Dân Việt

Vì sao 07 thương nhân xăng dầu bị tước giấy phép xuất nhập khẩu?

An Linh 13/08/2022 06:00 GMT+7
Chia sẻ với báo giới, lãnh đạo Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương khẳng định: Nhóm 07 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu, các hoạt động mua bán xăng trong nước, cung ứng vẫn bình thường.

Xử phạt hàng loạt thương nhân là đầu mối xăng dầu

Theo đó, ngay sau khi nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện tình trạng thiếu xăng cục bộ, Bộ Công Thương đã thực hiện các đoàn thanh kiểm tra về hoạt động xuất nhập khẩu, cung ứng, phân phối, dự trữ xăng dầu.

Trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương khẳng định cơ quan quản lý tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu của doanh nghiệp chứ không phải tước quyền kinh doanh, hay dừng toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.

Vì sao 7 thương nhân đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép xuất nhập khẩu? - Ảnh 1.

Bộ Công Thương có động thái xử phạt các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu (Ảnh minh hoạ).

Theo thông tin, trong số 38 doanh nghiệp là các thương nhân đầu mối bị xử phạt các vi phạm liên quan, có 07 doanh nghiệp bị phạt nặng nhất là tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu từ 01 đến 1,5 tháng.

Cụ thể, Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát bị tước quyền sử dụng giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu 2 tháng. Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm bị tước quyền xuất nhập khẩu xăng dầu 01 tháng.

Các công ty như Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh; Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro bị tước quyền nhập khẩu 1,5 tháng.

Theo thông tin từ Vụ Quản lý thị trường trong nước và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), các hình thức tước quyền của doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu.

Về hoạt động khác, doanh nghiệp vẫn được quyền mua hàng từ các nhà máy xăng dầu trong nước như Nghi Sơn, Dung Quất để cung ứng cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ.

Bên cạnh việc tước giấy phép xuất nhập khẩu, 11 doanh nghiệp xăng dầu cũng bị phạt 1,7 tỷ đồng tiền vi phạm hành chính với các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Được biết nguyên nhân của hàng loạt doanh nghiệp bị tước quyền kinh doanh xăng dầu và bị phạt tiền kể trên do đề xuất của cơ quan quản lý thị trường sau các đợt thanh kiểm tra về xăng dầu tại 33 doanh nghiệp ở nhiều tỉnh. Dư luận trước đó khá bất bình khi nhiều nơi thiếu xăng cục bộ và các đoàn kiểm tra đã kiến nghị Bộ Công Thương xử phạt doanh nghiệp.

Trước đó, thực hiện các Quyết định thanh tra số 188, 189 và 192/QĐ-BCT ngày 15/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu, các Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra đối với 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại địa bàn các tỉnh, thành phố với thời kỳ thanh tra từ 01/01/2021 đến 11/02/2022.

Căn cứ hồ sơ, tài liệu mà các đối tượng thanh tra; hồ sơ, tài liệu của các đơn vị, cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu cung cấp, qua quá trình thanh tra, các Trưởng đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đối tượng thanh tra và thực hiện chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt, bao gồm các hành vi vi phạm chủ yếu: "Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định"; "Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định"; "Không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định"; "Nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân giao hằng năm"; "Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối"; "Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý xăng dầu theo quy định"...

Ngoài ra, là các hành vi "Bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân mà không thuộc trường hợp bán cho thương nhân đầu mối khác, thương nhân phân phối xăng dầu, đơn vị trực tiếp sản xuất và bán trực tiếp cho người tiêu dùng"; "Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng dầu đó đang là đại lý xăng dầu của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác"... Tất cả các vi phạm trên đã được cụ thể hoá trong các Quyết định, Nghị định số 99/2022 ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP.