Dốc hết tiền vàng trồng mắc ca như bên Trung Quốc, cả làng bái phục ông kỹ sư Lạng Sơn
Ông kỹ sư xây dựng "điên" ở Lạng Sơn đi trồng cây lạ ra "nữ hoàng quả khô" khiến cả làng bái phục
Gia Tưởng
Thứ bảy, ngày 18/06/2022 13:01 PM (GMT+7)
Được nghỉ hưu mới bắt tay làm nông dân, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng với vườn trồng mắc ca ở xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Ông tạo nên cả một thương hiệu mắc ca nổi tiếng, vườn trồng mắc ca với thương hiệu Hoàng Liên của ông Hùng được gọi là "vườn vàng".
Vừa tỉa những cành phụ của cây mắc ca, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Tôi là kỹ sư gắn bó với các công trình xây dựng điện gần 40 năm thì về hưu. Nếu cứ hưởng cuộc sống an nhàn, thì cũng được. Nhưng tôi nghĩ mình đang đi làm, mà mình nghỉ hẳn thì rất hụt hẫng. Nên tôi quyết đi tìm mua vườn để làm nông dân".
Theo ông Hùng, trước kia từng sang chơi du lịch ở Trung Quốc, ông được một người bạn giới thiệu làm quen với cây mắc ca. Do đó khi nghỉ hưu, ông cũng để tâm đến loại cây này. Sau đó, như một cơ duyên, ông được một người bạn giới thiệu cho đám vườn này.
"Lúc đầu về nhà trình bày ý định mua vườn, bà vợ tôi nói tôi có bị điên không? Đang nghỉ ngơi sung sướng không thích, biết gì về nông nghiệp mà làm? Rồi anh em họ hàng cũng xúm vào can ngăn, có người còn xúc phạm, đưa ra hàng ngàn lý do thất bại," ông Hùng kể.
Nhưng ông vẫn có niềm tin vào quyết định của mình và theo đuổi bằng được cây mắc ca. Thế là bao nhiêu vốn liếng tích cóp được trong hàng chục năm đi làm xây dựng, ông dồn hết vào mua vườn.
"Lúc mua được vườn rồi, tôi vẫn loay hoay chưa biết xử lí với những cây mắc ca của mình thế nào. Nói thật, đôi lúc cũng lo lắng, không biết quyết định của mình đúng hay sai nữa? Khi vườn mắc ca ra hoa không đậu trái, rồi đậu trái nhưng lại bị rụng, rồi sâu bệnh," ông Hùng kể tiếp.
Tạo nên thương hiệu mắc ca Lạng Sơn
Kiên trì theo đuổi, tự tìm tài liệu về tập tính sinh trưởng của cây, thời gian chăm sóc, bón phân, phun thuốc phòng sâu bệnh... đến năm thứ 3, ông Hùng đã thực sự nắm được quy trình chăm sóc loại cây này.
Lúc này, những cây mắc ca đã ra hoa kết trái ổn định, và cho tỉ lệ hạt khá cao. Bấy giờ, ông mới thở phào nhẹ nhõm khi con đường mình chọn đã đúng.
Để hoàn thiện cho sản phẩm mắc ca của mình, ông Hùng quyết định thành lập doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mắc ca, lấy thương hiệu là Hoàng Liên.
Ông Hùng không chỉ đầu tư giàn sấy, máy dập hạt, máy hút chân không để chế biến sản phẩm mắc ca của nhà mình, mà còn bao tiêu quả mắc ca tươi của bà con nông dân trong vùng trồng với giá 50.000 đồng/kg.
Nhờ chế biến quả tươi ngay từ vườn, những quả mắc ca thương hiệu Hoàng Liên giữ được chất lượng hạt tốt nhất.
Ông Hùng cho biết, sản phẩm mắc ca của gia đình ông rất thơm ngon, có vị ngậy đặc trưng. Hiện nay, mắc ca Hoàng Liên đã được 26 siêu thị ở Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Giang đặt mua. Hàng xuất xưởng tới đâu là hết tới đó, chưa bao giờ phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Ăn theo vườn mắc ca tiền tỷ của gia đình
Bà Hoàng Thị Liên (vợ ông Hùng) cho biết, bà tận dụng những trái mắc ca không đủ tiêu chuẩn để chăn nuôi gà. Do vậy, đàn gà của gia đình chỉ ăn hạt mắc ca nên chất lượng thịt thơm ngon khác biệt, nhưng lại rất mềm.
Gia đình còn tận dụng vườn mắc ca để nuôi ong mật trong vườn. Mỗi năm, hai ông bà cũng thu được khoảng 2 tấn mật với giá bán 150.000 đồng/kg.
"Nếu làm vườn mắc ca và biết kết hợp nuôi một số vật nuôi dưới tán cây này thì cũng cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Đây là một khoản thu không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay nếu người dân biết tận dụng," bà Liên cho biết.
Với vườn mắc ca ngày càng được mở rộng, công ty của ông Hùng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Đến mùa thu hoạch mắc ca, công ty cũng thu hút hàng chục lao động thời vụ để thu hái, chế biến, đóng gói, phân phối sản phẩm để đảm bảo quả chín tới đâu thu hoạch đảm bảo chất lượng tốt nhất tới đó.
Nói về vườn mắc ca của ông Nguyễn Mạnh Hùng và thương hiệu mắc ca Lạng Sơn, ông Lý Việt Hưng Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Vườn của ông Hùng đang được Sở lựa chọn là một trong những vườn điểm để phát triển trồng mắc ca ở Lạng Sơn."
Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn đã hướng dẫn ông Nguyễn Mạnh Hùng làm thủ tục để công nhận mắc ca Hoàng Liên là sản phẩm OCOP. Từ đó, nâng tầm giá trị của một sản phẩm nông nghiệp mới của tỉnh nhà, xứng đáng với tiềm năng mới mà nông dân xứ Lạng đã mạnh dạn khám phá.
Mắc ca là một cây trồng mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân dám nghĩ dám làm. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn đang từng bước nghiên cứu và mở rộng diện tích trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.