã có tổng diện tích 180ha trồng hoa, cây cảnh, phủ một màu xanh đầy sức sống.
Con đường nhỏ hẹp, lầy lội năm nào được chính quyền xã Tân Quang và nhân dân thôn Mỹ Tân trải bê tông thẳng tắp, rộng 7 mét (5 mét đường bê tông và 2 mét đường trồng hoa), hai bên trồng nhiều loài hoa khác nhau.
Để nhiều người biết đến cũng như quảng bá thương hiệu, ông Giang xin ý kiến chính quyền xã xây dựng biển tên đặt ở cổng làng với hàng chữ đặc trưng rất riêng: "Thôn Mỹ Tân - Làng hoa, cây cảnh". Từ khi có biển hiệu này đã tạo ra một bức tranh toàn cảnh về sự đổi thay ở Mỹ Tân. Đây cũng như một động lực, thúc đẩy người dân trong thôn tiếp tục phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh và chương trình cải tạo vườn tạp của tỉnh.
Năm 2022, thôn Mỹ Tân cũng đón niềm vui mới khi Hội trường sinh hoạt của bà con trong thôn được cải tạo lại khang trang, sạch đẹp hơn và có thêm cả sân chơi vui chơi, giải trí rộng 900m2. Và người đã góp công, góp sức không ai khác là lão nông - "người vác tù và hàng tổng" Trần Văn Giang.
Ông chia sẻ, để đóng góp một phần nhỏ vào sửa Hội trường thôn, tôi vận động người thân, anh em, bạn bè được gần 100 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lưu Trường Hùng, thôn Mỹ Tân cho biết, ông Trần Văn Giang là người tiên phong đưa nghề trồng hoa, cây cảnh về thôn. Từ thành công đó của ông Giang thì đã nhân rộng mô hình ra nhiều hộ gia đình trong thôn. Ông cũng là người hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với bà con. Và đến nay, nhà nào cũng làm nghề này, nhờ đó mà cuộc sống đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Ông Giang chính là "người giữ lửa" cho nghề trồng hoa, cây cảnh ở Mỹ Tân.
Đánh giá về mô hình trồng hoa, trồng cây cảnh cũng như những đóng góp của ông Trần Văn Giang - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 vào sự đổi thay của thôn Mỹ Tân. Ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết, ông Giang đã góp phần nhân rộng phong trào "Nông dân sản xuất giỏi, chung tay xây dựng nông thôn mới của địa phương".
"Không những làm kinh tế giỏi, ông Giang còn là hội viên nông dân gương mẫu luôn đi đầu trong mọi phong trào do các cấp Hội Nông dân trong địa bàn tỉnh phát động. Những nỗ lực vươn lên không ngừng của nông dân ông Giang trong phát triển kinh tế đã được ghi nhận các cấp, các ngành từ huyện đến xã. Và hơn hết là những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất được ông chia sẻ cho bà con nhân dân cùng phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống", ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.