Dân Việt

Lũy Thầy ở đâu, liên quan đến cuộc chiến ác liệt nào trong lịch sử Việt Nam?

Thanh Hải 14/08/2022 07:36 GMT+7
Dưới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, cùng với sông Gianh, hệ thống lũy Thầy đã tạo thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ cơ đồ chúa Nguyễn. Minh chứng cho giá trị phòng thủ ưu việt của mình, giai đoạn từ năm 1627 đến năm 1672, rất nhiều lần chúa Trịnh Đàng Ngoài cất quân tấn công chúa Nguyễn Đàng Trong nhưng đều bị thất bại ngay tại lũy Thầy.
Bởi vậy, dân gian có câu: “Khôn ngoan qua được Thanh Hà/Dẫu rằng có cánh khó qua lũy Thầy”.
 
Theo sử sách ghi chép, sau trận kịch chiến với quân Trịnh trên sông Nhật Lệ năm 1627, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1634) tuy giành thắng lợi nhưng vẫn bất an vì thế lực chúa Trịnh Tráng (1623-1657) rất mạnh, không từ bỏ ý đồ thôn tính Đàng Trong.
 
Mùa xuân năm 1630, Đào Duy Từ đệ trình kế hoạch xây dựng lũy Trường Dục để ngăn quân Trịnh: “Huy động dân quân 2 trấn, kiến trúc lũy Trường Dục, trên từ núi Trường Dục, dưới đến nước bùn Hạc Hải, là nơi điền địa hiểm yếu, lấy đó mà biên phòng”. Chúa Thượng nghe theo, truyền lệnh huy động nhân lực, vật lực xây dựng lũy Trường Dục.
 
Lũy bắt đầu từ chân núi Thần Đinh chạy dọc hữu ngạn sông Thạch Khê (Rào Đá), men theo bờ nam đoạn cuối Kiến Giang, qua các làng Xuân Dục, Trường Dục, Cổ Hiền và kéo dài đến phá Hạc Hải. Lũy hoàn thành vào mùa thu năm Canh Ngọ (1630) với chiều dài khoảng 9km, cao 3m, rộng 6m, có khúc ngoằn như chữ hồi nên còn được gọi là lũy Hồi Văn.
Lũy Thầy ở đâu, liên quan đến cuộc chiến ác liệt nào, vì sao nói "Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy"? - Ảnh 2.

Võ Thắng quan (hay còn gọi là Lý chính đại quan môn) hai cửa chính trên đường thiên lý Bắc-Nam.

Một năm sau, chúa Nguyễn lại cử Đào Duy Từ và tướng Nguyễn Hữu Dật thị sát thế núi, thế sông. Sau chuyến đi, nhà Nguyễn tiếp tục vạch kế hoạch đắp một lũy mới gọi là lũy Đầu Mâu, kéo dài từ chân núi Đầu Mâu chạy dọc phía nam sông Lệ Kỳ đến cầu Dài.

Dựa vào cấu tạo và liên kết tự nhiên của hình sông, thế núi, Đào Duy Từ chọn bờ nam sông Lệ Kỳ, nơi có vị trí xung yếu để xây dựng lũy Đầu Mâu, một trong những phòng tuyến lợi hại bậc nhất của hệ thống chiến lũy thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Đào Duy Từ đã liên kết, bố trận lũy Đầu Mâu, lũy Nhật Lệ, lũy Trường Sa, trận đồ đầm lầy Võ Xá, lũy Trường Dục thành hệ thống phòng tuyến vững chắc, hướng quân Trịnh đánh theo ý đồ của mình.
 
Chính vì vậy, lũy Đầu Mâu luôn được các triều đại nhà Nguyễn hết sức quan tâm, liên tục tu bổ, về sau xây dựng kiên cố. Chiến lũy Đầu Mâu đầu niên hiệu Gia Long trên nền cũ đắp thêm, năm Minh Mệnh thứ 5 tu bổ lại, năm Thiệu Trị thứ 2 đổi tên là Trường Thành Định Bắc. Mặt bắc chiến lũy có con sông Lệ Kỳ chảy về tận cùng cầu Dài tạo chiến hào thuận lợi cho công việc phòng thủ của quân Nguyễn.
 
Sách Đại Nam thực lục mô tả việc xây lũy Đầu Mâu: “Lũy cao 1 trượng 5 thước, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất, làm năm bực, voi ngựa đi được, dựa núi men khe, dài hơn 3.000 trượng, mỗi trượng đặt một khẩu súng quá sơn, cách 3 hoặc 5 trượng lập một pháo đài, đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi. Mấy tháng đắp xong lũy, thành một nơi ngăn chặn chia hẳn hai miền Nam Bắc…”.
 
Nối tiếp với lũy Đầu Mâu là lũy Trấn Ninh (lũy Động Hải, lũy Nhật Lệ) bao lấy địa phận Đồng Hới bắt đầu từ cầu Dài đến phía tây thành Đồng Hới đi qua Đồng Phú, Hải Thành rồi dừng chân ở cửa sông Nhật Lệ. Năm 1634, chúa Nguyễn sai tướng Nguyễn Hữu Dật (học trò của Đào Duy Từ) đắp thêm lũy Trường Sa 7km, dọc làng cát Bảo Ninh nhằm đề phòng hướng tấn công từ hữu ngạn sông Nhật Lệ.   
 
Lũy Thầy ở đâu, liên quan đến cuộc chiến ác liệt nào, vì sao nói "Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy"? - Ảnh 5.

Bia di tích lịch sử lũy Đầu Mâu.

Hệ thống chiến lũy bề thế mà hậu thế về sau gọi là lũy Thầy hay lũy Đào Duy Từ là hệ thống thành lũy liên hoàn, có nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều tuyến chiến đấu rất kiên cố với việc phòng thủ thâm sâu, quân Trịnh từ xa đến không dễ dàng công phá.

Minh chứng cho giá trị phòng thủ ưu việt của mình, trong giai đoạn từ năm 1627-1672, rất nhiều lần chúa Trịnh Đàng Ngoài cất quân tấn công chúa Nguyễn Đàng Trong nhưng đều bị thất bại ngay tại lũy Thầy.Cụ thể: Năm 1633, Trịnh Tráng đem quân vào tới cửa sông Nhật Lệ đánh chúa Nguyễn nhưng bị đội quân Đàng Trong đánh úp, phải cấp tập tháo lui. Năm 1648, quân Trịnh thọc sâu vào lũy Thầy, tấn công lũy Trường Dục nhưng bị bao vây tại vùng đầm lầy Võ Xá.

Lần này, để mở đường lùi cho ba quân, đã có 3 tướng và hàng nghìn quân lính của chúa Trịnh bị bắt làm tù binh. Và đỉnh cao là năm 1672, quân Trịnh với lực lượng hùng hậu tiến đánh vào lũy Thầy.Đây là lần giao tranh ác liệt nhất trong lịch sử cuộc nội chiến với nhiều lần liên tục tấn công vào mặt lũy Trấn Ninh. Sau bao lần công thành nhưng không chiếm được, cuối cùng quân Trịnh phải bất lực rút lui, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 50 năm, mở ra hơn một trăm năm hòa hoãn sau đó.

Hàng trăm năm tính từ khi khởi phát và thành hình, trên vùng đất Quảng Bình “địa linh nhân kiệt” vẫn còn khá nhiều di tích lịch sử thuộc hệ thống lũy Thầy: Đoạn tường thành ở chân cột hải đăng TP. Đồng Hới, Quảng Bình quan, Võ Thắng quan... 

Và dọc theo đường Hồ Chí Minh, ngang qua cầu Hai, đoạn giáp ranh giữa xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) và Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) sẽ thấy một đoạn tường đất xuôi ra phía biển. Đó là phần vết tích còn lại của lũy Đầu Mâu-thuộc hệ thống lũy Thầy trên đất Quảng Bình.

Qua thời gian, nền móng bị hư hỏng, sạt lở, con người đã biến phần lớn trường thành ra nương vườn, duy chỉ còn lại cửa Võ Thắng quan (hay còn gọi là Lý chính đại quan môn). Theo “Địa chí huyện Quảng Ninh” của tác giả Đỗ Duy Văn: Võ Thắng quan ở phía tây Trường Thành Định Bắc là một trong hai cửa chính trên đường thiên lý Bắc-Nam, được nhân dân còn gọi là cống (cửa) thượng, (cửa hạ là Quảng Bình quan).
Cửa quan dài 2 trượng 1 thước, ngang 2 trượng 5 thước, thành ngoài hộ cửa quan dài 14 trượng 6 thước, cao 3 thước... Lũy đã biến dạng do thời gian và tác động của con người, tuy nhiên đã phục chế một đoạn từ cổng kéo dài về 2 phía (vẫn còn một quãng lũy gần như giữ được nét nguyên sơ. Đoạn lũy này có đoạn có chiều cao khoảng 1,4m, chiều rộng 8-10m, chỗ tiếp giáp cổng còn độ cao 3,5m).
 
Lũy Thầy được công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 1992 bởi những giá trị lịch sử, quân sự, văn hóa ẩn chứa trong nội tại.
 
Tin rằng, những sản phẩm du lịch gắn với cội nguồn từ hệ thống lũy Thầy được phát huy sẽ góp phần bảo vệ, gìn giữ hệ thống thành lũy trước sự bào mòn, tàn phá của thời gian…