Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ Quảng Ninh là người trồng, chế biến dược liệu, thu tiền tỷ
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ Quảng Ninh là một người trồng, chế biến dược liệu, doanh thu tiền tỷ
Bùi My
Thứ tư, ngày 10/08/2022 11:00 AM (GMT+7)
Nhiều lần thất bại, thậm chí thua lỗ, nhưng ông Phạm Việt Trung vẫn kiên trì theo đuổi việc trồng, chế biến dược liệu. Doanh nghiệp do ông Trung làm giám đốc thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm và ông được bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Clip: Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và Chế biến Dược liệu Đông Bắc được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Ông Trung đến từ TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Ông Phạm Việt Trung (SN 1963), Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, Sản xuất và Chế biến Dược liệu Đông Bắc, là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc của năm 2022.
Hiện nay, công ty của ông đang phát triển vùng dược liệu 12ha tại thôn Cái Tăn, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây trồng nhiều loại dược liệu như dây thìa canh, xấu hổ, ngải mọi, rau đắng biển, bồ kết, đương quy… Ngoài ra, công ty còn liên kết với hàng trăm hộ dân ở các huyện Tiên Yên, Bình Liêu trồng 5ha dược liệu.
Công nhân Công ty TNHH Nuôi trồng, Sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc đang làm đất trồng dược liệu; chăm sóc vườn trồng các loại cây dược liệu.
Không chỉ vậy, Công ty TNHH Nuôi trồng, Sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc là đơn vị đầu tiên di thực và trồng thành công cây giảo cổ lam ở Quảng Ninh.
Vậy nhưng để có được thành tựu như ngày hôm nay, ông Trung đã phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những ngày đầu khởi nghiệp.
Gian nan khởi nghiệp với cây dược liệu
Tận dụng những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, kể từ năm 2010, ông Phạm Việt Trung đã bắt tay cải tạo vùng đất đồi Cái Tăn và đưa nhiều loại dược liệu về trồng tại đây.
Phát triển cây dược liệu, ban đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ cây giống, nguồn gen chuẩn
Xuất phát điểm, ông chỉ trồng dược liệu và bán nguyên liệu thô cho các công ty dược. Vậy nhưng, dược liệu của ông không thể cạnh tranh với dược liệu do người dân thu hái từ rừng và dược liệu Trung Quốc, do giá rẻ hơn rất nhiều.
Không từ bỏ đam mê, ông Trung chuyển sang ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng và chế biến cây dược liệu.
Thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng và chế biến cây dược liệu tại Quảng Ninh của Bộ Khoa học và Công nghệ, công ty ông đã thành công trong việc trồng và nhân giống cây giảo cổ lam.
Tuy nhiên, có những cây dược liệu khi đưa về trồng sẽ thích nghi và phát triển tốt. Nhưng cũng có những loại dược liệu trồng đi trồng lại, đầu tư số tiền lớn, nhưng vẫn thất bại.
Nhớ lại khoảng thời gian trồng ba kích, ông Trung kể: "Khi mới vào vùng Cái Tăn này, tôi đã phát hiện nhiều cây ba kích rừng mọc hoang khắp nơi. Tức là thổ nhưỡng, khí hậu ở nơi này phù hợp với cây ba kích. Vậy nhưng cả hai lần trồng ba kích, tôi đều thất bại."
Lần thứ nhất, ông trồng ba kích với diện tích 12ha. Thời điểm đó, vườn ba kích của ông được đánh giá là lớn nhất nhì trên toàn quốc.
Ban đầu, cây ba kích phát triển tốt, vậy nhưng chỉ sau 1,5 – 2 năm, cây ba kích bắt đầu xuất hiện bệnh. Cả một quả đồi, cây ba kích chết rải rác với các biểu hiện vàng lá, nhũn củ và chết lan ra rất nhanh. Dù đã nhổ bỏ và tiêu hủy ngay, thậm chí bỏ đất nơi cây bị chết, nhưng cũng không cứu được.
Không nản lòng, ông tiếp tục trồng ba kích lần thứ 2. Để khắc phục sai sót trong lần trồng đầu tiên, ông nhờ đến Viện Dược liệu, Đại học Lâm Nghiệp hướng dẫn cách phòng bệnh cho ba kích ngay từ ban đầu. Vậy nhưng cây ba kích vẫn chết hàng loạt bởi bệnh trạng tương tự.
Ông Trung cho biết, ông rất quan tâm đến cây ba kích nên vô cùng cẩn thận trong việc nhân giống cây thuốc quý này. Giống ba kích đều được ông lựa chọn từ những nơi có nguồn gốc rõ ràng như Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ, từ Vĩnh Phúc, Đoan Hùng (Phú Thọ), Vân Đồn (Quảng Ninh). Vậy nhưng dù trồng bằng hạt, cấy mô hay giâm hom… cây ba kích đều chết cả.
Theo kết quả giám định của Viện Dược liệu, nguyên nhân gây bệnh trên ba kích do một loại nấm, đến nay vẫn chưa có một biện pháp nào khắc phục.
Ông Trung chia sẻ, hiện giờ, chỉ những mô hình trồng ba kích nhỏ lẻ khoảng 200-300m2 thành công, còn những mô hình trồng ba kích thâm canh với diện tích lớn, hầu như đều thất bại. Từ những năm 2015-2016, ông thôi trồng ba kích và chuyển sang trồng các loại dược liệu khác.
"Làm nông nghiệp rất vất vả, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là thời tiết. Trước đây, có năm cháy rừng, công ty thiệt hại mấy hecta dược liệu. Còn hiện tại, chúng tôi có thể khắc phục được do đã hoàn thiện quy trình sản xuất dược liệu khép kín từ khâu ươm trồng, nuôi giống đến sản xuất, chế biến các sản phẩm trên dây chuyền hiện đại," ông Trung cho hay.
Ông Trung cũng tâm sự, thời gian đầu khởi nghiệp, tuy được bạn bè ủng hộ, nhưng gia đình ông lại không tích cực trong việc này. Nguyên nhân bởi khu trồng dược liệu cách nhà xa, chưa có kinh nghiệm trong trồng dược liệu, suốt những năm đầu, ông đều "vác tiền nhà đi".
"Nhưng tôi vẫn làm, tôi làm vì đam mê thôi. Mãi đến khoảng năm 2017, gia đình tôi mới ủng hộ công việc trồng và sản xuất dược liệu này," ông Trung cười.
Quả ngọt từ trồng, sản xuất, chế biến dược liệu
Nhờ sự giúp đỡ từ Viện Dược liệu và nhiều đơn vị đầu ngành khác, từ năm 2013, Công ty TNHH Nuôi trồng, Sản xuất và Chế biến Dược liệu Đông Bắc đã thành công trong việc chế biến và sản xuất 7 sản phẩm thực phẩm chức năng từ các loại cây dược liệu.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty đang sản xuất 40 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm xếp hạng OCOP 4 sao, 2 sản phẩm OCOP được đề cử 5 sao. Đáng chú ý, sản phẩm trà Giảo Cổ Lam Đông Bắc là một trong 27 sản phẩm nông sản tiêu biểu năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh.
Năm vừa qua, công ty xuất ra thị trường trên 194.000 các hộp các loại.
"Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện đề án Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP). Thông qua hội chợ, tôi không chỉ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác mà còn mở rộng thị trường," ông Trung chia sẻ.
Ông Trung khẳng định, khi so sánh chất lượng dược liệu trồng ở xã Cộng Hòa với vùng đất gốc, gần như không sự thay đổi. Nhờ thực hiện khép kín từ khâu cấy giống, nuôi trồng tới chế biến, các sản phẩm của Công ty đều đạt chất lượng cao, được khách hàng phản hồi tốt về chất lượng.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới sản xuất hàng hóa, năm 2020, Công ty đã đầu tư để xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà máy đạt chuẩn GMP – WHO, phòng R&D, phòng Lab, nhà sấy quy mô lớn… với diện tích 500m2.
Các thiết bị, máy móc, nhà xưởng cũng được đầu tư quy mô, hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất, cũng như hoạt động nghiên cứu, kiểm định.
Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, ông Trung cho biết, công ty đang nghiên cứu thuốc chữa bệnh cho tôm. Đến năm 2023, công ty sẽ ra sản phẩm thuốc điều trị 3 bệnh chủ yếu trên con tôm từ cây dược liệu, ưu tiên dùng các cây dược liệu bản địa của Quảng Ninh.
Ngoài ra sắp tới, công ty sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm, trước mắt là thị trường thị trường Lào và Myanmar.
Từ giờ đến năm 2025, công ty sẽ xây dựng vườn trồng và bảo tồn cây dược liệu vùng Đông Bắc tại xã Cộng Hòa, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Trước mắt, vùng dược liệu của công ty đã có cây ba kích, mâm xôi, cối xay,… đều là những dược liệu quý hiếm.
"Năm nay tôi cũng nhiều tuổi, suýt soát 60 tuổi rồi, bởi vậy tôi muốn làm ra những sản phẩm thực sự có tác dụng, nâng cao sức khỏe và đời sống cho người tiêu dùng," Nông dân Việt Nam xuất sắc của năm 2022 đến từ Quảng Ninh bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.