Dân Việt

Trồng bạt ngàn na, thạch đen, hoa hồi..., nông nghiệp Lạng Sơn đặt mục tiêu thu 26.000 tỷ đồng vào năm 2025

Minh Ngọc 14/08/2022 09:32 GMT+7
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Lạng Sơn, mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đến năm 2025 sẽ đạt 26.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực ưu tiên phát triển là lâm nghiệp - chăn nuôi - trồng trọt.

Lạng Sơn đa dạng các sản phẩm nông nghiệp

Theo Sở NNPTNT Lạng Sơn, địa phương có khí hậu mang đặc trưng của khí hậu á nhiệt đới, rất thích hợp phát triển đa dạng các loại nông sản đặc sản. Vì vậy mà đến nay, toàn tỉnh đã có gần 4.000 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Trong đó, nổi bật là sản phẩm na. Tỉnh Lạng Sơn đã hình thành vùng sản xuất na tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích trên 4.000 ha, với hơn 1.000 ha na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sản lượng na hàng năm đạt trên 35.000 tấn, tổng giá trị sản xuất na thu được ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên ha canh tác na đạt 275 triệu đồng...

Đáng chú ý, sản phẩm na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận bảo hộ, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản "Na Chi Lăng" của tỉnh Lạng Sơn được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam; liên tiếp các năm 2017, năm 2018 được tôn vinh "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam".

Sở hữu đặc sản na, thạch đen, hoa hồi...ngành nông nghiệp Lạng Sơn đặt mục tiêu 26.000 tỷ đồng vào 2025 - Ảnh 1.

Từ ngày 10/8 đến 16/8 diễn ra Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Sản phẩm na Chi Lăng hiện chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước, một phần được bán sang Trung Quốc. Do đó, loại trái cây này còn nhiều tiềm năng để mở rộng thị trường, đưa sản phẩm na sang các nước khác trong khu vực và thế giới.

Hoa hồi cũng là một thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn, với diện tích trên 35.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 16.000 tấn, giá trị thu về trên 1.000 tỷ đồng/năm. Sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Hoa hồi hiện đang được thu mua, sơ chế xuất bán trong nước và một số thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Malaysia, Indonesia… Tuy nhiên, hoa hồi mới chủ yếu được chế biến thô, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư nghiên cứu chế biến tinh để xuất khẩu sang các thị trường khắt khe, yêu cầu cao về chất lượng.

Xứ Lạng cũng là nơi trồng rất nhiều loại rau đặc sản được khách du lịch ưa chuộng, như cải làn, cải ngồng, rau bò khai, rau sắng… Tại Hà Nội hiện đã có nhiều cửa hàng bán rau Lạng Sơn với nhiều chủng loại. Đặc biệt, rau cải làn, cải ngồng xứ Lạng đã dần có thương hiệu và được tiêu thụ rất tốt.

Theo Sở NNPTNT Lạng Sơn, cây rau được trồng nhiều nơi nhưng vùng chuyên canh chính tập trung ở khu vực thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc và huyện Lộc Bình, với diện tích toàn tỉnh đạt trên 9.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 110.000 tấn, giá trị hơn 900 tỷ đồng/năm.  

Lạng Sơn cũng được biết đến là xứ sở của cây thạch đen, được trồng bạt ngàn ở huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng với diện tích hàng năm khoảng 3.100 ha. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã cấp 149 mã vùng trồng thạch đen với diện tích 674,68 ha. Hiện sản phẩm thạch đen phần lớn được thu mua, chế biến và xuất bán sang Trung Quốc, một phần được tiêu thụ trong nước.

Ngoài ra, Lạng Sơn còn có 1.500 ha quýt đường, sản lượng 5.500 tấn/năm; 2.000 ha trồng 2 giống hồng đặc sản là hồng Bảo Lâm (hồng không hạt) và hồng vành khuyên...

Đặt mục tiêu doanh thu 26.000 tỷ đồng vào năm 2025

Với những lợi thế có được, ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đặt mục tiêu giá trị toàn ngành đạt 26.000 tỷ đồng vào năm 2025. Trong đó, lĩnh vực ưu tiên phát triển là lâm nghiệp - chăn nuôi - trồng trọt.

Phát biểu tại Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 vừa được tổ chức mới đây, ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Sở hữu đặc sản na, thạch đen, hoa hồi...ngành nông nghiệp Lạng Sơn đặt mục tiêu 26.000 tỷ đồng vào 2025 - Ảnh 2.

Diễn đàn kết nối nông sản 970 “Kết nối tiêu thụ na, nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022" vừa được tổ chức ngày 10/8. Ảnh: Minh Ngọc

Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vướng mắc; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hợp tác và phát triển. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch cơ chế chính sách và quản lý điều hành; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Theo đó, để thúc đẩy và thu hút phát triển ngành nông nghiệp, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện một số chính sách ưu đãi như hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án; hỗ trợ đầu tư bảo quản, chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm...

Lạng Sơn cũng có thế mạnh phát triển lâm nghiệp. Hiện, diện tích thông ở Lạng Sơn đã lên tới trên 126.000ha. Vùng chuyên canh trồng thông tập trung tại Đình Lập, Lộc Bình, một phần huyện Cao Lộc với diện tích khoảng 100.000 ha.

Sản phẩm gỗ keo, gỗ bạch đàn ở địa bàn huyện Hữu Lũng và một số địa phương khác cũng có diện tích lớn, trên 50.000 ha. Hiện toàn tỉnh có 1 nhà máy chế biến gỗ và trên 100 cơ sở chế biến, bóc gỗ ván; khối lượng ván bóc hàng năm đạt trên 350.000 m3. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các bạn hàng tại Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và Ấn Độ…